ISSN-2815-5823

Giải pháp trọng tâm nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ

(KDPT) - Liên quan đến gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng, trong thời gian vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ có chủ trương làm việc với các các địa phương, các viện, các trường để có sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học của các trường và gắn với nhu cầu của địa phương.

Chiều ngày 7/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cho biết, kết quả giữa kỳ cơ cấu lại nền kinh tế và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy, nhiều vấn đề cần quan tâm trong gắn kết nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học và doanh nghiệp còn yếu. Nhiều kết quả nghiên cứu có thể chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được, chưa hoàn thiện về công nghệ và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, qua giám sát cho thấy đến nay mới lựa chọn được nhiệm vụ khoa học, chưa ký hợp đồng do kinh phí thực hiện.

Đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang chất vấn.
(Ảnh: TTXVN)

Với lý lẽ trên, đại biểu Tạ Minh Tâm đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết nhìn nhận về kết quả nêu trên, trách nhiệm và giải pháp trọng tâm của Bộ trưởng nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng theo tinh thần của Chính phủ đã thể hiện khi xây dựng dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2044 trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này?

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, câu hỏi này của đại biểu Tạ Minh Tâm đã nêu ra những vấn đề mà Bộ đã và đang trăn trở.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn.
(Ảnh: Quốc hội)

Liên quan đến gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng, trong thời gian vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ có chủ trương làm việc với các các địa phương, các viện, các trường để có sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học của các trường và gắn với nhu cầu của địa phương. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề ra chủ trương là tất cả những nhiệm vụ khoa học mang tính ứng dụng đều phải có sự tham gia của các đội ngũ nghiên cứu khoa học ở các trường phối hợp với địa phương để cùng nhau xây dựng những chương trình nghiên cứu để giải quyết được những vấn đề, những yêu cầu bức thiết của địa phương.

Về liên kết giữa các viện, trường và doanh nghiệp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng: "Đây là một mô hình mà ở các nước người ta ứng dụng rất có hiệu quả. Ví dụ như Hà Lan có mô hình gồm Nhà nước, doanh nghiệp và trường, viện. Nhà nước là nơi tạo môi trường, hệ sinh thái và thể chế. Trường, viện là nơi nghiên cứu. Doanh nghiệp là nơi thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo. Hiện nay, chúng ta cũng đang có chủ trương để xây dựng mô hình này trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam".

Về ứng dụng vào nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, trong thời gian qua, ngành khoa học, công nghệ có đóng góp rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo thống kê trong thời gian qua, khoa học, công nghệ đã đóng góp 30% trong sự phát triển của ngành nông nghiệp.

"Để liên kết giữa ngành khoa học với ngành nông nghiệp, vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có một ký kết phối hợp hoạt động giữa hai bộ để cùng triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ và ứng dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề về kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cho chương trình nông thôn mới, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm việc với Bộ Tài chính để bàn bạc, trao đổi, bố trí kinh phí này cho chương trình./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/01/2025