Phóng viên tác nghiệp tại “tâm dịch” Khương Trung (Thanh Xuân – Hà Nội), tháng 8/2021. Ảnh: Duy Khánh.

Ta hẳn nhớ những tiếng thở phào khi toàn xã hội trở lại trong trạng thái “bình thường mới” – tức là bước vào thời “hậu Covid”. Điều đó cũng thầm nhắc mọi người về thành công đáng ghi nhận của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch này, với hiệu quả cao không thể phủ nhận. Thực tế đó được giới báo chí đề cập liên tục, đầy đủ mỗi ngày như đưa đến một góc nhìn toàn cảnh, chân thực để chia sẻ, “gạn đục khơi trong” qua mỗi ngày sống.

Giới làm công ăn lương đã quay lại nhiệm sở, rộn ràng khăn áo từ lúc 8 giờ sáng mỗi ngày; doanh nghiệp cũng chạy đua, tìm đơn hàng, mong nhanh chóng gỡ lại những thiệt hại do nạn dịch tai quái gây ra. Đặc biệt, hình ảnh con trẻ ríu rít đến trường sau khoảng thời gian đằng đẵng rồi vui vẻ đón kỳ nghỉ hè, nhắc ta một sự thật là cuộc sống trở về với bản chất vốn có. Phố lại đông vui, ồn ào bởi con người lại tiếp tục vòng đua cơm áo thay vì sự yên lặng trong âu lo của một thời Covid…

Nhớ lúc dịch đang hoành hành, cánh nhà báo đã kịp viết ra hàng loạt bài báo liên quan đến cuộc chiến chống dịch của Việt Nam cũng như vấn đề liên quan đến sinh hoạt hay lao động trong những tháng ngày thực hiện giãn cách xã hội. Phải nói đó là chuỗi ngày “làm việc ở nhà” rất khó quên, vương vấn sự bất tiện khó chịu gò bó. Nhưng thực tế cũng có không ít nhà báo vẫn ra đường, tác nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn dưới sự đe dọa của dịch bệnh, kèm theo cảm giác bấp bênh, không an toàn. Họ đến một số cuộc họp, đeo khẩu trang và ngồi giãn cách theo quy định, trước là bảo vệ mình và cũng vì sự an toàn của đồng loại. Từng hình ảnh, thanh âm cuộc sống giữa đại dịch, đặc biệt là hoạt động phòng chống dịch của toàn thể đồng bào, của hệ thống cơ quan chức năng từng ngày được đề cập, miêu tả sống động, đầy đủ đến mức tối đa có thể. Ngày ấy, mỗi ngày đều đặn mấy bản tin, tổng hợp về số người bệnh mới, số được chữa khỏi hay xuất xứ người bệnh ở đâu cùng những chỉ dẫn, quy định trong chống dịch, yêu cầu “ở nhà nếu không có việc cần thiết phải ra ngoài”…là những nội dung “đi vào lòng người” một cách tự nhiên. Người dân cũng chia sẻ với nhau những gì đã nghe, đọc, xem từ các ấn phẩm báo chí cung cấp. Họ hỏi thăm nhau và quan tâm đến sự an nguy của cả cộng đồng.

Có cả ông bố, bà mẹ là nhà báo ở nhà, nên phải kiêm cả trông con; thế là hóa vướng bận thêm bởi “vừa ẵm em lại vừa nấu cơm”, gây ức chế triền miên. Phiền hà hơn là cảnh nhà chật, bố ôm máy tính, con học bài dở dang rồi đùa nghịch, gây tiếng ồn… Chẳng mấy lại đến giờ chuẩn bị bữa cơm rồi chờ đến giờ đi ngủ. Nếp sinh hoạt bị đảo lộn đầy bị động. Cũng không hiếm trường hợp lũ trẻ tranh nhau cái máy tính, đòi mượn máy của người lớn để quên đi thời gian bị giam hãm trong chính ngôi nhà của mình.

Nhưng mọi việc đã khác, sang trang mới từ năm vừa qua và giới làm báo cũng đồng hành theo nhịp sống mới. Đặc biệt, sự vào cuộc cẫn mẫn và hiệu quả của các nhà báo đã củng cố, hun đúc tinh thần đồng tâm, trân trọng và thương nhau hơn trong chuỗi ngày gian khó trong xã hội. Hiệu ứng tích cực, sự lan tỏa ấy có được nhờ đóng góp không nhỏ và liên tục của những con người làm nghề viết nhật ký cuộc sống mỗi ngày.

Qua những tác phẩm của mình, từng con chữ mà cánh nhà báo thể hiện rõ sức vươn của cộng đồng. Người ta vẫn thấy hình ảnh nhà báo lăn lộn với cuộc sống, đưa tin về thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bên cạnh nỗi lo cơm áo của người lao động. Những số liệu, đánh giá thật sự kịp thời, xác thực góp phần hoàn thiện những mảnh ghép của bức tranh cuộc sống rồi những hành động thiện nguyện cũng nhờ đó bừng lên, làm dịu nỗi đau, nhân lên niềm hy vọng của dân tộc.

Phóng viên Hồ Thanh Hiếu – Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn người dân về tình hình thiệt hại của gia đình tại tỉnh Quảng Bình.

Làm nghề này chắc không ai không có lúc tự hỏi vậy nhà báo là gì, làm gì để sống nhưng cũng đóng góp gì cho xã hội (?). Tự vấn như vậy nhưng chúng ta đều có thể tự tin, thêm một chút hãnh diện mà tự trả lời rằng: Nhà báo là gì nếu không phải là người làm ra sản phẩm đặc thù mang đậm dấu ấn của ‘lịch sử viết vội” qua việc chứng kiến, cảm xúc, nhận thứ, tư duy và thể hiện lại bằng con chữ, hình ảnh, âm thanh chắt lọc. Làm nghề này nếu không có kiến thức rộng, sự xông xáo và yêu đời thì khó thành công bởi sản phẩm bị “nhạt”, thiếu bản sắc cá nhân mà cũng không gần với người đọc.

Nhà báo là phải nhạy cảm, biết đau nỗi đau thế nhân, tham gia phản biện và định hướng xã hội. Những ngày này cộng đồng đau đớn, phẫn nộ khi tiếp nhận thông tin về sự tha hóa, độc ác của hàng loạt cá nhân vốn là lãnh đạo các đơn vị chức năng, nhất là nhân sự cấp cao lừa đảo, cướp tiền của Nhà nước, người dân trên hàng loạt trang báo. Sự thật phũ phàng, đầy nghiêm trọng đang hiện rõ và qua đó ta thấy diễn biến, quá trình phạm tội cùng hậu quả, tai ương mà loài quỷ dữ gây ra, làm hại đồng bào. Chủ đề này còn nóng và sẽ được nhà báo theo sát, đưa tin để ủng hộ chủ trương chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước cũng như nhận được sự đồng hành của đồng bào cả nước.

Giữa những ngày nắng nóng cao độ đầu tháng 6, một số nhà báo hỏi nhau về công việc, thu nhập và những vấn đề liên quan. Có người mong một khoản tiền chống nóng hay hỗ trợ cho con nhỏ gỡ gạc một chuyến du lịch nếu bố, mẹ là nhà báo có thêm khoản thu nhập nhờ dịp kỷ niệm ngày thành lập nghề báo Việt Nam. Nhưng phần lớn thông tin phản hồi là “tình hình vẫn thế” hoặc có khi còn e ngại về sự suy giảm so với năm trước. Phải nói rằng, thời buổi khó khăn, nhất là với những đơn vị tự chủ thì khả năng chi, đáp ứng nhu cầu của nhà báo đang trong cảnh eo hẹp; nhưng nhìn chung mỗi nhà báo đều sẵn sàng chia sẻ với hoàn cảnh này. Âu cũng là lẽ thường dễ hiểu bởi nền kinh tế gặp khó, gánh nặng lạm phát, thiếu việc làm còn đang đeo đẳng xã hội. Thử hỏi khi doanh nghiệp khó khăn về tài chính thì họ có thể đẩy mạnh quảng cáo trên đài, báo nữa không?

Mọi việc rồi sẽ qua đi, để lại bao hồi ức buồn, vui nhưng sẽ là bài học để nhân lên khát vọng vượt khó, phát triển. Người viết báo, làm tin lại miệt mài cập nhật thông tin, số liệu để miêu tả sự bộn bề của cuộc sống. Chuyện cứ thế tiếp diễn, bởi bản chất đời sống là vậy nên đôi khi chỉ biết vậy hoặc tham gia một phần chứ chưa thể giải quyết được hết những gì còn tồn tại. Ngay như sự bề bộn trên mặt bàn viết của mình hiện tại cũng chưa được thay thế bằng sự gọn gàng trong chốc lát. Hay đó cũng là một góc nhỏ của cuộc sống?

PHẠM HỒNG SƠN