Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các cơ quan tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động giám sát.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với nhiều đổi mới, cải tiến.

Theo ông Bùi Văn Cường, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội khóa XV đang tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ trước cử tri và nhân dân; đòi hỏi đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan phải tích cực, khẩn trương triển khai các công việc với hiệu quả, chất lượng cao nhất.

Vì vậy, việc dự kiến chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng phải được lựa chọn một cách phù hợp, sát thực tế, đảm bảo tính khả thi của chương trình, đáp ứng được yêu cầu đặt ra và phản ánh đúng những vấn đề bức xúc của thực tiễn.

Căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đặc điểm tình hình năm 2024 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 như trong dự thảo Nghị quyết đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Đối với giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 04 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 02 chuyên đề để giám sát tối cao, 02 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Cụ thể, chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chẳng hạn như: Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1) (dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (dự kiến giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung).

Trong quá trình triển khai xây dựng Chương trình giám sát, có một số nội dung được nhiều cơ quan đề xuất nhưng sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không lựa chọn và đã giải trình cụ thể như trong Tờ trình đầy đủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

"Đối với các đề xuất còn lại, căn cứ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân công Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xem xét, tiến hành giám sát hoặc tổ chức các phiên giải trình cho phù hợp" - ông Bùi Văn Cường nêu.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động giám sát, bám sát thực tiễn đời sống để đề xuất giám sát những vấn đề cấp bách nổi lên.