Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo viên, nhiều năm công tác ở trường THCS Ngô Sĩ Liên, cô giáo Đỗ Thúy Hằng đạt nhiều thành tích xuất sắc. Dạy ở một trường THCS có tiếng của Hà Nội, công việc khá nhiều áp lực, yêu cầu trình độ chuyên môn vững vàng, lại sẵn tình yêu nghề, yêu trẻ, cô Đỗ Thúy Hằng nói rằng: “Tôi luôn rèn cho mình đức tính cẩn thận, tỉ mỉ khi làm công tác chủ nhiệm lớp và giảng dạy”. Vì thế, giờ nghỉ, ngày nghỉ, cô vẫn tranh thủ thời gian tìm tòi nghiên cứu để nâng cao kiến thức.

Ham học hỏi, say mê nghiên cứu, cô được giáo viên, học sinh yêu mến gọi là “cây sáng kiến” với nhiều phương pháp dạy học tiêu biểu, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chủ nhiệm và công tác chuyên môn. Trong đó, có thể kể đến như Giải nhất cấp Quốc gia cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo; bằng khen của Chủ tịch UBND cấp thành phố Hà Nội; giải Nhất thi Giáo viên Giỏi cấp Thành phố và được tặng nhiều Giấy khen, giấy chứng nhận các danh hiệu khen tặng của UBND quận Hoàn Kiếm và của Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm...

Cô Hằng luôn được học sinh yêu mến.

Với cô giáo Đỗ Thúy Hằng, dạy văn là dạy người. Cô tìm cách truyền tình yêu với văn học, con người. Bạn Sao Khuê (trước kia là học sinh lớp 7A4) chia sẻ: “Đối với dân toán chúng tôi-những người đã quá thân thuộc với các bài tập tính toán, đo lường, chứng minh những con số, định lý hình học khô khan thì môn Văn dạt dào cảm xúc không hề dễ dàng chút nào. Nhưng ngay ở năm học đầu tiên của THCS, người đã giúp chúng tôi thay đổi tất cả những ý nghĩ “chán”, “buồn ngủ”,...về môn học này chính là cô Thúy Hằng – cô giáo dạy Văn của lớp chúng tôi”.

Không chỉ với môn Văn, những giờ giáo dục công dân của cô Hằng cũng mang trong đó nhiều nhiệt huyết với nghề và thế hệ tương lai của đất nước. Là trưởng nhóm môn Giáo dục công dân, chủ nhiệm CLB học sinh Giỏi từ những năm 2013, cô viết sách bồi dưỡng và bổ sung kiến thức cho học sinh về môn giáo dục công dân. Thậm chí, những bộ sách của cô đã được Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam xuất bản từ năm 2010 đến nay.

Tặng học trò những món quà nhỏ sau kỳ Đại hội Chi đội.

Năm 2017, Bộ giáo dục đào tạo ban hành thông tư số 01/2017/TT 0 BGDĐT về hướng dẫn giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học và trung học cơ sở, tôi đã tích hợp nội dung giáo dục An ninh quốc phòng trong các môn học, nhất là ở môn Ngữ văn và Giáo dục công dân. Một công việc nhỏ bé những cũng góp phần giáo dục cho học sinh ý thức về bảo vệ an ninh quốc phòng trong giai đoạn hiện nay.

Chia sẻ về những gì mình đã làm, cô nói rằng: “Nhận thức được vai trò của người giáo viên không chỉ là truyền thụ kiến thức, mà giáo viên còn là một người thầy dạy cho học sinh cách làm người, định hướng cho học sinh về tư tưởng, đồng hành cùng PHHS trong quá trình dạy học sinh thành một người có nhận thức đúng đắn, có nhân cách tốt, có kỹ năng trong cuộc sống để trở thành người có ích”.

Với trách nhiệm của một nhà giáo tận tâm với nghề, theo cô Đỗ Thúy Hằng phải xác định được nhiệm vụ trọng yếu để tập trung thì công tác giảng dạy mới đem lại hiệu quả cao. Cho rằng giáo dục không chỉ là trao truyền tri thức mà còn là giáo dục nhân cách, để học sinh biết cách tự học, có kỹ năng để cùng chung sống và làm việc, cô luôn mong muốn xây dựng cho học sinh thói quen đọc sách, biết cách tự học ở bất cứ đâu. Cô đã nhiều năm xây dựng thư viện tại lớp học, mang đến lớp học những “gia tài” sách truyện của gia đình trong nhiều năm để tặng học sinh, xây dựng thư viện lớp học, tạo ra môi trường đọc sách thuận tiện, nhất là những sách tinh hoa, giáo dục nhân cách cho học sinh. Năm 2019, với sáng kiến kinh nghiệm “Xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh và phát huy vai trò của thư viện lớp học” cô đã được UBND quận Hoàn Kiếm công nhận và xếp loại.

Thực hiện công văn số 4634/ BGDĐT – CTHSSV ngày 21/9/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sử dụng bộ tài liệu Bác Hồ và những bài học đạo đức lối sống dành cho học sinh, cô đã triển khai tại trường học nơi mình giảng dạy và đã cùng đồng nghiệp xây dựng một Ngày hội đọc sách. Tại đây, học sinh được giới thiệu những cuốn sách hay cùng ý nghĩa của mỗi cuốn sách.

