ISSN-2815-5823

Doanh nhân Việt Nam sẽ là đầu tàu để dẫn dắt nền kinh tế nước ta phát triển

(KDPT) – Là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước với chức năng lập pháp và giám sát, trong những năm qua Quốc hội đã có những hành động quyết liệt để chỉ đạo, giám sát, thúc đẩy mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội,… của đất nước, đưa nước nhà đến với những thành tựu mới đáng phấn khởi. Đầu xuân Mậu Tuất 2018, đồng chí Phùng Quốc Hiển, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Kinh doanh và Tiếp thị về những thành tựu đó.

Đồng chí Phùng Quốc Hiển Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam trả lời báo chí.

Sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ mới do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu đã đưa ra thông điệp nhiệm kỳ với tám chữ: kiến tạo, phục vụ, liêm chính, công khai. Đây cũng chính là nhiệm vụ, mục tiêu mà Quốc hội khoá XIV hướng tới và cũng là tóm tắt những nhiệm vụ của Chính phủ trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. Đến lúc này, qua những “lời nói”, “hành động” và kết quả công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế – xã hội của Chính phủ, dưới “lăng kính” của một đại biểu dân cử, đồng thời là lãnh đạo cấp cao của Quốc hội , ông có nhận định gì?
Trước hết, tôi đánh giá rất cao về thông điệp này. Kiến tạo, phục vụ, liêm chính , công khai thật sự là tám chữ vàng. Chính phủ đã chuyển mạnh sang kiến thiết, tạo lập, phục vụ với hàng loạt các cơ chế, chính sách, pháp luật để xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn. Theo Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc trong năm 2017, xếp hạng 68/190. Chính phủ đã có nhiều tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nghìn nghìn giấy phép con, hàng nghìn thủ tục hành chính đã được gỡ bỏ, thể hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua. Chính phủ đã đề xuất mới hay sửa đổi một số luật để thúc đẩy phát triển như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật chuyển giao công nghệ, Luật cạnh tranh, Luật các tổ chức tín dụng,… Nhờ đó, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 55/137, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Chính phủ thể hiện vai trò kiến tạo trong đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội như giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục. Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của nhân dân để tháo gỡ những khó khăn, nếu có vướng mắc về luật pháp thì trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, yêu cầu các cơ quan công quyền tổ chức tốt dịch vụ công, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn thay vì “ban phát”, “xin-cho” như trước đây. Bên cạnh đó, Chính phủ thể hiện tính liêm chính khi tích cực phòng chống, xử lý nghiêm khắc tham ô, tham những, lãng phí. Công khai quy hoạch, kế hoạch để người dân và doanh nghiệp biết để thực hiện và giám sát.
Điều đáng nói ở đây, để quyết liệt thực hiện mục tiêu đó Chính phủ đã chỉ đạo để các bộ, ngành bỏ đi 5000 giấy phép con để tạo ra cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động. Chính phủ cũng đã rất quyết liệt phòng chống tham nhũng tiêu cực cho bộ máy công quyền ngày càng liêm chính hơn. Đó cũng là tinh thần của các nghị quyết của Đảng trong công cuộc làm trong sạch bộ máy lãnh đạo công quyền, tạo thêm những nội lực cho doanh nghiệp, niềm tin của nhân dân hơn nữa. Và những vẫn đề ngày xưa nhiều khi chưa được công khai từ quy hoạch, kế hoạch, phương hướng,… thì bây giờ, chúng ta đã công khai. Công khai để cho người dân biết được khung pháp lý, môi trường kinh doanh là như thế nào. Và môi trường ấy phải tạo điều kiện cho người dân có thể yên tâm, tự tin đi vào sản xuất, kinh doanh. Quốc tế đánh giá rất cao chúng ta về điều đó. Chính vì thế, môi trường kinh doanh, cạnh tranh của chúng ta được quốc tế nâng lên 14 bậc so với trước đây. Tôi đánh giá rất cao những cố gắng của Chính phủ trong năm 2017 vừa qua.
