Kinh nghiệm GenZ cần nhớ trong đầu tư tài chính để làm giàu bền vững trong thời đại 4.0GenZ bỏ kinh doanh sang làm môi giới bất động sản, "sống khỏe" ở tuổi 24GenZ lương 16 triệu tiết kiệm 8 triệu/tháng: Mục tiêu mua đất, mua nhà trước tuổi 30

Hầu hết mọi người khi còn là sinh viên đều có thu nhập không cao, chủ yếu phụ thuộc vào tài chính của gia đình. Vì thế, nhiều người cũng không quan tâm lắm đến chuyện cân đối chi tiêu, họ cho rằng đây là chuyện của sau này, khi đã ra trường, đi làm và dư dả tiền bạc.

Trái ngược với quan điểm nói trên, nhiều sinh viên GenZ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã học cách quản lý tài chính, chăm chỉ làm thêm tiết kiệm để có mức lương dư dả, không cần phải xin tiền từ gia đình.

Nhiều sinh viên GenZ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã học cách quản lý tài chính, chăm chỉ làm thêm tiết kiệm để có mức lương dư dả, không cần phải xin tiền từ gia đình. (Ảnh minh họa)
Nhiều sinh viên GenZ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã học cách quản lý tài chính, chăm chỉ làm thêm tiết kiệm để có mức lương dư dả, không cần phải xin tiền từ gia đình. (Ảnh minh họa)

Đi làm thêm, tiết kiệm từng khoản nhỏ

Chia sẻ với Phụ Nữ Mới, Đăng Quý (21 tuổi, TP.HCM) cho biết, dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng GenZ này đã có mức lương hàng tháng là 12 triệu đồng từ công việc nhân viên phát triển web cũng như dạy thêm buổi tối.

Tuy nhiên, chàng trai trẻ cũng phải đánh đổi khá nhiều thứ để có được mức lương này. Cụ thể, GenZ cho hay: “Thời gian dành cho bạn bè hoặc tụ tập bên ngoài đã giảm đi rất nhiều. Mình thường xuyên phải tăng ca vào cuối tuần, các buổi tối trong tuần cũng phải ngồi làm việc. Nói chung, mình cảm thấy những thứ nhận được xứng đáng để mình có thể đánh đổi. Ngoài ra, mình cũng muốn phát triển thêm trong ngành này, thế nên sẵn sàng chịu khổ từ sớm để sau này có thể mua được nhà và xe”.

Không chỉ chăm chỉ đi làm từ sớm, Đăng Quý còn học cách quản lý tài chính cá nhân để tích lũy cho tương lai. Với mức lương 12 triệu đồng/tháng, chàng trai 21 tuổi dành 7 triệu đồng cho chi phí cá nhân và sinh hoạt, số tiền còn lại anh dành để đầu tư và gửi tiết kiệm.

Cụ thể, GenZ này phân bổ chi phí cá nhân như sau: 2,5 triệu đồng thuê nhà (Đăng Quý ở ghép cùng 2 người bạn khác tại căn nhà chung chủ), 2 triệu đồng tiền ăn uống; 2,5 triệu đồng cho những chi phí sinh hoạt khác như đi lại, vui chơi với bạn bè, học thêm để nâng cao kiến thức. Tất cả khoản chi cho cá nhân đều do Đăng Quý tự trang tải, trừ tiền đóng học phí 11-13 triệu đồng/kỳ là vẫn do bố mẹ chi trả.

Chia sẻ thêm, Đăng Quý bộc bạch: “Mình cảm thấy việc tiết kiệm tiền không hề khó, bởi mình là nam giới nên cũng không cần phải mua sắm quá nhiều. Hầu hết các khoản chi phí sinh hoạt của mình đều cố định, ít khi phát sinh thêm. Vì thế, việc quản lý đồng tiền đối với mình cũng khá dễ dàng”.