Hòa đồng cùng học trò trong giờ nghỉ.

Ngoài ra, cô nhận thấy rằng việc triển khai giảng dạy bộ tài liệu “Bác Hồ và các bài học về đạo đức, lối sống” giúp trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản phù hợp với lứa tuổi học sinh về các giá trị đạo đức, lối sống là vô cùng cần thiết. Những tài liệu này giúp hình thành và phát triển ở các em những tình cảm, niềm tin và thói quen đạo đức, từ đó hình thành ý thức tự giác thực hiện hành vi theo chuẩn mực chung của xã hội. Hơn nữa, chính giáo viên cũng được củng cố niềm tin cho bản thân trước công việc “trồng người”. Vì thế, cô viết sáng kiến kinh nghiệm “Một số kinh nghiệm giảng dạy tích hợp bộ tài liệu Bác Hồ và các bài học về đạo đức lối sống dành cho học sinh”, được xếp loại A sáng kiến quận Hoàn Kiếm. Tháng 5/2019, cô được liên đoàn lao động quận Hoàn Kiếm công nhận đạt danh hiệu Sáng kiến tiêu biểu quận Hoàn Kiếm năm 2019 khi vận dụng những đề tài đã triển khai về công tác giảng dạy, tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh và công tác Giáo dục An ninh quốc phòng và công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh.

Không chỉ là những sáng kiến, hoạt động, có lẽ một trong những điều đặc biệt của cô Đỗ Thúy Hằng là sự đồng hành cùng học sinh. Giai đoạn dịch bệnh Covid-19, học sinh thiếu nhiều kỹ năng, thiếu sân chơi cũng như môi trường hoạt động ý nghĩa, cô đã tổ chức hành trình “Thức dậy cùng vĩ nhân” vào mỗi 5 giờ 15 phút sáng thứ 3, thứ 7 hằng tuần trong hè 2022 dành cho học sinh.

Hoạt động diễn ra online do thực hiện vào lúc 5 giờ 15 phút sáng, học sinh gặp nhiều khó khăn trong lúc thức dậy. Bản thân với người khác có lẽ cũng không thiết tha với những hoạt động ngoài nhà trường như vậy. Nhưng không chỉ đưa ra sáng kiến, cùng thức dậy, cô còn cùng các phụ huynh động viên, khuyến khích để học sinh dần thích nghi để tìm thấy những lấp lánh của tri thức từ những giờ đọc sách buổi sáng này.

Cùng tham gia hoạt động đội với học trò.

Hai cuốn sách cô chọn đọc trong hành trình đó là Tôi tự học của Thu Giang Nguyễn Duy Cần và bộ truyện Trưởng thành cùng vĩ nhân do nhà xuất bản Thông tin và truyền thông phát hành năm 2021. Thông qua những câu chuyện chọn lọc về cuộc đời của các vĩ nhân, học sinh sẽ đúc kết được những bài học sâu sắc về cách xây dựng và thực hiện ước mơ, hướng theo con đường bền bỉ và đầy sáng tạo, kiên trì vượt khó của các vĩ nhân, những tấm gương có đầy đủ đạo đức, trí tuệ và nghị lực, giúp nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, lý tưởng sống đúng đắn, các con sẽ học tập tính cách tốt đẹp và biết chọn cho mình cách sống ý nghĩa và sâu sắc hơn, giúp học sinh tìm ra lời đáp cho những câu hỏi lớn về tư tưởng, giai đoạn mà học sinh có nhiều băn khoăn vướng mắc. Từ đó, học sinh thực hành rèn luyện phát triển đạo đức, biết điều đúng nên làm và điều sai nên bỏ. Đều đặn hai buổi mỗi tuần, cô trò chúng tôi lại thức dậy cùng nhau, hiện diện bên nhau, hòa mình vào giai điệu thiền đọc sách, hát thiền ca. Khi đó, thân tâm hòa làm một, những câu chuyện được chia sẻ là những bài học quý giá, là kim chỉ nam trong công việc học tập và cuộc sống.

Với tình yêu và đam mê đọc sách đó, không chỉ cô truyền cho học sinh tình yêu đọc sách mà còn lan tỏa tới nhiều phụ huynh học sinh khi nhiều gia đình cả nhà cùng tham gia giờ đọc sách với học sinh của cô. Mùa hè trôi qua, học sinh cũng đã dần dần biết cách chủ động đọc sách theo kế hoạch và chiến lược đọc, biết làm sơ đồ tư duy đúc kết đọc sách, sẵn sàng lắng nghe để chia sẻ yêu thương, rèn đức tính kiên trì, nhẫn nại, chủ động trong học tập, bước đầu biết nuôi dưỡng ước mơ và lý tưởng sống, có thái độ sống tích cực, biết trân trọng và biết ơn cuộc sống. Học sinh đã có một mùa hè thú vị, bổ ích, nhiều trải nghiệm. PHHS cũng đồng hành cùng con và lắng nghe con nhiều hơn, đã có những chia sẻ tích cực về hoạt động của cô trò chúng tôi trong mùa hè 2022.