Cổ Vận Tân Phong – Kết nối mạch văn chương giữa quá khứ và hiện tại
Tuyển tập thi từ Cổ Vận Tân Phong gồm 160 sáng tác ở các thể loại: thơ, từ, phú, hát nói kết nối mạch văn chương chữ Hán sau hơn 100 năm đứt gãy. Đây đều là những áng văn thơ chất chứa những mối tri âm vừa lạ lẫm vừa quen thuộc, giữa cổ điển và tân kỳ, giữa hiện tại và quá khứ.
Tập thể 12 tác giả tham gia xây dựng nên cuốn sách là người Việt hiện sống trong nước, cũng có người hiện sinh sống và học tập ở nước ngoài. Họ là những nhà nghiên cứu, giảng viên chuyên ngành Hán Nôm, có người là dịch giả, thư pháp gia, triện khắc gia chữ Hán, nhưng cũng có tác giả chỉ là người yêu mến tự học chữ Hán, và sáng tác văn chương bằng chữ Hán.
Cuốn sách Cổ Vận Tân Phong nằm trong Dự án Tủ sách văn sử tinh hoa. Tủ sách này ra đời với mong muốn chuyển tải những tri thức, kiến thức về văn học sử của Việt Nam và thế giới nhằm cung cấp các tư liệu tham khảo, học tập, sáng tác và tìm hiểu kiến thức tới mọi đối tượng, trong đó đặc biệt xuất bản những ấn phẩm về văn học sử của Việt Nam để nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc.
Tại lễ ra mắt sách, ông Đỗ Kim Cơ, Giám đốc Công ty TNHH Sách và truyền thông Việt Nam cho biết: “Cổ Vận Tân Phong cho thấy một sức sống, sức lan tỏa to lớn của nền văn chương, văn tự truyền thống, một mạch ngầm dù khi mạnh mẽ, lúc âm thầm, nhưng vẫn luôn chảy mãi trong tâm hồn những người con đất Việt”.
Giao lưu với khán giả về nội dung cuốn sách Cổ Vận Tân Phong, tác giả Như Xuân nói: “Cổ vận tân phong có nghĩa là những vần điệu xưa viết bằng ngôn ngữ chữ Hán dưới lớp vỏ của những thơ, từ đã rất cũ nay được viết ra bởi những con người hôm nay, đưa được vào đó không khí, hơi thở của cuộc sống thường ngày đương đại”.
Trong lời tựa của cuốn sách, tác giả Nguyễn Quang Duy cho rằng, các bài thơ và Từ chiếm số lượng lớn trong cuốn sách, trong đó thơ gồm ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn đã quen thuộc về hình thức. Xen giữa các chủ đề truyền thống như ngôn chí (nói chí hướng), lạc đạo (vui với đạo),… là một số bài thơ tiếp cận đến chuyện thời sự như dịch bệnh Covid-19 và các tác động của nó đến sự bất ổn toàn cầu.
Các bài Từ là điểm đặc biệt của Cổ Vận Tân Phong, đây là một hiện tượng lạ ở Việt Nam xưa nay, bởi thao các nghiên cứu đã công bố, toàn bộ số lượng sáng tác từ thời trung-hiện đại chỉ còn trên 300 bài. Ngôn ngữ và đề tài của Từ tìm đến sự gần gũi, bình dị nhưng không dung tục, đủ khả năng chuyển tải được tình cảm và hơi thở của thời đại.
Tác giả Xuân Như chia sẻ, việc ra mắt tác phẩm này như một sự cố gắng tạo một nét gạch nối văn chương giữa quá khứ và hiện tại. Đấy là sự kết nối giữa những người yêu thích văn chương đặc biệt là văn chương cổ, gợi mở cho những người hôm nay hướng tới những giá trị của dân tộc thông qua văn chương.
“Chúng tôi mong muốn dự án có thể lan tỏa hơn đến đông đảo những người yêu thích văn chương Hán-Nôm, thư pháp. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau cuốn Cổ Vận Tân Phong này thực sự là mối tri âm giữa quá khứ và hiện tại, giống như một quả “bom” sách giữa dòng chảy văn học đương đại lâu nay chìm lắng và đang bị ảnh hưởng khá nhiều của văn học phương tây, bỗng phút chốc có một tiếng pháo mở đầu cho một thời kỳ đánh thức dòng văn học xưa cổ lâu nay đã bị lãng quên”, tác giả Xuân Như nói.
HOÀNG NGA