ISSN-2815-5823

Cộng sinh công nghiệp và những nền tảng pháp lý cho kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

(KDPT) - Việc mô phỏng sinh thái tự nhiên diễn ra trong các ngành công nghiệp theo cách tiếp cận tập thể để tạo ra lợi thế cạnh tranh thông qua trao đổi vật liệu, năng lượng, nước trong quá trình sản xuất tại các chủ thể của ngành công nghiệp là các doanh nghiệp. Đó là tính cốt yếu trong các cấu trức của cộng sinh công nghiệp.
Việt Nam có gần 400 khu công nghiệp được thành lập
Việt Nam có gần 400 khu công nghiệp được thành lập

Cộng sinh công nghiệp

Cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp hoặc với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khác nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu... trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thông qua hợp tác, các doanh nghiệp hình thành mạng lưới trao đổi các yếu tố phục vụ sản xuất, sử dụng chung hạ tầng và các dịch vụ phục vụ sản xuất, cải thiện quy trình công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh”. Theo lý thuyết về KCNST, “cộng sinh công nghiệp” là một phạm trù khoa học quan trọng. Cộng sinh công nghiệp (industrial symbiosis) (CSCN) là sự mô phỏng theo mô hình sinh thái tự nhiên về mối quan hệ cộng sinh nơi việc trao đổi chất và các nguồn lực của sinh vật diễn ra một cách tương hỗ. Việc mô phỏng sinh thái tự nhiên diễn ra trong các ngành công nghiệp theo cách tiếp cận tập thể để tạo ra lợi thế cạnh tranh thông qua trao đổi vật liệu, năng lượng, nước trong quá trình sản xuất tại các chủ thể của ngành công nghiệp là các doanh nghiệp (Chertow, 2000). Nói cách khác, CSCN là mô hình trao đổi sản phẩm phụ, chia sẻ cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ chung giữa các doanh nghiệp trong một khu vực địa lý nhất định. Việc hình thành các quan hệ cộng sinh diễn ra giữa tối thiểu ba thực thể với ít nhất hai loại nguồn lực khác nhau. CSCN có thể diễn ra trong các quan hệ như: trao đổi sản phẩm phụ giữa hai hay nhiều bên, thay thế cho sản phẩm thương mại hoặc nguyên liệu thô, chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung thường sử dụng cho năng lượng, xử lý nước thải hoặc chất thải rắn; và sử dụng các dịch vụ như chữa cháy, vận chuyển… (Chertow, 2007).

Đặc trưng CSCN là tập trung vào khu vực địa lý nhất định, trong đó các doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới CSCN có thể được hưởng lợi từ việc cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên không tái tạo và giảm lượng phát thải gây ô nhiễm, giảm chi phí đầu tư cho sản xuất, quản lý chất thải, và từ tăng giá trị thu về do tăng dòng chảy của chất thải, cải thiện mối quan hệ với bên ngoài thông qua việc xây dựng hình ảnh sản xuất xanh, sản xuất và maketing mới, cũng như tạo thêm việc làm và nâng cao chất lượng công việc hiện tại.

CSCN là việc các tổ chức đa dạng trong một mạng lưới tham gia để thúc đẩy cải biến sinh thái và thay đổi văn hóa lâu dài, tạo lập và chia sẻ kiến thức nhằm mang lại lợi ích đa phương. Nói cách khác, mạng lưới CSCN là tập hợp chiến lược dài hạn về mối quan hệ cộng sinh giữa các hoạt động trong phạm vi khu vực nhất định liên quan đến trao đổi chất, năng lượng, kiến thức, nguồn lực con người và nguồn lực kỹ thuật, đồng thời mang lại những lợi ích về môi trường cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh (Mirata et al., 2005).

Có 5 loại hình CSCN được tổng kết trên thực tiễn triển khai (UNIDO, 2017a; Van Beers et al., 2007), đó là:

- Cộng sinh tiện ích và chia sẻ hạ tầng: Sử dụng chung hạ tầng và tiện ích, chủ yếu trong lĩnh vực nước và năng lượng (ví dụ: tuần hoàn nước và đồng sản suất năng lượng).

- Cộng sinh nguồn cung và sắp đặt cùng vị trí các nhà cung ứng và khách hàng: Sắp đặt cụm các công ty ở cùng vị trí hay sắp xếp theo chuỗi cung ứng và giá trị (ví dụ: các nhà sản xuất, nhà cung ứng nguyên vật liệu thô, các cấu kiện, sản xuất các khách hàng kinh doanh).

- Cộng sinh phụ phẩm và trao đổi chất thải: Một công ty sử dụng các sản phẩm phụ trước mà (trước kia) một công ty khác thải bỏ (chất thải rắn, lỏng hay khí) đưa vào quá trình sản xuất thành một sản phẩm có giá trị.

- Cộng sinh dịch vụ: Chia sẻ các dịch vụ và hoạt động giữa các công ty và trong KCN (ví dụ: cùng đào tạo nhân viên hoặc cùng sử dụng một nhà thầu bảo dưỡng).

- Cộng sinh công nghiệp-đô thị: Mối liên kết cộng tác giữa các doanh nghiệp và các thành phố/đô thị trong việc thu gom, xử lý và tái sử dụng nguyên vật liệu, rác thải, năng lượng và nước.

Ngày nay, khi khoa học công nghệ phát triển, các rào cản kỹ thuật dần biến mất thì quá trình triển khai CSCN có thể gặp một số rào cản phi kỹ thuật. Những rào cản này có thể là các quy định về môi trường, sự thiếu lòng tin giữa các doanh nghiệp, thiếu chia sẻ thông tin, hoặc các mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa các bên. Để có thể triển khai được quan hệ CSCN trên thực tế, cần xây dựng hệ thống thu thập và chia sẻ thông tin, phân tích các thông tin thu thập được. Đồng thời cũng cần xem xét và phân tích kỹ lưỡng lợi ích của các bên, nhằm phát hiện và thúc đẩy những lợi ích chung, hạn chế những mâu thuẫn lợi ích hoặc các khoản chi phí đối với các bên. Quá trình này cũng đòi hỏi việc tăng cường năng lực và nâng cao hiểu biết thông qua hợp tác giữa các bên (Mirata et al., 2005).

DEEP C là một trong 5 KCN đầu tiên trên cả nước được lựa chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn        Ảnh: Quốc Huy
DEEP C là một trong 5 KCN đầu tiên trên cả nước được lựa chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn Ảnh: Quốc Huy

Sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn

Khái niệm về sản xuất sạch hơn được quy định tại khoản 5, Điều 2, Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 về Khuyến công. Theo đó, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp là việc áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường.

Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn đã được quy định tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược sản xuất sạch hơn là được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.

Chiến lược cũng đưa ra các giải pháp thực hiện về: (i) Giải pháp về truyền thông, nâng cao nhận thức; (ii). Giải pháp về tổ chức, quản lý và cơ chế, chính sách; (iii). Giải pháp về hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn lực và hợp tác quốc tế; (iv). Giải pháp về đầu tư và tài chính.

Để cung cấp ngân sách cho việc thực hiện Chiến lược, liên Bộ Tài chính và Công thương đã ban hành thông tư Thông tư liên tịch 221/2012/TTLT-BTC-BCT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. Theo đó, Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các đề án thành phần của Chiến lược, ban hành kèm theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020".

Có thể nhận thấy mặc dù chưa có quy định cụ thể về sản xuất sạch hơn đối với KCN nhưng khung pháp lý cho sản xuất sạch hơn ở Việt Nam khá toàn diện từ góc độ kỹ thuật cho đến hỗ trợ tài chính. Các doanh nghiệp khi đã nhận biết được vai trò của sản xuất sạch hơn sẽ tự xây dựng cho mình những tiêu chuẩn về sử dụng nguồn lực để tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc tổng hợp các kết quả tiết kiệm tài nguyên cho các doanh nghiệp hoạt động tại KCN sẽ đưa ra kết quả tổng hợp về thực hiện sản xuất sạch tại KCN. Và qua đó, các mục tiêu của Chiến lược áp dụng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp nói chung có thể áp dụng được với các doanh nghiệp hoạt động trong KCN, trước hết về áp dụng sản xuất sạch hơn và tiết kiệm nguyên, nhiên liệu.

Sử dụng năng lượng ít ảnh hưởng đến môi trường

Quy định pháp lý quan trọng nhất hiện nay liên quan đến sử dụng năng lượng tái tạo là Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 về phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 với mục tiêu Chiến lược là tăng tổng các nguồn năng lượng tái tạo và sản lượng điện từ nguồn tái tạo.

Chiến lược cũng đề ra các định hướng phát triển theo các lĩnh vực về: (i) Thủy điện; (ii) Năng lượng sinh khối; (iii) Nguồn điện gió; và (iv) Nguồn năng lượng mặt trời.

Những định hướng chủ yếu phát triển thủy điện là nhằm góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương; cung cấp nguồn điện tại chỗ, nâng cao an toàn cung cấp điện. Việc phát triển nguồn thủy điện vừa và nhỏ tại các địa phương phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt trên cơ sở đánh giá đầy đủ các tác động đến môi trường. Chiến lược cũng đề ra những cơ chế, chính sách chủ đạo để đạt mục tiêu đề ra về phát triển năng lượng tái tạo gồm:

  • Hình thành thị trường về năng lượng tái tạo trong đó tập trung cả về phía cung và cầu với việc ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo trong phát triển ngành năng lượng, làm cơ sở cho xây dựng, thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng tái tạo. Để khuyến khích cung cầu gặp nhau, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân với các hình thức sở hữu khác nhau tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.
  • Ban hành chính sách giá điện và bảo đảm đầu tư theo hướng Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá điện áp dụng cho các dự án sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo nối lưới. Giá bán điện được đưa ra theo nguyên tắc thúc đẩy sự phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, bảo đảm nhà đầu tư thu hồi được chi phí và có lợi nhuận hợp lý; được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với sự phát triển của các công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo..
  • Các đơn vị điện lực có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo nối lưới thuộc địa bàn do đơn vị mình quản lý. Các dự án điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện được ưu tiên đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
  • Chiến lược cũng đưa ra hỗ trợ tài chính đối với hệ thống điện độc lập sử dụng nguồn điện độc lập sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Theo đó, chủ đầu tư xây dựng đề án giá điện và xác định tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trình Bộ Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng mức hỗ trợ được trích từ Quỹ phát triển năng lượng bền vững.

Do vậy, đối với việc phát triển các KCN sinh thái, trước hết cần thí điểm giải quyết vấn đề cho phép trao đổi khí sinh khối giữa các doanh nghiệp trong KCN hay thí điểm mua bán điện giữa doanh nghiệp trong KCN các để góp phần thực hiện việc sử dụng năng lượng ít ảnh hưởng đến môi trường.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 28/12/2024