ISSN-2815-5823
Thứ năm, 02h40 15/11/2018

Đại biểu Quốc hội lo ngại ga tàu điện ngầm ảnh hưởng di tích Hồ Gươm

(KDPT) – Đại biểu Triệu Thế Hùng đề nghị quy hoạch kiến trúc phải đảm bảo sự phát triển bền vững, không làm ảnh hưởng đến “trái tim của cả nước”.

Thảo luận dự án Luật Kiến trúc chiều 14/11, ông Triệu Thế Hùng – Thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng cho rằng, các dự án kiến trúc thời gian gần đây còn nặng về giá trị kinh tế và lợi ích cục bộ hơn là bản sắc văn hoá.

“Thậm chí, vừa qua nhiều công trình kiến trúc, di sản văn hoá còn bị xâm phạm và có thể bị xâm phạm. Ví dụ như cụm di tích ở Hồ Gươm”, ông nói.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng. Ảnh: Xuân Hoa

Theo đại biểu Hùng, Hồ Gươm được coi như trái tim của cả nước và theo khoa học địa lý thì “đây là long mạch giữ ổn định và thịnh vượng cho quốc gia”, được công nhận là di sản cấp quốc gia đặc biệt. Thế nhưng, dự kiến sẽ có đường tàu điện ngầm C9 với đỉnh nóc cách cụm di tích Đài Nghiên Tháp Bút chỉ vài mét, đi theo đó là nhà ga C3 bên cạnh Hồ Gươm.

“Không ai dám khẳng định khi thi công và vận hành đường tàu điện ngầm này có gây sụt lở hoặc ảnh hưởng đến cụm di tích không”, ông Hùng chia sẻ lo lắng.

Vị đại biểu cho rằng, kiến trúc dự kiến của nhà ga tàu điện ngầm “không giống Tàu cũng chẳng giống Tây, hoàn toàn xa lạ với người Việt”. Đặc biệt, nhà ga này nằm trong vành đai 2 được bảo vệ bởi pháp luật về di sản, nhưng khi hoàn thành sẽ có khoảng 5.000 người hàng ngày đổ về đây. Vì vậy, ông băn khoăn “liệu có giữ được cảnh quan của di sản cấp quốc gia đặc biệt này hay không”.

Ông Hùng nhấn mạnh, các hiểm hoạ về môi trường sống đang tỷ lệ thuận với đầu tư xây dựng kiến trúc và phát triển đô thị. “Dường như thiên nhiên đang trả thù con người về việc xây dựng bừa bãi. Tôi đề nghị dự án Luật quan tâm đến giá trị văn hoá nghệ thuật, kỹ thuật của kiến trúc. Đồng thời, cần quan tâm hơn đến các điều khoản liên quan đến môi trường, lịch sử và sự phát triển bền vững”, ông nói.

Quy định thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cần đảm bảo công khai

Theo dự thảo Luật, điều 14 quy định về thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc. Đồng tình với nội dung này, song đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ diện công trình cần tổ chức thi tuyển, quy định chặt chẽ tiêu chí thi tuyển như vị trí, tính chất, quy mô, yêu cầu kiến trúc đặc thù.

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ ngày 8/11, đại biểu Dương Ngọc Hải cũng cho rằng quy định tuyển chọn phương án kiến trúc vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng để khi Luật ban hành ra có thể thực hiện ngay.

“Nếu tổ chức thi thì thành phần hội đồng chấm điểm gồm những đơn vị nào. Nếu không thi thì sao, có được xây dựng không?”, ông Hải băn khoăn.

Báo cáo thẩm tra dự luật của Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường cũng cho thấy có nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết quy định về thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc nhằm chọn được phương án tối ưu, đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với kiến trúc công trình xây dựng.

Tuy nhiên, Uỷ ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có quy định về thi tuyển đảm bảo công khai, khách quan, linh hoạt tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh, sáng tạo nghệ thuật, đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế.

Dự luật Kiến trúc sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, giữa năm 2019.

Theo VNE



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/01/2025