Bạc Liêu bước đầu đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị
Sau một thời gian triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã và đang giúp khai thác hiệu quả thế mạnh của các địa phương, nâng tầm giá trị nông sản và tăng thu nhập cho nhiều nông dân trong tỉnh Bạc Liêu.
Xác định vị trí và vai trò trọng tâm của chương trình, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng tiến hành triển khai đến tận các doanh nghiệp, cơ sở là chủ thể có những sản phẩm đặc trưng địa phương. Mỗi xã chọn các sản phẩm đặc trưng để đưa ra hội đồng huyện, thị xã, thành phố đánh giá, bình chọn.
Năm 2019, Hội đồng OCOP tỉnh quyết định công nhận 11 sản phẩm đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn OCOP; trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2020, cơ quan chức năng và các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ các chủ thể tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm để đưa ra đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Hội đồng OCOP tỉnh tiến hành đánh giá, phân hạng đợt 1 năm 2020 với 15 sản phẩm của 11 chủ thể. Qua đó đã chấm điểm và gắn sao 15 sản phẩm. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh ra quyết định công nhận 4 sản phẩm đạt 4 sao, 11 sản phẩm đạt 3 sao. Như vậy, đợt 1 toàn tỉnh có 26 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao.
Trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm đợt 2 năm 2020 mới đây của Hội đồng OCOP tỉnh Bạc Liêu, đã có thêm 26 sản phẩm đạt từ 3-4 sao. Nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh trong toàn tỉnh lên 52 sản phẩm. Một số sản phẩm đạt 4 sao sẽ được Hội đồng OCOP tỉnh chọn gửi về Trung ương để tiếp tục đánh giá, phân hạng, để được công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường cho chủ thể, các địa phương còn hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện tối đa cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm…; hỗ trợ giới thiệu, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch trong tỉnh.
Để sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng tham gia đánh giá, phân hạng OCOP nâng cao giá trị, một số địa phương đã có kế hoạch từng bước đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh…
Ông Huỳnh Thanh Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã đưa vào hệ thống Siêu thị Co.opmart, Bách hóa xanh như: muối Bạc Liêu, bánh tráng sữa, rau cần nước… Thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều sản phẩm đưa vào trưng bày, mua bán nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản địa phương”.
Một số sản phẩm đã và đang xây dựng OCOP đạt 3 sao, 4 sao được tỉnh khuyến khích đưa vào các siêu thị, hệ thống Bách hóa xanh. Ngoài ra, một số địa phương còn chủ động làm việc với các siêu thị nhằm đưa sản phẩm nông sản tiềm năng (xây dựng sản phẩm OCOP) vào các hệ thống siêu thị.
Điển hình như huyện Vĩnh Lợi, trong quá trình hực hiện Chương trình OCOP, huyện tạo mọi điều kiện cho chủ thể tham gia tập huấn, giới thiệu về sản phẩm; gắn với hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất – kinh doanh và đăng ký tham gia chương trình. Đến nay, huyện có 9 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao. Huyện cũng tư vấn cho chủ thể một số nội dung để hoàn chỉnh sản phẩm tham gia Chương trình OCOP như đăng ký kinh doanh, tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì sản phẩm đúng theo quy định…
Hiện nay có một số sản phẩm như muối Bạc Liêu và năn bộp của huyện đã đưa vào Siêu thị Co.opmart. Ông Từ Minh Phúc, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, cho biết: Tới đây, huyện sẽ tiếp tục làm việc với Siêu thị Co.opmart để đưa một số sản phẩm OCOP, các nông sản đặc trưng và tiềm năng của huyện vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.
Là địa phương có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng được công nhận OCOP, chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, ông Đỗ Minh Thắng thông tin: “Hướng tới, thị xã đưa các sản phẩm OCOP và nông sản đặc trưng vào các kênh phân phối của hệ thống Bách hóa xanh. Đồng thời từng bước đưa vào các hệ thống siêu thị để quảng bá và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, tăng nguồn thu nhập cho nông dân”.
LÂM KHANH