ISSN-2815-5823
TS Nguyễn Ngọc Tú
Thứ ba, 14h43 27/06/2023

Cam kết quốc tế về thuế tối thiểu toàn cầu và các giải pháp ứng phó cho Việt Nam

(KDPT) - Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) bằng việc áp dụng qui tắc thuế tối thiểu (15%) đã được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua. Đến nay, giải pháp này đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên OECD, trong đó có Việt Nam.

Thuế tối thiểu toàn cầu là gì?

Để triển khai các hành động của BEPS, tháng 7/2021 thành viên các nước G20 đã thống nhất về nguyên tắc trong quá trình số hóa nền kinh tế (gọi tắt là thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu – Thuế TTTC). Theo đó, các nước thành viên thống nhất áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu euro/năm trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Qui định này nhằm ngăn chặn tình trạng né thuế của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia thông qua hình thức chuyển giá, chuyển lợi nhuận đến nơi có thuế suất thấp (thậm chí thuế suất bằng 0) gây thiệt hại cho các nước sở tại, nhất là các nước chậm phát triển. Với qui định thuế TTTC một tập đoàn đa quốc gia sẽ bị quốc gia nơi đặt trụ sở chính (chính quốc) đánh thuế bổ sung phần chênh lệch, nếu tập đoàn này nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15% tại quốc gia nơi có hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, một doanh nghiệp FDI kinh doanh tại Việt Nam, năm 2022 đạt lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, hiện đang áp thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10%, số thuế đã nộp ngân sách Việt Nam 10 tỷ đồng. Khi đó, công ty mẹ tại chính quốc sẽ phải nộp bổ sung thuế TTTC 5% (15% - 10%), số tiền 5 tỷ đồng (tương đương 200.000 USD).

Theo nguyên tắc áp dụng của thuế TTTC mà OECD công bố, các nước thành viên không bắt buộc phải áp dụng các qui định về thuế TTTC, nhưng nếu lựa chọn áp dụng thì phải thực hiện nhất quán theo thông lệ chung. Trường hợp một nước không áp dụng, thì vẫn phải chấp nhận các qui định về thuế TTTC được các thành viên khác thông qua. Hiện hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu, Thụy Sỹ, Anh, Hàn, Nhật, Australia, Hồng Kông, Singapore, Indonesia…đã xác nhận sẽ áp dụng nguyên tắc thuế tối thiểu 15% từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản là các nước có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam với số vốn lớn, thuộc đối tượng áp dụng chính sách thuế TTTC. Bàn luận về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần ứng phó kịp thời với những tác động tiêu cực đối với lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vừa đảm bảo quyền đánh thuế của quốc gia, vừa đảm bảo lợi ích các doanh nghiệp FDI, vừa duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, thực sự là điểm đến của dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam.

Đánh giá tác động, ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 1015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế TTTC. Trong đó, gần 100 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế TTTC khi chính thức áp dụng từ đầu năm 2024. Các doanh nghiệp FDI hiện đang hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp từ 7% - 10% thấp hơn nhiều so với thuế TTTC (15%). Trong khi đó, có một số doanh nghiệp chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp do được miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm thuế 5 năm tiếp theo. Về số thu ngân sách, trong giai đoạn 2020 - 2022 tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 20% tổng thu ngân sách trong nội địa. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp của khối FDI chiếm 40% tổng thuế thu nhập doanh nghiệp và chiếm 7,5 - 8% tổng thu nội địa, riêng năm 2022 các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách 110.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu các quốc gia có công ty mẹ thực thi thuế TTTC, thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần chênh lệch (so với mức 15%) năm 2024 khoảng 12.000 tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Ở phương diện khác, không chỉ là nước tiếp nhận đầu tư, Việt Nam cũng có các nhà đầu tư ra nước ngoài, như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Vingroup… Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến 31/3/2023 Việt Nam đã có 1625 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng số vốn 21,9 tỷ USD. Điều đó cũng có nghĩa, Việt Nam có quyền đánh thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp nội, nếu thuộc đối tượng áp dụng thuế TTTC và đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15% tại các nước, ngoài Việt Nam.

Theo đại diện một số nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từ năm 2024 họ sẽ phải nộp bổ sung thêm thuế thu nhập doanh nghiệp ở chính quốc, làm tăng gánh nặng tài chính về thuế, ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí, chính sách này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp FDI phải xem xét lại chiến lược vận hành cứ điểm sản xuất và đầu tư, có thể phải tính đến việc “rời tổ” khỏi Việt Nam. Bởi các giải pháp ưu đãi thuế hiện hành sẽ không còn tác dụng, tạo thách thức không nhỏ đến việc thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