Tuy nhiên, giữa lời nói và việc làm, mục tiêu và thực hiện vẫn còn khoảng cách vì những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết “ngày một, ngày hai” được. Nhân dân kỳ vọng rất lớn vào đổi mới, cải cách của Chính phủ.
Vậy thưa ông, Quốc hội có mối liên hệ như thế nào với Chính phủ khi Chính phủ chuyển đổi theo hướng trở thành Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính, công khai?
Thực tế đã cho thấy, không chỉ ở trên nghị trường và còn nhiều các kỳ họp khác, các hoạt động chúng ta đã cho thấy rất rõ Quốc hội đã có những bước đổi mới tích cực và rất quyết liệt để có thể đi từ thảo luận, tham luận, sang một bước nữa là tranh luận. Tranh luận để đi đến sự động thuận cao, thống nhất cao. Và tất cả những vấn đề đó thể hiện được những tâm tư nguyện vọng của đại đa số nhân dân.
Quốc hội đã chuyển mạnh từ Quốc hội tham luận sang tranh luận, phản biện mạnh mẽ, đi đến cùng của những vấn đề được cử tri cả nước quan tâm. Quốc hội “chung lưng đấu cật” cùng Chính phủ giải quyết các vấn đề còn tồn tại để phát triển đất nước chứ không có ý làm khó Chính phủ, cùng với Chính phủ mổ xẻ phân tích mọi khía cạnh của vấn đề để đạt được sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực thi pháp luật, giải quyết các vấn đề.
Ví dụ, khi thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước hàng năm, ngoài việc ghi nhận những nỗ lực, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng thuận của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, song Quốc hội cũng thẳng thắn, chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại trong một số ngành, lĩnh vực; đánh giá nguyên nhân của mặt được và chưa được; phân tích, dự báo những nguy cơ, thách thức mà nước ta phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang biến động phức tạp, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Chính phủ, các cấp, các ngành phải có các giải pháp đột phá, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thì mới có thể hoàn thành được các mục tiêu đã đặt ra.
Vậy theo ông, thách thức và cơ hội của Việt Nam để tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa nền kinh tế đất nước phát triển và thay đổi theo mô hình một quốc gia công nghiệp, hiện đại như thế nào?
Chúng ta đang quán triệt và thực hiện theo đúng tinh thần nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII về việc cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta phải chuyển từ một nền kinh tế mà đang phát triển theo chiều rộng sang nền kinh tế phát triển theo chiều sâu. Vừa rộng vừa sâu, nhưng sâu là chủ yếu. Muốn như vậy, thì cần phải đổi mới toàn bộ mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Chúng ta đang nắm giữ những cơ hội trong tay. Thứ nhất, chúng ta là một nền kinh tế nằm trong khối ASEAN. Đó là một nền kinh tế hết sức năng động và được thế giới toàn cầu đánh giá cao. Đặc biệt, Việt Nam chính là điểm đầu mối rất là quan trọng của nền kinh tế này. Cho nên đây chính là cơ hội của chúng ta.
Thứ hai, thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với đặc trưng của nó là số hóa, thì Việt Nam là một quốc gia có thể nói rằng có một lực lượng sử dụng công nghệ, internet rất cao. Có tới 54% số người dân sử dụng Internet. Đây cũng là một trong những tiềm năng rất mạnh mà chúng ta cần phải tranh thủ nắm bắt cơ hội.
Thứ ba, chúng ta đang ở trong giai đoạn mà một đất nước có tỷ lệ dân số vàng. Tỷ lệ dân số vàng này có thể kéo dài, nếu chúng ta làm tốt, có thể lên đến 41 năm nữa. Lực lượng trẻ này mạnh mẽ lắm. Đấy chính là nguồn lực của chúng ta khi lực lượng trẻ ngày một có trình độ hơn, tiếp cận được nhiều điều mới và kiến thức rộng mở hơn. Có thể nói, đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá mà chúng ta cần phải khai thác.

