ISSN-2815-5823

Giao dịch ở Việt Nam, tiền chảy về Trung Quốc?

(KDPT) Hình thức thanh toán qua Alipay hay WeChat Pay tự động được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, theo các chuyên gia kinh tế sẽ khiến nền kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Thất thu lớn

Mối lo ngại về việc các dịch vụ ví điện tử AliPay , WeChat Pay có thể chiếm lĩnh thị trường thanh toán di động Việt Nam, đánh bạt ngân hàng, fintech… đã hiện hữu. Bởi đứng sau Alipay và WeChat Pay là tập đoàn Alibaba và Tencent của Trung Quốc đều đang đẩy mạnh việc cung cấp cho người dùng các dịch vụ khép kín gồm thương mại điện tử, thanh toán di động và cả mạng xã hội không chỉ ở Trung Quốc mà vươn ra cả Đông Nam Á, trong đó có VN.

Mới đây, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh phát hiện một cửa hàng tại địa phương chuyển trái phép hơn 200.000 Nhân dân tệ (khoảng 700 triệu đồng) về Trung Quốc mà không thông qua ngân hàng trung gian của Việt Nam. Trong vụ việc này, khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam đã mua hàng bằng thẻ nội địa Trung Quốc hoặc ứng dụng ví điện tử QR code AliPay, WeChat Pay, chứ không phải thẻ thanh toán quốc tế.

Điều đáng nói là, các máy POS được sử dụng để thanh toán đều do một số ngân hàng Trung Quốc phát hành, nhưng được “đặt chui” tại Việt Nam, kết nối Internet trực tiếp với AliPay, WeChat Pay và các ngân hàng/tổ chức thanh toán khác của Trung Quốc.

Với công nghệ hiện nay, khách Trung Quốc thậm chí không cần quẹt thẻ ở máy POS, mà chỉ cần sử dụng các ứng dụng AliPay, WeChat Pay để thanh toán tại chỗ. Chủ cửa hàng chỉ cần nhờ người đứng tên mở tài khoản tại Trung Quốc là có thể nhận tiền hoặc chuyển tiền lậu từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.

Tất nhiên, các giao dịch này không thông qua hệ thống Cổng Thanh toán quốc gia hay các ngân hàng và trung gian thanh toán của Việt Nam. Cơ quan quản lý Việt Nam cũng không thể có được dữ liệu về quy mô giao dịch, số lượt hay tần suất giao dịch.

Có dấu hiệu phạm pháp

Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, cho rằng không những chuyển ngân lậu mà hình thức này còn trốn thuế tại VN. Khi chưa được pháp luật cho phép mà những điểm bán hàng sử dụng những mã QR của nước ngoài trong thanh toán là đã vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng cần lập đoàn kiểm tra để thực hiện rút giấy phép kinh doanh. Do đây là hình thức sử dụng công nghệ trong thanh toán nên khá phức tạp nhưng cơ quan chức năng có thể phối hợp để giám sát được những hình thức chuyển ngân lậu này. Cơ quan chức năng có thể tra soát những giao dịch này ở những khu vực mà người nước ngoài thường xuất hiện như Quảng Ninh, Đà Nẵng…

TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM, nhận xét dường như hành lang pháp lý của VN chưa đủ quản lý hoạt động thanh toán điện tử đang bùng nổ. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo xu hướng di động sẽ ngày càng tăng cao trong nền kinh tế. Nhưng không bịt các lỗ hổng này sẽ khiến nguy cơ chảy ngân lậu gia tăng. Không chỉ nhà nước thất thu thuế từ các giao dịch chi tiêu trong nội địa mà chính sách tiền tệ cũng bị ảnh hưởng nặng. Do đó vấn đề đặt ra là kiểm tra và kiểm soát các hoạt động giao dịch thanh toán như thế nào để vẫn phát triển nhưng hạn chế được các thanh toán lậu. Cần phải có sự phối hợp mạnh mẽ hơn giữa ngân hàng nhà nước và cả các cơ quan liên quan để chặn các giao dịch “chui” tương tự cũng như các thanh toán sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ VN. Trước hết là cần phải vào cuộc điều tra những địa điểm có chấp nhận thanh toán ví điện tử “chui” và xử phạt nặng. Sau đó cần bổ sung chính sách phù hợp vì VN không thể cấm đoán xu hướng này mà phải tích cực phối hợp để phát huy điểm tích cực của nó.

Còn theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, làn sóng thanh toán bằng mã QR trên điện thoại đã lan rộng khi ngày càng có nhiều ngân hàng cung cấp dịch vụ này. Quan trọng nhất là vấn đề kiểm tra giám sát hoạt động thanh toán của ngân hàng nhà nước. Từ đó mới có thể hạn chế được các điểm bán hàng thanh toán “chui”. Hơn nữa, việc thanh toán di động này sẽ ngày càng lan rộng không chỉ ở VN mà khắp thế giới nên cần các dịch vụ để cung cấp cho người dùng trong và ngoài nước. Vì vậy bản thân hệ thống tài chính ngân hàng hay các công ty thanh toán trung gian cũng cần phải đầy mạnh hợp tác với nhau lẫn hợp tác quốc tế để cung cấp dịch vụ chính thống. Đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn giao dịch, tạo niềm tin và thu hút người sử dụng nhiều hơn.

Mai Phương

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024