Cần chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, việc áp dụng thuế TTTC 15% sẽ tăng thu ngân sách, hạn chế tình trạng tránh thuế thông qua chuyển giá, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, góp phần tăng cường hội nhập, cải cách thuế theo xu hướng phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy vậy, triển khai chính sách này Việt Nam cũng đối mặt với thách thức không nhỏ. Việc áp dụng thuế bổ sung, nâng thuế suất thu nhập doanh nghiệp lên mức tối thiểu 15% sẽ chịu sức ép từ các doanh nghiệp FDI hiện đang được hưởng thuế suất thấp. Việc này cũng ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo báo cáo của OECD, ưu đãi thuế theo thu nhập là hình thức tương đối phổ biến tại các quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, các nước phát triển có xu hướng ưu đãi đầu tư dựa trên chi phí hơn là miễn giảm thuế trên diện rộng. Một số nhà đầu tư nước ngoài gợi ý, có thể ưu đãi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ doanh nghiệp FDI, như hỗ trợ một phần chi phí đầu tư xây dựng nhà xưởng, nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực. Hiện hình thức ưu đãi dựa trên hỗ trợ chi phí đầu tư đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Điểm mạnh của chính sách này sẽ ngăn chặn hành vi chuyể giá, chuyển lợi nhuận, góp phần khuyến khích đầu tư đi vào thực chất hơn.

Để ứng phó với chính sách mới được áp dụng rộng rãi trên thế giới về thuế TTTC, ngày 14/4/2023 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 22/QĐ – TCTĐB ban hành qui chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế TTTC của OECD. Tổ công tác gồm 11 thành viên, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, hai Tổ phó là Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc. Bộ Tài chính cho biết, hiện Tổ công tác đang cập nhật và theo sát diễn biến ở các nước trên thế giới , đồng thời nghiên cứu hướng dẫn của OECD để đề xuất chính sách cho Việt Nam. Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, để ổn định nguồn thu ngân sách nhưng vẫn khuyến khích doanh nghiệp phát triển, chính sách huy động nguồn thu ngân sách, đặc biệt là chính sách thuế có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu vĩ mô và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển. Để thực hiện các mục tiêu này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030. Theo đó, từ nay đến năm 2030 Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung toàn diện tất cả các luật về thuế liên quan đến việc đổi mới thể chế chính sách tài chính và ngân sách nhà nước. Tinh thần chung là, đảm bảo việc thực hiện mục tiêu về cải cách và xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững nhằm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, phù hợp thông lệ quốc tế, khắc phục những vướng mắc của chính sách thuế hiện hành, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Khuyến nghị của các chuyên gia

Thảo luận về chính sách thuế TTTC, các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế phân tích, Việt Nam đã tham gia và là thành viên của diễn đàn BEPS từ năm 2017, đồng nghĩa Việt Nam phải sẵn sàng cho sân chơi mới trong việc áp thuế và thu hút đầu tư nước ngoài. Khi thời điểm có hiệu lực của chính sách thuế TTTC đang đến gần (1/1/2024) đòi hỏi các cơ quan chức năng (thường trực là Bộ Tài chính) phải khẩn trương hơn nữa trongviệc đánh giá tác động của chính sách mới đến thu ngân sách nhà nước, cũng như mức độ ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Qua đó, nghiên cứu đề xuất ban hành một luật sửa đổi nhiều luật có liên quan (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp) theo hướng bãi bỏ chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thống nhất áp dụng thuế suất tối thiểu 15% đối với loại hình này, thực hiện từ 1/1/2024. Cùng với đó, phải đề xuất các giải pháp hỗ trợ để duy trì môi trường đầu tư, giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm các khoản lợi ích cho doanh nghiệp liên quan đến việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (Hiểu đơn giản là việc hoàn lại cho doanh nghiệp các khoản lợi ích tương ứng với số thuế thu thêm từ việc thực thi thuế TTTC). Chính vì vậy, để tránh vi phạm nguyên tắc quốc tế (chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử) khi xây dựng chính sách hỗ trợ, Chính phủ nên xem xét tình trạng đặc thù của Việt Nam dựa trên nhu cầu và đề xuất thực tế của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, một số giải pháp thiết thực là kiến tạo môi trường đầu tư, hỗ trợ chi phí nghiên cứu phát triển, chi phí xây dựng và triển khai công tác bảo vệ môi trường, các hoạt động xả phát thải. Trong thời điểm kinh tế suy thoái, có thể xem xét hỗ trợ một số chi phí liên quan đến phúc lợi cho công nhân, như chi phí xây dựng ký túc xá, nhà trẻ, trạm y tế phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tăng tính thu hút đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Cùng với sự điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần rà soát toàn bộ hệ thống thuế để tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ nghĩa vụ thuế, phù hợp với thông lệ chung. Theo đó, giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các mặt hàng hiện đang chịu mức thuế cao nhất, đồng thời xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và máy điều hòa nhiệt độ, bởi đó không còn là những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ như quan niệm trước đây. Đối với thuế thu nhập cá nhân, cũng cần hoàn thiện theo hướng giảm bớt bậc thuế, bãi bỏ mức thuế suất cao nhất hiện hành (mức 35%) thay bằng mức phổ thông (20%) như đang áp dụng đối với cộng đồng doanh nghiệp. Việc giảm thuế thu nhập cá nhân, nhất là mức thuế suất cao sẽ góp phần thu hút các chuyên gia đầu ngành, trong đó có chuyên gia nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024