“Tài nguyên trí tuệ là vốn quý của dân tộc. Dân tộc Việt Nam vốn cần cù, chịu khó, thông minh, chắc chắn sẽ sản sinh ra đội ngũ doanh nhân thành đạt, làm cho đất nước thịnh vượng. Đất nước thịnh vượng, người dân mới có cơ hội phát triển. Dân có giàu, thì nước mới mạnh. Cũng chính vì lẽ đó mà doanh nhân là giới giai tầng xã hội đầu tiên được Bác Hồ tiếp tại Bắc Bộ Phủ ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công.”
Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam

Bên cạnh đó, nước Việt Nam chúng ta có một nền kinh tế ổn định, một nền chính trị ổn định và vị thế trên thị trường quốc tế ngày một được nâng cao. Cho nên tại sao các chỉ số cạnh tranh, chỉ số tín nhiệm của chúng ta tăng; Cùng với đó, sự ổn định của chúng ta là yếu tố giúp cho việc đầu tư FDI nước ngoài tăng vọt, chính bởi vì người ta rất tin vào sự ổn định phát triển của của Việt Nam.
Tuy nhiên chúng ta lại đứng trước những thách thức, những thách thức rất lớn. Giữa tăng trưởng nhanh và bền vững, đây là mục tiêu đặt ra nhưng cũng rất mâu thuẫn. Vừa tăng trưởng nhanh lại vừa bền vững. Nghe chừng có gì đó khác biệt, song đây cũng chính là vấn đề chúng ta cần phải giải quyết. Nếu chúng ta tăng trưởng thấp hơn dưới 6% thì chúng ta sẽ gặp khó khăn. Cho nên chúng ta phải tăng trưởng trên 6%, nếu được thì 7%. Bền vững nắm vai trò quyết định. Nếu chúng ta tăng trưởng nhanh mà không bền vững, không đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không giữ vững được về môi trường và những vấn đề ổn định về xã hội thì tăng trưởng nhanh đó của chúng ta lại phải trả giá. Cho nên đây cũng là một thách thức hết sức quan trọng.
Chúng ta còn phải đối mặt với một vấn đề nữa là phải “chiến thắng chính mình”. Phải thấy rằng năng suất lao động của chúng ta đang rất thấp. Công nghệ của chúng ta hiện nay trong toàn bộ nền kinh tế có một bộ phận công nghệ rất cao, rất hiện đại, tuy nhiên cũng có bộ phận công nghệ rất lạc hậu. Thậm chí có thể nói là tụt hậu rất nhiều so với công nghệ trên thế giới. Thế rồi thì đội ngũ lao động của chúng ta đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ chưa cao. Ví dụ chủ yếu chỉ có 25% số lao động của chúng ta qua đào tạo là có bằng cấp, chứng chỉ thôi. Còn lại thì chúng ta cũng là “cầm tay chỉ việc”. Vấn đề ở đây là chưa tạo ra được nguồn tài nguyên về tri thức đế chúng ta phát triển. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, khi các yếu tố khó khăn không giải quyết được triệt để.
Những cơ hội sẽ là nguồn động lực tiếp thêm nội lực cho nền kinh tế nước nhà. Song, để nắm bắt được cơ hội đó, theo tôi, đầu tiên, chúng ta phải có tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục cụ thể hoá việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và thực hiện đúng nghị quyết của đại hội Đảng là khẳng định, tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân đồng thời nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, thì kinh tế nước ta sẽ có bước phát triển thực chất, hợp lòng dân.
Chúng ta phát triển nhưng chúng ta cũng phải thấy được cái tồn tại khó khăn để mà khắc phục. Như vậy phải xây dựng được môi trường pháp lý thông quán, minh bạch, công khai và ổn định. Thì điều đó, Chính phủ cũng như Quốc hội phải tập trung giải quyết. Chúng ta phải hoàn chỉnh lại hệ thống pháp luật sao cho hợp lý. Vấn đề nữa tôi cho là chúng ta cần phải chú ý hơn nữa về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Chúng ta phải đào tạo sao để có đội ngũ người lao động, kể cả lao động trí óc hay bằng chân tay, đều phải có một cái trình độ nhất định. Bởi lẽ, đó là nguồn tài nguyên mà chúng ta khai thác không bao giờ hết được, nên đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của nước ta.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng chúng ta cần phải “đi tắt”, phải biết tận dụng ngay những cái công nghệ mới, những kỹ thuật tiên tiến nhất. Nhất là bây giờ, phải biết ứng dụng ngay công nghệ về internet, về số hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu,… để ứng dụng vào nền kinh tế. Chúng ta cần phải làm để đổi mới được toàn bộ hệ thống sản xuất của chúng ta phù hợp với điều kiện của đất nước. Đấy cũng là điều tôi cho là Chính phủ và Quốc hội nên bắt tay vào làm.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, với cương vị là Phó Chủ tịch Quốc hội, ông có lời chúc gì đến với cộng đồng doanh nhân, nhân dân cả nước?
Tài nguyên trí tuệ là vốn quý của dân tộc. Dân tộc Việt Nam vốn cần cù, chịu khó, thông minh, chắc chắn sẽ sản sinh ra đội ngũ doanh nhân thành đạt, làm cho đất nước thịnh vượng. Đất nước thịnh vượng, người dân mới có cơ hội phát triển. Dân có giàu, thì nước mới mạnh. Cũng chính vì lẽ đó mà doanh nhân là giới giai tầng xã hội đầu tiên được Bác Hồ tiếp tại Bắc Bộ Phủ ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Sinh thời, Bác luôn dành sự quan tâm thích đáng, động viên và tạo niềm tin cho doanh nghiệp, doanh nhân và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân Việt nam. Ngày 13/10/1945, trong bức thư gửi giới doanh nhân, Bác viết: “Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này…”
Trong năm vừa qua, mọi người đã làm rất tốt, đã có những tiến bộ vượt bậc, đã khẳng định được mình và được cộng đồng đánh giá rất là cao.
Nhân dịp Năm mới 2018, tôi chúc cho giới doanh nhân Việt Nam làm ăn phát đạt, thịnh vượng và sẽ là đầu tàu để dẫn dắt nền kinh tế nước ta phát triển. Tôi xin tặng đội ngũ doanh nhân Việt Nam tám chữ: Tự lực, tự cường, tự tin (trước một thế giới thay đổi nhanh chóng), tự giác ( thực hiện các chính sách pháp luật của nhà nước). Đối với nhân dân cả nước, tôi cũng chúc năm mới, năm Mậu Tuất 2018 này chúng ta đều thành công, an khang thịnh vượng và có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm trong hương vị đầu xuân năm mới, đem lại những điều tốt lành cho cả năm.

Quốc Duy (thực hiện)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine