Dùng người đúng chỗ, thì người tài mới thật sự tài
Ban Biên tập khởi đăng tuyến bài “Dùng người đúng chỗ, thì người tài mới thật sự tài”, qua đó, thể hiện những góc nhìn khác nhau, trên tinh thần nêu quan điểm xây dựng. Đồng thời mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ xem xét thấu đáo việc bổ nhiệm cán bộ của mình đã đúng và trúng chưa, nếu sai thì sửa, biết nhìn thẳng vào cái sai thì không bao giờ muộn; ngược lại, nếu cán bộ được bổ nhiệm đúng quy trình, thật sự có năng lực, thì việc người đó là con cháu của ai cũng không quan trọng, bởi người tài thì đất nước thời nào cũng cần.
Bài 1: Phải xem họ có thật sự xứng đáng
3 vị là con quan đầu tỉnh mà tôi sẽ kể dưới đây đã từng gây xôn xao dư luận. Qua đó, tôi muốn phân tích thêm trong bài viết này, vì sao nó đã từng xảy ra nhưng rồi lại vẫn vừa mới tiếp diễn!? Trong các năm 2015 (ở Quảng Nam), 2020 (ở Bắc Ninh) và mới rồi – năm 2021 tại Vĩnh Phúc, đã có chuyện con ông cháu cha thăng tiến nhanh như… tên lửa, khiến dư luận tỏ ra băn khoăn, thậm chí bất bình. Bất bình là bởi sự thăng tiến của 3 người này quá nhanh và đều là con ruột của các cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bắc Ninh và đương kim Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Sự giống nhau của 3 quan chức được cất nhắc nói trên đều rất trẻ. Nếu tuổi trẻ tài cao thì có lẽ cũng tốt cho đất nước vì họ là người xứng đáng, và có lẽ chúng ta cũng sẽ không nói làm gì, nhất là hậu duệ của họ thăng tiến bằng con đường khoa học đích thực, chứ không phải bằng con đường chính trị. Bắt đầu cần nhắc đến có lẽ là từ ông Nguyễn Phước Hoài Bão, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam khi mới tròn 30 tuổi; rồi tiếp đến là ông Nguyễn Nhân Chinh, nguyên Bí thư Thành ủy TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh khi mới 36 tuổi (năm 32 tuổi, ông đã được bầu làm Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh, cái chức ngang với cấp sở, ngành, huyện của địa phương); và cho đến bà Trần Huyền Trang, 31 tuổi sau 7 tháng được bổ nhiệm cấp tương đương trưởng phòng thì tiếp tục được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc mới đây.
Điều giống nhau thứ hai của 3 nhân vật trẻ tuổi tài cao này, đó là khi được ai đó hỏi, các địa phương nói trên đều khẳng định rằng tổ chức của mình “đã làm đúng quy trình, đúng nguyên tắc và rất đúng các bước, thậm chí không có đơn thư thắc mắc gì…”.
Điều giống nhau thứ ba, đó là thời gian họ phấn đấu và cống hiến cho địa phương thường không đáng kể mà chủ yếu là đi học. Mà việc học đối với ai cũng là cần. Một khi được tổ chức cử đi học hay là học tự túc đi nữa thì không nên coi đây là thời gian được xem như họ có quá trình công tác. Việc hiện nay nhiều người rất muốn đi học, nhất là học theo lối được tổ chức cử đi, thậm chí được ngân sách chi trả thì tội gì không đi bởi chúng ta luôn xem trọng bằng cấp nhiều hơn thành tích học đóng góp thực thụ của họ. Vài chục năm trước, nếu ai được cử đi học hoặc xin đi học hàm thụ thì xem như thời gian này còn không được tính thời gian để xét nâng lương.
Vì lý do này, nhiều người bây giờ chỉ đi học quanh năm và kèm theo đó là sự thăng tiến phi mã thì đúng là đáng kinh ngạc.
