ISSN-2815-5823

Diễn đàn doanh nghiệp về bảo vệ bản quyền và tri thức tại Việt Nam

(KDPT) - Ngày 25/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp về bảo vệ bản quyền và tri thức tại Việt Nam.

Diễn đàn được tổ chức nhân dịp 20 năm (26/10/2004 - 26/10/2024) Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường nhận thức và thực thi các biện pháp bảo vệ bản quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung.

Ông Bùi Nguyên Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA) phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Bùi Nguyên Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA) phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Nguyên Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA) cho biết, kỷ nguyên số và Internet mang đến nhiều cơ hội tiếp cận tại bất cứ đâu và vào bất kì thời gian nào tới các tác phẩm văn học, nghệ thuật, bản ghi âm, bản ghi hình, chương trình phát sóng. Điều này đồng thời cũng đặt ra thách thức lớn trong việc bảo vệ bản quyền tác giả, khuyến khích phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa.

20 năm qua, kể từ ngày Việt Nam gia nhập Công ước Berne là một chặng đường, là bước khởi đầu trong hành trình bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của quốc gia. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc bảo vệ bản quyền, đặc biệt trong môi trường kỹ thuật số, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bản quyền tác giả (quyền tác giả và quyền liên quan) nói riêng đã và đang là điều kiện bắt buộc trong hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi quốc gia.

Để đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại, Việt Nam đã đàm phán ký kết gia nhập các Điều ước quốc tế đa phương có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan: Thứ nhất, Ký kết Hiệp định song phương với Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả năm 1998, với Liên bang Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ năm 1999 và Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000.

Thứ hai, Gia nhập các Công ước: Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật năm 2004; Công ước bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép trái phép các bản ghi âm của họ năm 2005; Công ước bảo hộ tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh năm 2006; Công ước bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm, người biểu diễn và chương trình phát sóng năm 2007; Hiệp ước bảo hộ quyền tác giả của WIPO năm 2022; Hiệp ước bảo hộ người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm năm 2022; Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người mù và người khiếm thị khác tiếp cận với các tác phẩm đã công bố năm 2023. 

Thứ ba, Ký kết các Hiệp định thương mại tự do có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong đó có Hiệp định TRIPS (WTO); Hiệp định CPTPP; Hiệp định Việt Nam -  EU; Hiệp định RCEP … 

Việc thực hiện các điều ước quốc tế song phương và đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan đã ký kết và tham gia nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam tại các nước thành viên đồng thời thực hiện nghĩa vụ pháp lý với các nước thành viên.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, từng bước ban hành và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ: Ban hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2022...

Quang cảnh Diễn đàn.
Quang cảnh Diễn đàn.

Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra, có nơi, có lúc nghiêm trọng, nhất là trên môi trường số, internet. Điều này đã gây thiệt hại không nhỏ đối với các nhà đầu tư sáng tạo và đang là thách thức đối với hoạt động phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa của đất nước.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kinh doanh hiện đại. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp mở rộng quan hệ, kết nối và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bản quyền và tri thức./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine