Bộ TT&TT sẽ đấu giá băng tần 3700 MHz để triển khai 5G
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, hiện tại, băng tần 2600 MHz sẽ tổ chức đấu giá vào tháng 12/2023. Doanh nghiệp phải chính thức cung cấp dịch vụ chậm nhất là 12 tháng sau khi được cấp phép. Sau đấu giá 2600 MHz, Bộ TT&TT sẽ sớm tiếp tục triển khai đấu giá băng tần 3700 MHz để đẩy mạnh triển khai 5G.
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện |
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, ngày 25/10, Bộ TT&TT đã ra thông báo tổ chức đấu giá tần số 2600 MHz định hướng cho 5G. Đặc điểm của lần đấu giá này là chỉ có 1 khối băng tần có độ rộng 100 MHz để hiệu quả cho triển khai thương mại hóa 5G. Nguyên tắc chung của công tác quản lý nhà nước là thúc đẩy sự phát triển bền vững của lĩnh vực. Việc đấu giá băng tần và cấp phép dịch vụ 5G cho các nhà mạng cũng tuân thủ theo nguyên tắc này.
Theo phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất, thời hạn sử dụng băng tần của doanh nghiệp trúng đấu giá lên tới 15 năm.
Sau hai năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 2500-2600 MHz, doanh nghiệp phải cam kết triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G; cam kết chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 2500-2600 MHz muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 2500-2600 MHz. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ viễn thông và chuyển vùng dịch vụ viễn thông cũng phải đảm bảo theo quy định.
Giá khởi điểm đấu giá băng tần 2500-2600 MHz cho các doanh nghiệp được xác định theo quy định tại Điều 18 Nghị định 63/2023/NĐ-CP. Cụ thể, giá khởi điểm của khối băng tần 2500-2600 MHz cho 15 năm sử dụng là 3.983 tỷ đồng.
Tiền đặt trước áp dụng tại cuộc đấu giá cho khối băng tần 2500-2600 MHz là 200 tỷ đồng. Việc thu nộp, xử lý tiền đặt trước được thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật Đấu giá tài sản.
“Trước đây, Bộ TT&TT thông báo đấu giá băng tần 2300 MHz được quy hoạch phân chia 3 khối là để thích hợp cho công nghệ 4G. Trong khi đó, để hiệu quả trong việc triển khai công nghệ 5G, đảm bảo khai thác tính năng vượt trội về dung lượng của 5G so với 4G, các băng tần 5G (băng tần 2600 MHz, 3700 MHz) sẽ được phân chia thành các khối có độ rộng 80-100 MHz. Việc chia nhỏ 100 MHz băng tần 2600 MHz ra thành khối nhỏ như băng tần 2300 MHz là không hiệu quả trong triển khai 5G”, ông Lê Văn Tuấn nói.
Ông Lê Văn Tuấn cho biết thêm, không chỉ băng tần 2600 MHz, 3700 MHz sẽ được đấu giá, cấp phép cho các doanh nghiệp để làm 5G mà sẽ còn có các băng tần khác được tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch, “dọn dẹp, giải phóng” các hệ thống đang sử dụng và cấp cho doanh nghiệp. Theo dự báo của GSMA đến năm 2030, các doanh nghiệp di động ở Việt Nam cần tổng cộng 1700-2200MHz trong dải tần 1-7 GHz. Vì vậy, sau khi đấu giá băng tần 2600 MHz, Bộ TT&TT sẽ sớm triển khai đấu giá băng tần 3700 MHz.
Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cũng cho rằng triển khai 5G là cả chặng đường dài 15 năm đầu tư, phát triển dịch vụ. Dịch vụ có chất lượng tốt, đáp ứng sát nhất với nhu cầu của khách hàng mới là chìa khóa giữ chân khách hàng, giữ gìn thương hiệu của doanh nghiệp.