Thử hỏi, nếu không phải họ là con quan chức đầu tỉnh thì thời gian công tác kể từ năm ra trường đến năm được nhậm chức cấp sở, ngành, quận… hoặc tương đương chỉ từ 7-8-9 năm liệu được mấy ai lên nổi cấp sở, cấp vụ. Và có một điều lạ là tất cả các địa phương mà tôi đề cập, chưa thấy khi nào có ai, một cơ quan nào thừa nhận mình làm chưa chuẩn.
Liên quan đến việc bổ nhiệm giám đốc sở của Quảng Nam ngày nào, tôi nhớ đó là vào đầu tháng 10/2015, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khi đó đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam để kiểm tra lại quy trình thực hiện. Thông tin sau khi kiểm tra được công bố thì té ra, việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo là “đúng quy trình, thủ tục, không trái với chủ trương, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước”.
Thế nhưng vì áp lực của dư luận, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vào cuộc và cuối cùng thì ông Hoài Bảo đành phải rời khỏi cương vị vừa được bổ nhiệm. Đã vậy lại còn lòi ra đủ thứ chuyện. Nào là bỏ sinh hoạt Đảng vì đi học ở nước ngoài mà không khai báo trung thực . Rồi thì tại Bắc Ninh, liên quan đến chuyện ông Nguyễn Nhân Chinh được điều động, chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh thì ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Bắc Ninh nói “việc này không vướng quy định nào của Đảng” (!)
Như vậy là chả thấy ai thừa nhận sai chỗ nào. Chỉ đến khi Ban Tổ chức Trung ương Đảng ra văn bản yêu cầu địa phương báo cáo, giải trình việc báo chí lên tiếng thì cái chức Bí thư Thành ủy kia của ông ta mới bị rút lại sau 15 ngày ngồi chưa kịp ấm chỗ. Không lẽ như thế mà vẫn nói không sai chút nào hay sao ?
Và mới đây, chuyện lùm xùm tại tỉnh Vĩnh Phúc, khi một cán bộ được bổ nhiệm cũng đã làm theo “đúng quy trình” và Thường vụ Tỉnh ủy đã bỏ phiếu. Nhưng dư luận lại đang bức xúc, bởi theo họ nếu không phải là con lãnh đạo thì chắc gì đã được chính quyền tỉnh bổ nhiệm nhanh đến chóng mặt như vậy.
Chuyện “con ông cháu cha” được ưu tiên trong bố trí công tác này nọ, theo tôi cũng có thể chấp nhận nếu trình độ họ xứng đáng, nếu điểm thi sát hạch của họ như nhau. Không gì tốt hơn việc tìm nguồn kế cận cho một chế độ chính trị bất kỳ chính là con em của các nhà lãnh đạo đi trước kế tục nếu họ thực sự tài năng. Và ngược lại, nếu không có tài, năng lực hạn chế thì chính con cháu họ sẽ cản trở bước tiến của đất nước và chỉ thêm tai hại cho dân tộc ta sau này. Song, sự ưu ái quá đến mức hơi lộ liễu như đã xảy ra kiểu như mấy ví dụ tôi đề cập trên đây thì rất không nên.
Càng về sau này, khi xã hội đã hơn một lần phê phán, chỉ trích, thậm chí phải hủy quyết định bộ nhiệm, có vị còn phải nhận kỷ luật và có những trường hợp đã buộc phải điều chuyển, tránh điều tiếng không hay. Ấy vậy mà đâu đó vẫn còn tiếp diễn. Điều đó lại càng đáng suy ngẫm và cần xem lại đến chuyện lãnh đạo phải nêu gương. Không lẽ những chỉ đạo, những khuyến cáo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều bị cấp dưới bỏ ngoài tai vậy sao ?
Trong quá khứ, chúng ta còn nhớ, con các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, kể cả các bậc tiền bối từng là các bậc “khai quốc công thần” như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ, với hàng chục năm họ nắm giữ trọng trách to lớn của Đảng, Nhà nước, thế nhưng con cái các vị đó đâu dễ được quy hoạch nguồn.
Có lẽ chỉ trừ trường hợp con trai cả của cố Tổng Bí thư Trường Chinh là giáo sư Đặng Xuân Kỳ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam là được vinh hạnh này. Thế nhưng, theo như cố Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương Nguyễn Đình Hương từng thừa nhận nói rằng, trường hợp này là quá xứng đáng (theo Báo điện tử Viettimes.vn ra sau ngày ông Nguyễn Đình Hương đi xa).
Thế nhưng nên nhớ rằng, mãi cho đến khi GS Đặng Xuân Kỳ ngót nghét năm chục tuổi và với bề dày tham gia quân đội, được đào tạo chuyên ngành rồi nghiên cứu khoa học nhiều năm, ông mới được giao trọng trách Viện Phó Viện Triết học (ngang cấp vụ, cục) của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Và khi được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 6 thì hầu như ai cũng đánh giá ông là người rất xứng đáng, bởi ông chính là một trong những thành viên quan trọng trong nhóm công tác đặc biệt của cha mình. Họ được trưng tập để cùng nghiên cứu cải cách kinh tế trước thời điểm Đại hội Đảng lần thứ VI. Mục đích là để giúp cho Tổng Bí thư Trường Chinh sau này có những cơ sở thực tiễn quan trọng biến nó thành lý luận và đi tới việc quyết định tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước năm 1986 và thực sự, nó đã mang lại thành tựu nổi bật cho đất nước ta những năm sau này như mọi người đã biết.
Ông Đặng Xuân Kỳ đã thực sự tỏ rõ là một cán bộ có tài và có trình độ. Chính vì thế, theo cố Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Hữu Thọ, trong một buổi thông báo nhanh với lãnh đạo các cơ quan báo chí, ngay sau khi kết thúc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khoá 8, thì ông Hữu Thọ đã cho biết những thông tin xung quanh quá trình tìm người kế cận của Đảng ta, ông Đỗ Mười đã từng chuẩn bị người kế nhiệm ra sao. Thì ra GS Đặng Xuân Kỳ là nhân vật được “ngắm” tới đầu tiên của Tổng Bí thư Đỗ Mười khi đó. Ông Đỗ Mười đã đưa GS Kỳ vào tầm ngắm để đào tạo, trở thành người kế cận mình trước cả việc quy hoạch các vị khác như cố Thường trực Ban Bí thư Đào Duy Tùng và cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Sau khi nghe ông Hữu Thọ phổ biến như vậy, tôi có gọi điện hỏi GS Đặng Xuân Kỳ chuyện trên là như thế nào, thì GS Kỳ thừa nhận đúng là có chuyện nói trên, song ông đã cám ơn ông Đỗ Mười và xin bày tỏ thật lòng rất giản đơn rằng, bây giờ tuổi cũng đã cao, quỹ thời gian cũng không còn nhiều nữa, nên chỉ muốn được hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội mà cả đời gắn bó.
Tôi kể kỹ chuyện này để thấy một điều, những chuyện “con ông cháu cha” được để mắt trước đây cũng có, nhưng cực kỳ ít và họ rất xứng đáng kế tục sự nghiệp Cách mạng của cha anh họ. Và theo tôi thì cũng là rất tốt cho Đảng, cho chế độ với điều kiện phải công tâm và khách quan, tuyệt đối không được nhồi nhét và nâng đỡ không trong sáng, chỉ vì người thân mà bỏ ngoài tai mọi dư luận. Như thế nhiều khi còn là có tội với đất nước và vô tình còn là cản bước những người tài năng thực thụ nhưng không còn chỗ, không còn cơ hội một khi còn tư tưởng bản vị, cục bộ của những người như cha anh họ.
Cuối cùng, tôi muốn nói, những phân tích, đánh giá các sự việc nêu trên là thể hiện quan điểm, góc nhìn về một vấn đề mà dư luận đang quan tâm, không hề mang tính quy chụp. Qua đó, mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ xem xét thấu đáo việc bổ nhiệm cán bộ của mình đã đúng và trúng chưa, nếu sai thì sửa, biết nhìn thẳng vào cái sai thì không bao giờ muộn; ngược lại, nếu cán bộ được bổ nhiệm đúng quy trình, thật sự có năng lực, xứng đáng, thì việc người đó là con cháu của ai cũng không quan trọng, bởi người tài thì đất nước thời nào cũng cần.
QUỐC PHONG