Hải Phương dù mới 22 tuổi nhưng đã có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông. (Ảnh minh họa)
Hải Phương dù mới 22 tuổi nhưng đã có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông. (Ảnh minh họa)

Tương tự, Hải Phương dù mới 22 tuổi nhưng đã có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Đang là sinh viên năm cuối, GenZ này đã sở hữu mức lương 12-14 triệu đồng/tháng mà khối người đã ra trường phải ao ước. Theo Hải Phương, thành tích của cô nàng trên trường không quá ấn tượng, bởi cô cũng xác định từ sớm sẽ đi làm nhiều hơn để tích lũy kinh nghiệm. Chưa kể, cô còn phải sắp xếp thời gian phù hợp để cân bằng giữa việc đi học và đi làm.

Hải Phương chia sẻ: “Căng thẳng nhất có lẽ là giai đoạn thi cuối kỳ. Mỗi lần như thế, mình phải xin giảm bớt khối lượng công việc để tập trung ôn thi. Chuyện mình chỉ ngủ được 5 tiếng/ngày vào những hôm gần thi là chuyện hết sức bình thường. Mình thường xuyên lên kế hoạch ôn tập trước ngày thi nửa tháng để tránh không bị điểm thấp hoặc vỡ kế hoạch”.

Do đi làm và có nguồn thu nhập từ sớm, Hải Phương hoàn toàn tự chủ tài chính. Mỗi tháng, cô nàng dành không quá 5 triệu đồng cho chi phí cá nhân. Số thu nhập còn lại, cô để dành hết gửi vào quỹ tiết kiệm.

Chi phí cá nhân được Hải Phương phân bổ cụ thể như sau: 1,6 triệu đồng/tháng đóng học phí; 1 triệu đồng để cà phê, xem phim và ăn uống bên ngoài; 1 triệu đồng mua mỹ phẩm, xăng xe, đồ dùng học tập. Số tiền còn lại để tích cóp đi du lịch. GenZ này chia sẻ thêm: “Mình cảm thấy bản thân sống như thế không quá tiết kiệm, bởi lối sống của bản thân là không đặt nặng vật chất”.

GenZ chia sẻ cách quản lý tiền tiết kiệm

Do đi làm từ sớm và biết cách chi tiêu hợp lý, đến nay Hải Phương đã có 70 triệu đồng tiết kiệm sau 4 năm học Đại học. Cô cho biết, bản thân dành dụm tiền khi trong đầu chưa có suy nghĩ về việc mua nhà hay mua xe, chỉ đơn thuần là do bản thân không cần dùng quá nhiều tiền, cộng thêm suy nghĩ cần dự phòng cho những trường hợp xấu trong tương lai. 

Với khoản tiền nhàn rỗi hàng tháng là khoảng 7 triệu đồng, Hải Phương không có nhiều kinh nghiệm để đầu tư hay mua vàng nên cô chọn cách đơn giản nhất là gửi tiết kiệm online của ngân hàng. 

Theo Đăng Quý, các bạn trẻ dù có thu nhập chưa cao cũng nên hình thành thói quen tiết kiệm và đầu tư, dù chỉ một chút cũng được. (Ảnh minh họa)
Theo Đăng Quý, các bạn trẻ dù có thu nhập chưa cao cũng nên hình thành thói quen tiết kiệm và đầu tư, dù chỉ một chút cũng được. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, Đăng Quý lại có cách tiết kiệm và quản lý tiền bạc bài bản hơn. Với khoảng 5 triệu đồng tiền nhàn rỗi mỗi tháng, anh chia làm 3 khoản là gửi tiết kiệm ngân hàng (30%), mua vàng (50%) và cuối cùng là mua chứng chỉ quỹ (20%).

Đối với gửi tiết kiệm, GenZ cho hay anh chọn cách gửi tiết kiệm online trên app ngân hàng. Còn vàng, cứ khi nào tích đủ tiền Đăng Quý sẽ mua 1 chỉ. Anh cứ để lâu dài, hạn chế bán nhất có thể. Số tiền còn lại Đăng Quý mua chứng chỉ quỹ và coi đây như tài khoản tiết kiệm luôn.

Theo Đăng Quý, các bạn trẻ dù có thu nhập chưa cao cũng nên hình thành thói quen tiết kiệm và đầu tư, dù chỉ một chút cũng được. Chi tiêu là quyền tự do mỗi người, nếu gặp khó khăn tài chính, cũng chỉ có bản thân là người tự đứng lên gánh vác mà thôi./.