ISSN-2815-5823

Đến Chùa Vĩnh nghiêm là đến với tinh thần tu học

(KDPT) - Bắc Giang được thừa hưởng khá nhiều di tích, trong đó chùa Vĩnh Nghiêm và Tây Yên Tử là hai di tích của Phật giáo gắn liền với vai trò của tam tổ khai sáng từ thế kỷ thứ 14. Nhân dịp đầu Xuân, khi du khách thập phương hành hương hướng Phật, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Thượng tọa Thích Thanh Vịnh, Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, về di sản văn hóa được lưu giữ tại đây.

PV: Với đoàn rước dài 70 km, gồm 108 xe ô tô được trang trí theo nghi thức Phật giáo, Lễ rước bộ Mộc bản "Cư trần lạc đạo phú" từ chùa Vĩnh Nghiêm lên chùa Thượng (Tây Yên Tử) đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là Lễ rước theo nghi thức Phật giáo lớn nhất Việt Nam. Xin Thượng tọa chia sẻ thêm về ý nghĩa đoàn rước này?

Thượng tọa Thích Thanh Vịnh: “Cư trần lạc đạo phú” là một phần trong 3.050 bản mộc được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm, trường đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam. Tư liệu quý giá bằng gỗ thị này đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có giá trị nhiều mặt về xã hội học, tôn giáo học, mĩ thuật, ngôn ngữ học… vì còn chuyển tải bằng Văn nôm, không đơn thuần chỉ là bản Hán.

Mộc bản "Cư trần lạc đạo phú".

Cùng với Đêm nhạc Phật “Vĩnh Nghiêm- Hào quang trí huệ” được tổ chức trong Tuần văn hóa-du lịch tỉnh Bắc Giang, lễ rước nhằm mục đích quảng bá di sản tư tưởng của Phật tổ về vật thể và phi vật thể. Vật thể là thác bản, là bản phiên ra. Khi du khách đến tham quan, nhìn vào các câu các cụ nói là nhớ đến các hành trang của các cụ đã làm.

Đây là mục đích chính của ban trị sự phật giáo tỉnh muốn gửi đến bà con Phật tử bốn phương khi đến Tây Yên tử mà chưa có thời gian về chùa Vĩnh Nghiêm. Pháp bảo lưu thông cũng chính là mục đích đó, muốn lan tỏa những cái hay, cái đẹp. Vì thế đoàn rước chính là truyền tải thông điệp đến với mọi người trên tinh thần cư Trần Lạc đạo (ở đời sống với đạo).

Ý nghĩa 108 xe gắn liền với biểu trưng của nhà Phật là tràng hạt. Tràng hạt lớn nhất là 108 là con số liên quan đến kinh thư của Đức Phật. Đây là con số được nhà Phật sử dụng dựa trên ba thứ: Căn - Trần - Thức. Lục căn tiếp xúc với lục trần, có lục thức để tương tác. Mắt nhìn ra màu sắc bên ngoài thì có phần Thức ở đó. Muốn cảm nhận được vị của Trần (ngọt, bùi, đắng, cay cuộc đời) cũng phải có thức ở đó. Nếu không có thức tiếp nhận thì căn trở thành vô vị. Trên cơ sở đó, Căn Trần Thức cộng lại rồi nhân với 6 thì ra 108. 108 là 108 cái phiền não của Căn Trần Thức. Nên nếu chúng ta tu được, thì căn Trần thức hướng về thiện thì 108 là con số viên mãn. 108 cũng là 108 câu thường niệm của bất kể một bài chú nào đó.

Lễ rước bộ Mộc bản "Cư trần lạc đạo phú" từ chùa Vĩnh Nghiêm lên chùa Thượng .

Năm nay là năm đầu tiên ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tổ chức lễ rước, mong từ năm sau sẽ tổ chức mỗi năm một lần để cầu quốc thái dân an, cầu cho bách tính, vạn nhà.

PV: Hiện nay, chùa Vĩnh Nghiêm có những hoạt động gì để quảng bá, giới thiệu bộ mộc bản quý giá này tới nhân dân và du khách?

Thượng tọa Thích Thanh Vịnh: Chùa Vĩnh Nghiêm đã có nhà lưu trữ mộc bản. Nhà lưu trữ này như một bảo tàng thu nhỏ. Các thầy cũng đã thống kê được một số tuy nhiên việc dịch văn bản này vẫn phải phụ thuộc vào kinh phí nên chùa Vĩnh Nghiêm phải lên kế hoạch cho từng năm. Chúng tôi rất mong trong thời gian tới sẽ phổ biến được bộ mộc bản này tới đông đảo người dân.

PV: Ngoài đưa mộc bản Tây Yên Tử, theo Thượng tọa chúng ta còn những cách gì để nhiều người biết tới bộ mộc bản quý giá này hơn nữa?

Thượng tọa Thích Thanh Vịnh: Rất mong trong một vài năm tới chúng ta phải có chương trình phổ biến di sản. Chúng ta đã trưng bày rồi, lưu trữ rồi thì phải làm thế nào để phổ biến được. Có rất nhiều phương diện để có thể phổ biến, trong đó có phương diện truyền thông.

Bộ Mộc bản "Cư trần lạc đạo phú" được rước lên chùa Thượng gồm 42 bản. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Phật hoàng Trần Nhân Tông được khắc trong bộ kinh Thiền Tông bản hạnh, thể hiện rõ tư tưởng và giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

Tuy nhiên truyền thông không thì chưa đủ. Chúng ta phải hướng đến phương diện tu tập. Khi người ta đến tu tập, người ta thấy đúng, người ta áp dụng thì lúc đó mới là thành công. Đây là ý nguyện của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang cũng như Chư tăng tổ chùa Vĩnh Nghiêm được đứng ra để đảm nhận vai trò đó, rất mong Nhà nước ủng hộ. Bây giờ các trường, các viện rất nhiều nhưng không phải trường, viện nào cũng đưa được tư tưởng này ra. Trước đây Vĩnh Nghiêm là trường, bây giờ rất mong Nhà nước đẩy mạnh, tạo mọi điều kiện cho Giáo hội đặt Vĩnh nghiêm là trường không chỉ dành cho những tu sĩ mà dành cho tất cả các đối tượng như ở thời Trần, ai đến cũng được. Đây là giáo dục tâm linh chứ không chỉ là giáo dục đơn thuần.

PV: Có lời khuyên nào cho du khách khi đến chùa Vĩnh Nghiêm không thưa Thượng tọa?

Thượng tọa Thích Thanh Vịnh: Tăng ni Phật tử chùa Vĩnh Nghiêm mong muốn khi mọi người đến các cơ sở phật giáo nói chung và chùa Vĩnh Nghiêm nói riêng ngoài việc tìm hiểu giá trị các di sản mà phật tổ để lại ra thì chúng ta thầm niệm là đi với Phật thì chúng ta phải lấy thân mà đi, chứ không chỉ lấy tâm, không chỉ lấy ý, lấy ngôn bình thường, nên nhà Phật mới chú trọng về Trí tuệ. Đến Chùa Vĩnh Nghiêm không đơn thuần là đến để lễ Phật, vãn cảnh mà đến với tinh thần tu học.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/05/2024