ISSN-2815-5823
Thứ năm, 05h48 06/08/2020

Eximbank bị tố vi phạm quyền cổ đông

(KDPT) – Sau Đại hội cổ đông thường niên 2020 lần 1 bất thành, Eximbank vừa bị ông Hoàng Đôn Hùng, người đại diện theo ủy quyền của một cổ đông Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) gửi đơn tố cáo lên thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước .

Dấu hiệu vi phạm pháp luật trong đơn tố cáo

Người ủy quyền cho ông Hùng là ông Nguyễn Đăng Khoa – một cổ đông sở hữu 1.879.200 cổ phần ở Eximbank. Nội dung đơn tố cáo ngày 27/7 vừa qua của ông Hùng cho thấy các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Eximbank, trong việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 và công bố thông tin.

Cụ thể, trong thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 2 dự kiến diễn ra vào ngày 29/7, Eximbank yêu cầu cổ đông phải xuất trình bản chính thông báo mời họp, nếu không, việc đăng ký tham dự sẽ do Ban kiểm tra tư cách cổ đông xem xét. Trường hợp cổ đông ủy quyền thì người được ủy quyền cũng phải xuất trình được bản chính thông báo mời họp và giấy ủy quyền có dấu mộc đỏ của Eximbank. Ông Hoàng Đôn Hùng khẳng định, các yêu cầu này của Eximbank là trái pháp luật, trái điều lệ ngân hàng, ngăn cản việc dự họp – quyền và lợi ích căn bản nhất của cổ đông.

Trong đơn tố cáo của ông Hùng có đoạn dẫn chiếu Điều 34 Điều lệ Eximbank: “Thông báo mời họp ĐHĐCĐ cho cổ đông là nghĩa vụ của Eximbank và tham dự họp là quyền của cổ đông. Khi thực hiện quyền này cổ đông chỉ cần chứng minh có quyền dự họp, cụ thể là có tên trong danh sách chốt cổ đông có quyền dự họp”. Mặt khác, căn cứ theo Khoản 5 Điều 113 Luật Doanh nghiệp và Khoản 1 Điều 4 Nghị định 71/2017, việc Eximbank quy định cho phép Ban thẩm tra tư cách cổ đông xem xét giải quyết trường hợp cổ đông không mang bản chính thông báo mời họp, nhưng xuất trình được giấy tờ tuỳ thân hợp pháp là sai luật rõ ràng, tạo ra bất bình đẳng, không công bằng giữa các cổ đông.

Bức xúc, ông Hùng còn dẫn chứng thêm các thông tin: Ngân Hàng Sumitomo Mitsui Banking(SMBC) với quyền hợp pháp của mình đã nhiều lần yêu cầu triệu tập Đại hội cổ đông bất thường, nhưng đã bị các thành viên HĐQT gồm: Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Lê Minh Quốc, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết và Saitoh không tôn trọng quyền cổ đông nước ngoài, trì hoãn tổ chức. Và sau sự việc trên, các thành viên HĐQT trên của Eximbank cũng đã bị thanh tra Ngân hàng Nhà nước xử phạt.

“Sóng ngầm” trong nội bộ

Vấn đề bất đồng trong nhân sự cấp cao HĐQT diễn ra trong suốt nhiệm kỳ 5 năm qua cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Thành viên HĐQT Eximbank hiện nay có 9 người, nhưng không tìm được tiếng nói chung trong suốt thời gian qua. Đơn tố cáo được gửi đi trong bối cảnh trên càng thể hiện rõ sự tranh chấp quyền lực ở ở Eximbank kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngược lại, ngày một nóng hơn giữa các nhóm cổ đông lớn và ngay trong nội bộ Hội đồng quản trị.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 lần 1 sáng ngày 30/6, chỉ có 17,54% cổ đông tham dự, dẫn tới bất thành. Ở cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 vào buổi chiều cùng ngày, dù cũng bất thành song tỷ lệ cổ phần tham dự lên tới 51,92%, cho thấy sự quan tâm lớn của cổ đông.

Trong khi Đại hội thường niên dự kiến bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới 2020-2025, thì Đại hội bất thường do cổ đông chiến lược SMBC triệu tập lại đặt vấn đề thanh lọc Hội đồng quản trị, giảm bớt số lượng thành viên và loại bỏ những vị trí thiếu uy tín bằng phương thức bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Theo Điều lệ và Luật Doanh nghiệp, ngân hàng này cũng phải triệu tập Đại hội bất thường năm 2019 lần 2 trong vòng 30 ngày, tức là chậm nhất vào ngày 29/7, dù vậy tới nay vẫn chưa có động thái cho thấy sự tuân thủ luật pháp của ban lãnh đạo Eximbank. Bên cạnh đó, Cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – đang nắm giữ 15% vốn cổ phần Eximbank – cũng có văn bản yêu cầu ngân hàng này tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 trước đại hội cổ đông thường niên lần 2. Tuy nhiên, không lâu sau khi bất thành lần 1, Eximbank đã triệu tập ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 2, dự kiến diễn ra vào ngày 29/7. Như vậy, Eximbank không có kế hoạch họp đại hội cổ đông bất thường lần 2 mà chỉ tổ chức đại hội thường niên. Việc HĐQT Eximbank sắp xếp để Đại hội thường niên diễn ra trước cho thấy toan tính rõ nét về việc “vô hiệu hoá” Đại hội bất thường – đáng ra phải được tổ chức trước.

Theo đó, việc Eximbank phải hoãn đại hội cổ đông thường niên lần 2 là điều có thể dự báo từ trước, do từ khi Eximbank công bố tổ chức, sóng gió đã liên tục nổ ra. Dù được dự báo từ trước, nhưng việc Eximbank liên tiếp hoãn đại cổ đông đến lần thứ 5, tính cả đại hội thường niên lẫn bất thường, khiến cổ đông thất vọng.

Theo phân tích của các cơ quan truyền thông thì Eximbank vẫn là một nhà băng hoạt động bình thường. Ngân hàng Nhà nước do đó không thể can thiệp quá sâu, mang tính áp đặt. Tuy nhiên với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, NHNN đủ thẩm quyền để “nắn” các nhóm cổ đông, Thành viên HĐQT dù tranh đấu với nhau song vẫn phải tuân thủ pháp luật, Điều lệ.

Bên cạnh sàng lọc danh sách ứng viên tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới thì những nội dung được cổ đông Eximbank mong chờ NHNN can thiệp là đảm bảo sớm tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, cũng như làm rõ tính pháp lý của vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.

HỒNG HẢI

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024