Chữ Hán và vẻ đẹp “tượng hình”, “hội ý”
“Vẽ” chữ, “diễn” ý
Chữ Hán là chữ tượng hình. Về cơ bản, mỗi một chữ tượng hình mang những ý nghĩa cơ bản nhất bằng cách chúng ta vẽ lại những thứ thường gặp. Bằng trí tưởng tượng, chúng ta có thể hình dung sự tương đồng giữa các chữ với hình ảnh trong thực tế mà chữ biểu thị. Chẳng hạn, muốn chỉ mặt trời thì vẽ sau thành chữ 日 (nhật); muốn chỉ mặt trăng thì vẽ sau thành chữ 月 (nguyệt); muốn chỉ dòng nước thì vẽ , sau thành chữ 川 (xuyên); muốn chỉ khu ruộng, thì vẽ , sau thành chữ 田 (điền); hay 3 từ 马,鸟 , 鹿về cơ bản là vẽ lại hình dạng của 3 loại động vật ngựa, chim và lừa; từ 羊 vẽ lại một bộ phận tiêu biểu của loài dê…).
Nhưng sự thú vị của chữ Hán không chỉ nằm ở khả năng “tượng hình”, “vẽ” lại hình ảnh sự vật mà còn ở sự “hội ý” trong những chữ phải sử dụng nhiều bộ chữ khác nhau.
Như chữ “minh” (明) gồm “nhật” (日 mặt trời) và “nguyệt” (月 Mặt Trăng) – hội tụ hai vật thể sáng nhất với con người – nên “minh” có nghĩa là sáng. Chữ “sa” (沙) gồm “tiểu” (小 –ít) và “thủy” (nước), ít nước thì lộ cát nên “sa” nghĩa là cát! Chữ “manh” “盲” gồm “vong” (亡 – chết) và “mục” (目 – mắt) nên “manh” có nghĩa là đôi mắt đã chết, hỏng mắt (người Việt có cụm từ chỉ bệnh về mắt: “mắt thong manh”)…
Như thế, cái hay của chữ tượng hình là ở trí tưởng tượng của mỗi người, cái thú còn tăng thêm gấp bội nếu chúng ta thưởng thức được nét bút của người viết, và ai cũng nhận ra môn “thư họa” (vẽ chữ) của Trung Hoa là bước đầu của môn hoạ, người Trung Quốc nào viết chữ đẹp cũng được xem giống như một hoạ sĩ!
Sự độc đáo của những chữ “đắt hàng”
Đầu năm, từ mùng Một Tết, các gian “cho chữ” của các thầy đồ đã nhộn nhịp khách thăm. Người xin chữ Phúc- Lộc, người cầu chữ An-Khang, người muốn chữ Tài-Nhẫn-Hiếu… trẻ em lại mong chữ Đăng Khoa để học hành tấn tới, đỗ đạt… Đằng sau mỗi “hình chữ” ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa.
Trong chữ Hán, những sự tốt lành đều gọi là Phúc. Nếu chiết tự chữ Phúc 福có thể thấy là toàn bộ ước mơ về một cuộc sống đủ đầy: Bên trái là bộ thị – ở đây có nghĩa là kêu cầu, mong muốn. Bên phải gồm 3 bộ chữ: Bộ miên 宀 chỉ một mái nhà. Dưới là bộ khẩu nghĩa là miệng. Dưới cùng là bộ điền – ruộng 田. Như vậy chữ phúc 福 là một ước mơ bình dị về cuộc sống yên bình, mong sao cho gia đình có người, có nhà, nề nếp hiếu thuận, ấm êm; có ruộng để làm ăn sinh sống. Đó là ước mơ ngàn đời của những con người lao động, không mơ sự giàu sang, phú quý, mà chỉ ước mơ một cuộc sống giản dị tốt đẹp, bền lâu mãi mãi. Cuộc sống như thế chính là phúc – chỉ một chữ mà gợi lên cảnh sống yên bình, lương thiện, hiền hòa.
Chữ Hiếu (孝) được ghép từ chữ Tử (子 – con) nằm dưới và chữ Thổ (土 – đất) nằm trên, cùng với dấu / tượng trưng cho thanh kiếm. Chữ này có ý chỉ người con chống kiếm đứng trông phần mộ của bố mẹ -chính là người con có hiếu theo quan niệm ngày xưa, sau khi bố mẹ qua đời con chăm lo mồ mả trong 3 năm.
Chữ Nhẫn (忍) lại bao gồm chữ Đao (刀 – con dao, cây đao – ở trên chữ Tâm (心 – trái tim, tâm trí). Chữ Đao biểu trưng cho kỷ luật, mang tính khách quan, bị động; chữ Tâm biểu trưng cho tâm hồn, mang tính chủ quan, tự do. Trạng thái Nhẫn cũng giống như bị dao đâm vào tim, tuy đau đớn nhưng vẫn phải bình tĩnh chịu đựng, không được hành xử hấp tấp. Càng vội vã sẽ lại càng làm cho mũi dao lún sâu hơn.
Lại có chữ có thể diễn giải theo những cách khác nhau. Như chữ An (安) – an toàn, yên ổn – gồm bộ Miên (宀- mái nhà, mái che) và bộ Nữ (女- nữ giới, con gái). Có ý kiến cho rằng ý nghĩa của chữ là người con gái ở trong nhà thì an toàn, yên ổn. Lại có ý giải thích rằng một gia đình có phụ nữ là rất yên ổn và an tâm…
Chuyện chữ nghĩa dẫu đạo đàm thâu đêm suốt sáng cũng khó lòng dứt mạch. Ngoài trời kia, mưa xuân đã lất phất rắc châu điểm ngọc lên hoa đào thắm nở. Ông đồ cũng đã sửa soạn “mực Tàu, giấy đỏ” đón Tết sang. Hãy cùng nhau xuống phố du xuân và chiêm ngưỡng “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay” (Vũ Đình Liên).
Minh Sơn