Hà Nội nghiên cứu xây sân bay quốc tế thứ hai và đầu tư Vành đai 5
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Chương trình hành động đã xác định 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu đến năm 2025, đến năm 2030 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, quyết tâm đưa Nghị quyết số 15-NQ/TW đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. |
Phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới
Về nhiệm vụ, giải pháp "Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực", Chương trình hành động của Thành ủy chỉ rõ 6 nội dung cụ thể.
Trong đó, Hà Nội xác định đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội.
Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới (kinh tế đô thị, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm…) gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
Mục tiêu là năng suất lao động tăng bình quân năm 2025 đạt 7,0-7,5%, năm 2030 đạt 7,5%; đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố.
Thành phố sẽ ưu tiên phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước...
Hà Nội cũng sẽ tập trung phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị; tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo; chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo hướng "Make in Viet Nam" - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam...
Thành phố tiếp tục phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch; trong đó tập trung phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô gắn với việc thực hiện cam kết quốc tế và tiêu chí khi tham gia mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO.
Về phát triển nông nghiệp, Hà Nội tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hóa; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; rà soát quy hoạch đất đai và bố trí lại các vùng, các xã trọng điểm sản xuất chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn...
Phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2025 đạt 70%; năm 2030 đạt 80%.
Đầu tư cho giáo dục, văn hóa
Hà Nội sẽ tập trung phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô thông qua nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chương trình "Hội tụ tinh hoa và cộng hưởng sức mạnh văn hóa Quốc gia" với nhiều nội dung, cách thức thể hiện phong phú.
Thành phố quyết liệt triển khai Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo; tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia.
Hằng năm, thành phố bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách để chi đầu tư cho văn hóa; tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội...
Phấn đấu Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,86-0,88 vào năm 2025 và khoảng 0,88-0,90 vào năm 2030.
Có cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; hệ thống trường có nhiều cấp học, trường chất lượng cao; các loại hình liên kết đào tạo trong nước và quốc tế.
Đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông
Thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai (đầu tư khép kín 07 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5), hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch.
Đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống tạo điểm nhấn về kiến trúc gắn với quy hoạch các công trình hiện đại hai bên bờ sông. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.
Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc gắn với xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng logistics hiện đại.
Hà Nội sẽ nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc. |
Đối với phát triển đô thị, thành phố sẽ tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Phấn đấu đến năm 2025 có 3 - 5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1 - 2 huyện phát triển thành quận.
Hà Nội cũng sẽ quyết liệt triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô; tập trung huy động nguồn lực xây dựng lại các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D, hư hỏng xuống cấp hết niên hạn và một số khu chung cư được lựa chọn để đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, tạo tác động lan tỏa.
Thành phố cũng xác định sớm tổng kết mô hình thí điểm việc thực hiện không tổ chức HĐND cấp phường trên địa bàn Hà Nội, hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi và tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Sớm hoàn thiện Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội gắn với việc xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 của HĐND Thành phố về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội.
Chương trình hành động cũng nêu cụ thể định hướng nghiên cứu, đề xuất theo 3 nhánh gồm: Thể chế; cơ chế, chính sách và cơ chế phân cấp, phân quyền.