Biến kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế
(KDPT) – Kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang chiếm một lực lượng đông đảo với khoảng 700.000 doanh nghiệp (DN) và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để kinh tế tư nhân thực sự phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế ngoài sự đồng hành của Nhà nước thì DN cũng phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, câu chuyện khó khăn mà DN của ông Trung gặp phải cũng đang là vấn đề chung của nhiều DN trong các ngành khác. Chia sẻ tại hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên 2019, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khu vực kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp 40% GDP (cao hơn DN nhà nước và DN FDI), đóng góp khoảng hơn 40% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển bán lẻ và dịch vụ, khoảng 60% tổng lượng hàng hoá vận chuyển. Ông Vũ Tiến Lộc cũng nhận định rằng, dù được đánh giá là chủ thể của nền kinh tế nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa phát triển bứt phá do nhiều nguyên nhân, mà một trong những trở ngại lớn là thủ tục hành chính.
Phân tích những nguyên nhân dẫn đến việc “cứ cải cách thể chế mãi mà vẫn không đạt yêu cầu”, TS Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nhược điểm lớn nhất của cải cách thể chế là cải cách không đồng bộ trong tất cả các mối quan hệ, nhà nước – thị trường, tổ chức bộ máy hành chính, con người, hành chính công, tài chính công… cứ sửa đầu này, lại vênh đầu kia.
“Cái mà DN tư nhân cần là môi trường. Do vậy Nhà nước phải có kỷ cương, phải tạo môi trường làm sao mà DN làm ăn đàng hoàng thì phát triển được, còn DN làm ăn gian dối, dựa vào cơ chế, chạy chọt thì không thể tồn tại được”, ông Trần Du Lịch thẳng thắn chỉ ra.
Là Bộ tiên phong trong cắt giảm hàng trăm thủ tục hành chính và các quy định nhằm cởi trói cho kinh tế tư nhân phát triển, bà Nguyễn Thuý Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) – cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và các bộ ngành cũng đã hành động rất quyết liệt. Về phía Bộ Công Thương, một trong những phương châm hành động là hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của DN. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã ưu tiên tập trung vào câu chuyện thể chế, cụ thể từ 2016 đến nay đã ban hành 3 Luật và nhiều Thông tư, Nghị định để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi.
Về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Công Thương cũng ban hành chương trình hành động hỗ trợ cho khu vực này với nhiều nội dung, mà một trong những vấn đề chính là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về mặt thể chế, hỗ trợ DN trong phát triển thị trường, và tháo gỡ khó khăn cho DN. Khi luật DN nhỏ và vừa ban hành, Bộ Công Thương đã chủ động khi xây dựng kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển như có chương trình hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, hỗ trợ DN tham gia các thị trường liên kết, tham gia vào các hệ thống phân phối trong và ngoài nước…
“Tính đến hết năm 2018, Bộ Công Thương đã cắt giảm 55% điều kiện kinh doanh. Trong giai đoạn 2019-2020, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cắt giảm 202/651 điều kiện kinh doanh (tương đương với 36%) và phấn đấu hướng tới cắt giảm tối đa 72% điều kiện kinh doanh do Bộ đang quản lý”, bà Hiền cho biết thêm.
Theo đánh giá của cộng đồng DN, việc các Bộ, ngành quyết liệt trong cải cách thể chế, chính sách đã và đang tạo niềm tin cho DN. Tuy nhiên việc cải cách này cần được thực hiện đồng bộ hơn để giúp môi trường đầu tư, kinh doanh được thông thoáng hơn, có như vậy mới biến kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế.
Minh Anh