ISSN-2815-5823
Đặng Nguyệt
Thứ tư, 14h53 20/03/2024

Giới đầu tư ngoại đánh giá cao bất động sản Việt Nam

(KDPT) - Nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính vững mạnh trước đây thường ưu tiên phương án đầu tư chiếm quyền kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng đầu tư bất động sản của họ đa dạng với nhiều hình thức từ góp vốn, đầu tư tài chính đến việc hợp tác kinh doanh…

Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn giới đầu tư ngoại

Tổng cục Thống kê cho biết ước tính, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Đó là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ghi nhận cao nhất của 2 tháng đầu năm trong nửa thập kỷ qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 10%, khoảng 279,3 triệu USD.

Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá cao về các yếu tố chính sách thông thoáng mang đến điều kiện đầu tư thuận lợi cho giới đầu tư ngoại.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, việc vay vốn các dự án đầu tư trở nên hấp dẫn hơn với mức lãi suất ổn định. Bên cạnh đó, lãi suất thấp cũng thúc đẩy tiêu dùng, trong đó có cả vay vốn mua bất động sản.

Việt Nam được đánh giá cao về các yếu tố chính sách thông thoáng mang đến điều kiện đầu tư thuận lợi cho giới đầu tư ngoại. (Ảnh minh họa) 
Việt Nam được đánh giá cao về các yếu tố chính sách thông thoáng mang đến điều kiện đầu tư thuận lợi cho giới đầu tư ngoại. (Ảnh minh họa) 

Chính phủ cũng đã triển khai chính sách tài khóa theo hướng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bên cạnh chính sách tiền tệ, có thể kế tới việc điều chỉnh giảm 2% thuế suất GTGT cho hầu hết các mặt hàng, hay gia hạn thời gian nộp thuế, nộp tiền thuê đất trong năm 2023, giảm tiền thuê đất nộp trong năm 2023.

Nhiều nghị định, nghị quyết được thông qua năm 2023 giúp hỗ trợ thị trường như Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 33/NQ-CP, gói 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Thông tư 06/2023/TT-NHNN, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Nhà ở sửa đổi đã được phê duyệt. Những chính sách này được kỳ vọng tăng tính ổn định và dự báo cho thị trường bất động sản, và đem đến cơ hội lớn cho giới đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án đầu tư bất động sản.

Bước sang năm nay, Chính phủ định hướng tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng và nới lỏng chính sách tiền tệ với mục đích đảm bảo thu ngân sách cùng với hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hồi phục và kích thích tăng trưởng.

Theo ông Nguyễn Trọng Toàn - Quản lý Bộ phận Đầu tư, Savills Hà Nội, Việt Nam cho thấy sự ổn định về cả tình hình chính trị và bối cảnh vĩ mô. Đó là nơi có nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ hậu đại dịch, với mức lạm phát duy trì thấp và tỷ giá được kiểm soát ổn định hơn trong tương quan với các nước trong khu vực.

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư bất động sản đáng chú ý của các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản nước ngoài. (Ảnh minh họa) 
Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư bất động sản đáng chú ý của các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản nước ngoài. (Ảnh minh họa) 

Bởi vậy, Việt Nam vẫn duy trì là điểm đến đầu tư bất động sản nổi bật của các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản nước ngoài ở những phân khúc và vị trí có dư địa phát triển tốt.

Nhà đầu tư ngoại tìm kiếm cơ hội ở nhiều phân khúc bất động sản

Ông Nguyễn Trọng Toàn cho biết trong năm 2024, mỗi phân khúc của thị trường bất động sản Việt Nam đều có những điểm nhấn đầu tư riêng thu hút giới đầu tư ngoại.

Chẳng hạn, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản và có xu hướng phát triển các dự án có tính thương hiệu riêng của mình với phân khúc bất động sản nhà ở trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và nhu cầu nhà ở của người dân tăng cao. Các chủ đầu tư nước ngoài có lợi thế về ý tưởng thiết kế, thương hiệu cùng chất lượng và tiêu chuẩn xây dựng, do đó các sản phẩm phát triển dù ở phân khúc cao cấp vẫn luôn được thị trường đón nhận khả quan.

Ngoài ra, phân khúc bất động sản văn phòng cũng nhận được sự quan tâm đáng kể. Quan sát của Savills cho thấy thị trường ghi nhận sự tăng trưởng của nguồn cầu từ khối doanh nghiệp sản xuất và tư vấn, năng lượng giúp duy trì tỷ lệ lấp đầy ổn định.

Đáng chú ý, xu hướng thị trường văn phòng tại các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM mở ra cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài có năng lực đầu tư và định vị sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh, kể tới các chứng chỉ như WELL, LEED, BREEAM…

Về mảng bán lẻ, sự tham gia của các ông lớn về lĩnh vực này đã làm nổi bật sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam. Các nhà đầu tư lớn đang đẩy mạnh tìm kiếm quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án bất động sản thương mại dịch vụ hiện đại với quy mô lớn, chú trọng vào trải nghiệm của người dùng.

Các nhà đầu tư lớn đang đẩy mạnh tìm kiếm quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án bất động sản thương mại dịch vụ hiện đại tại Việt Nam. (Ảnh minh họa) 
Các nhà đầu tư lớn đang đẩy mạnh tìm kiếm quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án bất động sản thương mại dịch vụ hiện đại tại Việt Nam. (Ảnh minh họa) 

Ông trùm bất động sản bán lẻ Central Pattana - một thành viên của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group hồi đầu tháng 2/2024 đã rục rịch thành lập pháp nhân ở Việt Nam để gia nhập thị trường bán lẻ sôi động này. Trước đó, sau khi mở đại siêu thị Emart thứ ba tại TP.HCM, công ty đã cho thấy chiến lược mở rộng đại siêu thị thứ 4 tại phía Bắc với việc mua lại quỹ đất rộng 2,4 ha ở khu đô thị Tây Hồ Tây.

Theo ông Toàn chia sẻ, nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính vững mạnh trước đây thường ưu tiên phương án đầu tư chiếm quyền kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng bất động sản đầu tư của họ đa dạng với nhiều hình thức từ góp vốn, đầu tư tài chính đến việc hợp tác kinh doanh…

Bên cạnh đó, sau thời gian tìm hiểu về thị trường, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng mở rộng phạm vi về địa điểm của dự án, nhất là trong việc nghiên cứu cơ hội đầu tư tại các khu vực ngoài các thành phố lớn./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024