Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/6/2023.
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/6/2023.

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn Quốc hội đã tạo điều kiện để ngành lao động, thương binh và xã hội có điều kiện báo cáo trước Quốc hội, trước cử tri cả nước về tình hình lao động, việc làm, công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và công tác quản lý phát triển bảo hiểm xã hội. Đây là những vấn đề lớn, có ý nghĩa chiến lược của quốc gia, vừa liên quan trực tiếp đến đời sống, đến miếng ăn, giấc ngủ hằng ngày của hàng triệu người dân, của người lao động và lực lượng hưu trí cả nước.

Theo đó, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội với những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, là giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Thứ hai, về thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

Quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề còn bất cập, chồng chéo

Nêu câu hỏi đầu tiên, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi chất vấn: Giải pháp của Bộ LĐTBXH về giáo dục nghề nghiệp ra sao để có chính sách thu hút học sinh khá giỏi, cụ thể là chính sách gì? Khi nào giáo dục nghề nghiệp là giáo dục bậc học quốc dân chứ không phải không thi đỗ vào 10 thì mới đăng kí vào?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Chính phủ đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Quốc hội đã thông qua 3 luật liên quan đến lĩnh vực này: Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục và Luật dạy nghề. Quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề, so với cách đây 5 năm bình quân mỗi năm chỉ khoảng 500 nghìn học sinh, sinh viên, cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt.

Bộ trưởng cũng thẳng thắng nhìn nhận, giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng còn nhiều điều cần quan tâm, đổi mới và cải thiện về chính sách pháp luật, chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều. Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội.

Về các giải pháp thu hút học sinh học nghề, trong đó điều quan trọng nhất là có sự ủng hộ của các bậc cha mẹ, bản thân người học; ra trường có việc làm, có thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt; sau khi ra trường có nhu cầu học lên được học liên thông. Từ định hướng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ thiết kế chính sách cho sinh viên học nghề theo hướng này.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Quan điểm của Bộ trưởng về chỉ số lao động chưa qua đào tạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trên thực tiễn việc đào tạo có chứng chỉ mới là một nội dung, quan trọng nhất là nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tinh thông nghề nghiệp và hiệu quả công việc của người lao động. Bộ trưởng cũng tán thành với quan điểm của đại biểu và cần có một cách nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn về vấn đề này, cần có công cụ, tiêu chí đánh giá để xác định về chất lượng lao động cũng như tiêu chuẩn công nhận chứng chỉ, bằng cấp trong gian tới.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị làm rõ giải pháp chấn chỉnh tình trạng chồng chéo, trùng lắp ngành nghề đào tạo

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, công tác tuyển sinh, công tác giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều bước tiến. Bộ đã có báo cáo với Ban Bí thư về vấn đề này, trong đó có báo cáo, đề cập đến quy mô, chất lượng đào tạo, từ đó cho thấy bên cạnh những bước tiến bộ, nhưng quy hoạch mạng lưới đào tạo còn nhiều bất cập.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong. Chính vì vậy, thời gian tới, đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng được các doanh nghiệp, để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định.

Bộ trưởng cho rằng, hiện nay có tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo, các trường nghề về bản đang thực hiện theo tinh thần, việc đào tạo được tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao, nhà nước đặt hàng thì đào tạo theo yêu cầu. Tình trạng chung của các trường nghề là tuyển sinh được thì đào tạo, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường.

Thời gian qua, 63 tỉnh thành đã cùng với Bộ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương. Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo như hiện nay.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc thu hút học sinh vào trường nghề không phải điều dễ dàng. Số trung cấp nghề tăng do áp dụng nguyên tắc (9 cộng). Tức học sinh sau tốt nghiệp phổ thông vào thẳng trường nghề vừa học văn hóa vừa học nghề.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề (ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề (ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Về câu hỏi có lãng phí không, Bộ trưởng trả lời không hoàn toàn lãng phí nhưng cũng chưa có đánh giá toàn diện vấn đề này và thời gian tới sẽ có đánh giá đích thực về vấn đề này. Tuy nhiên cũng theo Bộ trưởng, việc vừa học nghề vừa học văn hóa giúp rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi hơn cho ra trường có thể tham gia thị trường lao động. Các nước đang phát triển cũng áp dụng mô hình này, cả Đức, Nhật Bản và Canada cũng áp dụng.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên: Nguyên nhân và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đào tạo nghề được “phân vai” rất rõ, trong đó đào tạo nghề khu vực cán bộ, công chức, viên chức phân công cho Bộ Nội vụ; đào tạo nghề phi chính thức do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện; đào tạo nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương triển khai. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đưa ra về nguyên tắc, chỉ đào tạo khi dự báo được công việc và hiệu quả khi đào tạo ra.

Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Người Việt Nam thông minh và chịu khó nhưng làm thế nào để nâng sức lao động của người Việt Nam phát triển và thoát khỏi vùng chuẩn của khu vực ASEAN và ngang bằng các nước trên thế giới?

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Giải pháp tăng năng suất lao động của Việt Nam ngang bằng các nước trên thế giới (ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Giải pháp tăng năng suất lao động của Việt Nam ngang bằng các nước trên thế giới (ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, có nhiều nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam, nhưng có 2 vấn đề chính là yếu tố vốn và kỹ năng, trình độ người lao động. Bộ trưởng chưa đồng tình với nhận định năng suất lao động Việt Nam thấp hơn so với Campuchia. Bộ trưởng phân tích, lực lượng lao động Việt Nam đang phân bố khu vực nông nghiệp rất cao, làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thương mại thì thấp. Hơn nữa, quy mô lao động Việt Nam rất lớn, do đó cũng một công việc ấy đáng lẽ một người làm nhưng san sẻ 2-4 người làm nên tỷ lệ thất nghiệp không cao.

Để nâng cao năng suất lao động, Bộ trưởng cho biết giải pháp thời gian tới là cơ cấu lại lực lượng lao động; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao; hạn chế sử dụng các ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động.

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, ĐBQH Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội bày tỏ đồng tình với việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở này tại các địa phương trong thời gian qua còn có nhiều khiên cưỡng, mang tính cơ học, chưa tính tới yếu tố đặc thù của một số lĩnh vực, dẫn đến nhiều bất cập trong đào tạo và tuyển sinh, nhất là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Đại biểu Dương Minh Ánh cũng cho biết, các chính sách, chế độ đặc thù cho nhà giáo giảng dạy đối với các lĩnh vực này cũng còn nhiều bất cập, khiến cho việc đào tạo nguồn nhân lực văn nghệ sĩ ngày càng khó khăn hơn. Đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét thấu đáo, đánh giá lại việc sắp xếp vừa qua, tránh làm thiếu hụt nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi chất vấn về quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, không chỉ riêng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thời gian qua khi thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các địa phương cũng đã sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Việc thực hiện sắp xếp lại cơ bản được thực hiện đúng, tuy nhiên cá biệt có một số trường hợp còn khiên cưỡng.

Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, có trường hợp ngành y lại xếp chung trường với ngành công nghiệp cơ khí, hoặc văn hóa nghệ thuật ghép chung với các trường khác, để đảm bảo tiêu chí giảm đầu mối cao đẳng nghề tại địa phương. Bộ trưởng cho biết, với những ngành nghề có tính chất đặc thù, chuyên biệt, chẳng hạn như y tế, văn hóa, nghệ thuật, cần bố trí cho phù hợp.

Theo Nghị quyết số 19, chỉ sắp xếp đối với các trường khi có 3 năm liền hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian qua, việc giảm đầu mối đã xuất hiện một số bất cập. Bộ trưởng cho biết, việc sắp xếp các trường trung cấp ở địa phương do địa phương quyết định, nên đề nghị các địa phương xem xét, rà soát vấn đề này để có giải pháp, quyết định thấu đáo.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Giải pháp tăng năng suất lao động của Việt Nam ngang bằng các nước trên thế giới (ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng tăng quyền lợi cho người đóng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đây là những vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống, miếng ăn, giấc ngủ hàng ngày của hàng triệu người dân, người lao động và lực lượng hưu trí cả nước. Thời gian qua, trong bối cảnh nhiều thay đổi nhanh chóng và phức tạp, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội.

51,1 triệu người có việc làm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh về thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô lao động độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 55 triệu người; đến quý I/2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,1 triệu người, tăng 113.500 người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất với 39,0%, tương đương gần 20,0 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,9%, tương đương 17,3 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng thấp nhất, 27,1%, tương đương 13,8 triệu người.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, cả về quy mô, cả sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4% (tính đến quý I/2023), thấp so với các nước phát triển.

Thời gian qua, sau khi có Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Nghị quyết đã nêu 9 nhóm giải pháp căn bản từ việc tuyên truyền, nhận thức, xây dựng chính sách, việc triển khai tổ chức thực hiện…

Tại nghị trường, Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đưa ra chất vấn về tình trạng thiếu việc làm. Đối với vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

“So với thế giới, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm thấp. Ngày 26/5, có báo cáo chính thức về số mất việc làm, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng khoảng 506.000 người, trong đó khoảng 270.000 người mất việc. Chúng tôi cho rằng tình trạng này có những nguyên nhân do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động và thực hiện giải quyết chính sách cho lao động.”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Bố Thị Xuân Linh.

Thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, ĐBQH Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng thu nhập và đời sống hiện tại của công nhân lao động ở nước ta hiện nay. Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng cho biết cần quan tâm và có những giải pháp căn cơ gì để chăm lo, hỗ trợ cho đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế suất?

Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận chất vấn về đời sống người lao động
Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận chất vấn về đời sống người lao động

Về thực trạng thu nhập, đời sống, việc làm của người lao động, nhất là khu công nghiệp, khu chế xuất, giải pháp căn cơ cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6% so với quý IV/2022.

Theo số liệu thống kê, thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế. Trong đó, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất. So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong dịch vụ là 8,3 triệu đồng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 766.000 đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 4,1 triệu đồng, tăng 9,2%, tương ứng tăng khoảng 345.000 đồng. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,9 triệu đồng, tăng 9,0%, tương ứng tăng khoảng 655.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận xét, các doanh nghiệp đã cố gắng, doanh nghiệp, người lao động cũng san sẻ, chia sẻ với phương châm phát triển cùng hưởng, khó khăn sẻ chia. Tuy nhiên, có thể thấy lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là lao động nữ.

Để giải quết vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ra một số giải pháp sau: Tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập đời sống của người lao động. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Chăm lo đời sống phúc lợi, thiết chế, nhất là các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục dành cho phụ nữ, người thân trong gia đình. Tăng cường kết nối giới thiệu việc làm, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp, đào tạo…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn nhiều vấn đề nóng
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH trả lời chất vấn nhiều vấn đề nóng.

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội

Tại nghị trường, nhiều Đại biểu đặc biệt quan tâm tới các vấn đề liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại nghị trường, ĐBQH Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phản ánh tình trạng chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội thời gian qua. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề này?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69%. So với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động đóng đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó.

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

“Việc lấy ý kiến sửa đổi luật này đã được tiến hành, thu thập, tổng hợp được trên 380 ý kiến của các tập thể và nhiều ý kiến cá nhân. Bộ đang tích cực trong công tác tiếp thu, tuy nhiên về lĩnh vực này, cần đảm bảo các nguyên tắc đóng – hưởng, bình đẳng và chia sẻ, đồng thời cần có các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ.” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đều quan tâm đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần và đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra giải pháp.

Về việc rút bảo hiểm một lần, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch Covid-19. Trước năm 2019, số rút bảo hiểm bình quân một năm khoảng 500 ngàn, đến năm 2023, con số này tăng lên thành gần 900 ngàn. Nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, thì có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững.

Bàn về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết là do thu nhập của người lao động ở mức thấp, cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần còn quá dễ dàng, quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần ở mức cao, công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng chưa được thực hiện hiệu quả.

Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng cho rằng đó là một trong các giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động. Bộ trưởng cho biết, có nhiều phương pháp khác cần được thực hiện, triển khai đồng bộ, phương án lập Quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ghi nhận và nghiên cứu kỹ phương án này.

Bộ trưởng cho rằng, cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền, tăng quyền lợi cho người đóng. Tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hiệu quả nhất.

Về việc làm rõ thông tin liên quan đến thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan tổ chức thực hiện là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là bảo hiểm xã hội của các địa phương. Bộ trưởng cho biết, vấn đề này đã được phát hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và có văn bản chấn chỉnh việc này.

Bộ trưởng cho biết thêm, việc thu sai này đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016. Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ đã chấn chỉnh Bảo hiểm xã hội, về cơ bản, vấn đề này đã được giải quyết. Phần lớn các vướng mắc đã được các địa phương linh hoạt xử lý với chủ hộ kinh doanh, nhiều trường hợp đồng ý chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện, nhiều trường hợp đề nghị thoái thu, có những trường hợp đề nghị chuyển sang bảo hiểm bắt buộc.

Qua kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương cho thấy, có địa phương báo cáo là 62 trường hợp nhưng kiểm tra thực tế chỉ còn 8 trường hợp, như vậy đã giải quyết về căn bản.

Về câu hỏi của đại biểu có tình trạng tiêu cực hay không, Bộ trưởng cho biết chưa phát hiện được tiêu cực nhưng việc thu này là sai về chủ trương, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về giải pháp căn cơ, trong chương trình xây dựng pháp luật đề xuất đưa các đối tượng này vào đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc khi sửa Luật bảo hiểm xã hội. Nếu được Quốc hội cho phép tại nghị quyết chất vấn tại Kỳ họp này, Bộ kiến nghị cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, như cộng nối thời gian đóng bảo hiểm nếu như người lao động có nhu cầu.

Phát biểu kết luận nội dung chất nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trả lời đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời đề xuất được nhiều giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện những nội dung mà thuộc lĩnh vực trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.