Bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, phổ thông
Mục tiêu của Đề án nhằm bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Cụ thể, giai đoạn 2017 – 2020, đối với giáo dục mầm non, đầu tư xây dựng 4.300 phòng học thay thế các phòng học tạm thời (bao gồm phòng học tranh tre, nứa lá, phòng học xây dựng tạm bằng các loại vật liệu khác); phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại; phòng học nhờ, mượn, thuê tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng bổ sung 4.360 phòng học; 3.070 phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật; 1.220 nhà bếp và nhà kho; mua sắm bổ sung 16.290 bộ thiết bị dạy học tối thiểu và 1.020 bộ thiết bị đồ chơi ngoài trời theo chương trình.
Đối với giáo dục tiểu học, đầu tư xây dựng 5.900 phòng học tiểu học thay thế các phòng học tạm thời (bao gồm phòng học tranh tre, nứa lá, phòng học xây dựng tạm bằng các loại vật liệu khác); phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại; phòng học nhờ, mượn, thuê tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng bổ sung 6.000 phòng học; 7.770 phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập); 3.420 phòng thư viện; mua sắm bổ sung 39.070 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2; 258.620 bộ bàn ghế hai chỗ ngồi; 13.910 bộ máy tính; 1.980 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ.
Đối với giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông, xây dựng bổ sung 5.670 phòng học bộ môn, 1.450 phòng chuẩn bị và 790 phòng thư viện cấp trung học cơ sở; 1.560 phòng học bộ môn, 340 phòng chuẩn bị và 530 phòng thư viện cấp trung học phổ thông; mua sắm bổ sung 670 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 6; 4.190 bộ thiết bị phòng học bộ môn; 182.110 bộ bàn ghế hai chỗ ngồi; 8.220 bộ máy tính; 5.900 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ.
Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, đầu tư xây dựng số phòng học còn lại thay thế các phòng học tạm thời; phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại; phòng học nhờ, mượn, thuê.
Phấn đấu xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cấp mầm non và tiểu học; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện; mua sắm bổ sung đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông; trong đó, ưu tiên cho lớp 3, lớp 4, lớp 5, lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12 theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Đến thời điểm chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2021-2025 của Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư và cơ chế huy động vốn bảo đảm khả thi, phù hợp với các mục tiêu nêu trên.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quản lý hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học; thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ sở vật chất trường học; tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho trường học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn chi tiết cơ cấu các nguồn vốn để triển khai thực hiện Đề án đến từng cấp học; tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam