ISSN-2815-5823

Bạc Liêu: Điểm nhấn của cụm du lịch phía Tây đồng bằng sông Cửu Long

(KDPT) – Tại những hội thảo đánh giá về tiềm năng du lich (DL) của các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, lợi thế DL cụm phía Tây nói riêng, DL nông nghiệp công nghệ cao của Bạc Liêu đã được những người làm DL chú ý và đánh giá cao. Với tài nguyên DL sẵn có ở mỗi địa phương, nếu được khai thác thành sản phẩm DL đặc trưng trong tua tuyến liên kết thì đây sẽ là vùng DL đắc địa, góp nhiều điểm nhấn quan trong cụm du lịch (DL) phía Tây ĐBSCL.

Cánh đồng quạt gió, một điểm du lịch hấp dẫn của Bạc Liêu

Cụm DL phía Tây ĐBSCL gồm các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang và TP. Cần Thơ. Đặc điểm du lịch nổi bật của cụm DL này là du lịch sinh thái rừng ngập mặn, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, tâm linh, thưởng lãm không gian nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu… Theo đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển DL vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030”, các sản phẩm DL phía Tây được định hướng phát triển là: sông nước miệt vườn, chợ nổi (Cần Thơ), DL nghỉ dưỡng biển đảo (Kiên Giang), trải nghiệm giá trị văn hóa sông nước rừng ngập mặn (Cà Mau), tìm hiểu di tích kiến trúc thời Pháp thuộc (Bạc Liêu), trải nghiệm đời sống văn hóa lễ hội, làng nghề của đồng bào dân tộc Khmer (Sóc Trăng)…

Nhằm phát huy các lợi thế đó, việc liên kết chặt chẽ để tìm ra sản phẩm DL đặc trưng là cần thiết. Bên cạnh đó, việc liên kết còn nhằm khắc phục những hạn chế trong DL cụm như: hoạt động kinh doanh DL vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của từng địa phương mà chủ yếu là dựa vào khai thác bề nổi của tài nguyên DL, thiếu sự sáng tạo trong định hình sản phẩm đặc trưng chủ đạo cho nên sản phẩm còn trùng nhau, chưa bóc tách nét riêng tạo thành sản phẩm chung mang tính liên kết; tài nguyên, môi trường DL bị xuống cấp do những bất cập trong quản lý, bảo vệ và khai thác; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ DL phát triển nhanh nhưng quy mô, tính chất tiện nghi và phong cách phục vụ chưa tương xứng; cụm chưa hình thành hệ thống các khu DL quốc gia với thương hiệu nổi bật…

Theo đánh giá của ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DL ĐBSCL thì Bạc Liêu có rất nhiều lợi thế như bờ biển dài 56km với các dự án phát triển điện gió ven rừng phòng hộ, nhiều di tích ghi dấu ấn những ngày đầu khai hoang mở đất cùng các kiến trúc di sản văn hóa đặc sắc (trong đó có khu nhà Công tử Bạc Liêu là thương hiệu độc quyền của tỉnh), hội tụ nhiều tín ngưỡng văn hóa truyền thống dân gian (chùa Xiêm Cán của người Khmer, Quán âm Phật đài, Nhà thờ Tắc Sậy…). Đặc biệt, nơi đây lại có Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu – là một trong 4 điểm DL trọng điểm của cụm DL phía Tây. Ngoài ra, nông nghiệp công nghệ cao là điểm mới của DL ĐBSCL mà Bạc Liêu là địa phương có thế mạnh về lĩnh vực này.

Chùa Xiêm Cán, một địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách.

Tại những hội thảo đánh giá về tiềm năng DL của Bạc Liêu, nhiều hiến kế, ý kiến đã được đưa ra là: làm sao để du khách tham quan cánh đồng điện gió, sau đó được tìm hiểu về nuôi trồng thủy hải sản của các hộ dân ven rừng phòng hộ, trải nghiệm cách nuôi tôm công nghệ cao, thưởng thức món ăn từ tôm của Bạc Liêu; có thể kết hợp xây dựng mô hình homestay để du khách được “một ngày làm ngư dân”, tham gia công việc đánh bắt thủy hải sản cùng người dân sở tại.

Với vai trò Cụm trưởng Cụm liên kết năm 2019, Bạc Liêu đã xây dựng hiệu quả Chương trình điều phối Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL. Nhiều hoạt động liên kết được tổ chức tốt như: Thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; kiểm tra các điều kiện, tiêu chuẩn kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, điểm du lịch cộng đồng; quảng bá xúc tiến du lịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững và bảo vệ môi trường;… đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch, là cầu nối giữa các doanh nghiệp du lịch trong Cụm liên kết, hình thành được nhiều sản phẩm dịch vụ mới.., đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách du lịch, thu hút được các doanh nghiệp lữ hành đưa khách về các địa phương…

Nhìn nhận lợi thế của Bạc Liêu trong cụm DL phía Tây ở góc nhìn cận cảnh (so với góc nhìn ở khối liên lết với ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh) cũng là bước quan trọng để Bạc Liêu chủ động phần mình khi xây dựng những sản phẩm DL đặc trưng trong mối liên kết cụm.

DƯƠNG KHÁNH



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 16/01/2025