Đã đến lúc siết chặt quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
(KDPT) – Trong những năm gần đây, tại Việt Nam đã xuất hiện các mô hình kinh doanh mới nhất như cung cấp các dịch vụ kết nối vận tải Grab, GoViet, Be; đặt phòng trực tuyến khách sạn Agoda, Traveloka, quảng các trực tuyến trên Google, Facebook…
Nguyên nhân là do hoạt động TMĐT rất đa dạng và phong phú, phạm vi kinh doanh rộng nên đã có nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi ngành thuế phải giải quyết như: Làm thế nào để xác định đúng doanh thu cũng như lợi nhuận của những DN hoạt động trong nền kinh tế số; xác định khái niệm về nguồn phát sinh thu nhập, cơ sở thường trú hay đặc điểm thu nhập để quản lý thuế.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, năm 2019, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đạt trên 32%; quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 11,5 tỷ USD. Dự báo năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử duy trì trên 30% và quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD. Trong các địa phương, TP HCM dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử, tiếp theo là Hà Nội và Hải Phòng.
Đáng chú ý, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực nhưng lại là cơ hội để thương mại điện tử phát triển. Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết, ngay trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch, nhiều DN đã triển khai kinh doanh trực tuyến, đồng thời người tiêu dùng cũng thay đổi thói quen, ưa thích kênh mua sắm này hơn.
Để quản lý thuế đối với hoạt động TMÐT, Cục Thuế TP Hà Nội đã nghiên cứu, phân loại nhóm để triển khai giải pháp phù hợp, hiệu quả. Ðối với nhóm các tổ chức, cá nhân cung cấp các ứng dụng, sản phẩm trên các ứng dụng như Google Play, Apple Store, Youtube…, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 47 tổ chức và 526 cá nhân kinh doanh TMÐT với doanh thu gần 380 tỷ đồng/năm. Trên cơ sở danh sách này, Cục Thuế TP Hà Nội phân loại và mời các cá nhân có doanh thu lớn đến cơ quan thuế để tuyên truyền chính sách thuế, cấp mã số thuế, hướng dẫn kê khai nghĩa vụ và giải đáp các thắc mắc. Tính đến tháng 10 – 2019, các cá nhân này đã nộp hơn 15 tỷ đồng tiền thuế, đạt 131% kế hoạch.
Ðối với các cá nhân phát sinh hoạt động cho thuê nhà thông qua các website trung gian như AirBnB, Booking.com, Agoda, Luxstay…, nhưng chưa kê khai, nộp thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã tiến hành thu thập thông tin, rà soát cơ sở dữ liệu, đề nghị các Chi cục Thuế xác minh trực tiếp tại các địa chỉ nhà cho thuê đang đăng ký qua website để xác định doanh thu cho thuê nhà của cá nhân và thu thuế theo quy định. Ðến nay, đã yêu cầu 483 cá nhân có nhà cho thuê theo hình thức TMÐT kê khai, nộp hơn 10 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách Nhà nước.
Ðáng chú ý, đối với hình thức kinh doanh qua mạng xã hội facebook, Cục Thuế TP Hà Nội đã rà soát hơn 13 nghìn tài khoản có hoạt động bán hàng qua mạng, gửi thông tin về đăng ký thuế, kê khai nộp thuế cho các cá nhân, đồng thời đăng tải trên website, cung cấp số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ của mình. Qua đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã phân loại được 2.000 cá nhân theo từng đối tượng, tình trạng hoạt động, xác định được hơn 1.000 chủ tài khoản phải thực hiện đăng ký thuế, kê khai thuế.
Để quản lý thuế TMĐT, tránh thất thu thuế như thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, nhất thiết phải có cơ chế chia sẻ thông tin giữa tổ chức tín dụng và cơ quan thuế nhưng vẫn bảo đảm bí mật với người nộp thuế. Điều này một mình ngành thuế không làm được mà phải phối hợp với các đơn vị chức năng khác ví dụ như cơ quan an ninh mạng, Bộ Công an, các tổ chức tín dụng để làm sao xây dựng cơ sở dữ liệu để nắm được thông tin người nộp thuế.
NGUYỄN ĐĂNG