Chính phủ sẽ trình Quốc hội các chính sách liên quan thuế tối thiểu toàn cầu
Về cơ sở pháp lý quốc tế, tháng 10/2021, OECD đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế.
Về cơ sở thực tiễn, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ tác động sâu rộng đến tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh nước ta, cần kịp thời có giải pháp phù hợp. Đến nay, 142/142 nước thành viên của Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã đồng thuận. Tại ASEAN, một số nước đã có kế hoạch áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.
Do đó, việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Đồng thời, việc nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Về 2 nội dung này, Thủ tướng giao 2 Bộ chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp thu tối đa ý kiến của Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 2 Nghị quyết; gửi Bộ Tư pháp để thẩm định. Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, các Bộ chủ trì tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ.
Sau khi Chính phủ quyết nghị thông qua đề nghị xây dựng 2 Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trong tháng 7 để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án 2 Nghị quyết nêu trên vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 và cho phép xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp (tháng 10 năm 2023).