Hai “thái cực” của môi giới BĐS Việt Nam: Người bỏ nghề, người lĩnh trăm triệu/tháng
Khi nói về mức thù lao của môi giới bất động sản thì sẽ không có mức thu nhập ổn định. Bởi vì tiền lương của những chuyên viên môi giới chủ yếu đến từ hoa hồng. Vậy nên, người môi giới nào bán được nhiều hàng thì tiền thu về sẽ càng nhiều.
Có 70% môi giới bất động sản bỏ việc khi thị trường khó khăn
Làm nghề môi giới bất động sản được gần 1 năm, chị Ngọc Trang (24 tuổi) ở Hà Tĩnh hiện nay đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương cho hay, mức thu nhập bình quân 1 tháng của chị khoảng 15-17 triệu đồng. Với một cô gái vừa mới ra trường thì số tiền này đã đủ cho chị Trang chi tiêu các khoản cá nhân, tiền trọ và cũng có một số tiền tích lũy nhỏ.
Phân khúc mà chị Trang cho thuê là căn hộ và bán những căn hộ chung cư. Ở công ty chị Trang thì mỗi tháng cố định chị nhận về 2,5 triệu đồng, đây chính là chi phí hỗ trợ marketing cho cá nhân, ví dụ như trả phí đăng bài ở trên các hội nhóm bán nhà, các trang web bất động sản,...
Còn về chế độ nhận hoa hồng, chị Trang cho biết, nếu môi giới để cho thuê căn hộ thì tiền thuê nhà tháng đầu tiên của khách hàng sẽ gửi lại công ty. Mặc dù vậy, môi giới chỉ được hưởng lại 45% số tiền. Còn với việc môi giới bán căn hộ, khoản tiền khách hàng chi trả dịch vụ cho doanh nghiệp thì môi giới sẽ nhận được 55%.
Chị Trang cho biết: “Trên thực tế thì không phải tháng nào môi giới cũng chốt deal thành công. Như tôi có tận 2-3 tháng không cho thuê hay là bán được căn nào. Chính vì thế mà tháng có bù tháng không cho nên thu nhập mới từ 15-17 triệu đồng/tháng”.
Cũng có cho mình mức thu nhập ổn định như chị Trang, chị Nguyễn Duyên (35 tuổi) ở Hà Nội là nhân viên môi giới ở trên địa bàn chia sẻ rằng, ở công ty hầu hết các môi giới không có lương cứng, mỗi tháng chỉ được hỗ trợ 2 triệu đồng chi phí xăng xe đi lại. Và chỉ có những chức vụ quản lý thì mới có mức lương cố định.
Khi nói về thu nhập của mình, chị Duyên cho biết, số tiền này chủ yếu đến từ khoản hoa hồng bán nhà. Theo như cơ chế khi bán một căn hộ thì công ty sẽ thu 1-3% số tiền bán nhà của khách hàng và môi giới sẽ nhận 50% từ số tiền đó.
Nữ môi giới này cho biết: “Mỗi tháng bình quân tôi thu về khoảng 25-30 triệu đồng, có nhiều tháng sẽ cao hơn bởi phân khúc nhà ở như chung cư vẫn có nhiều người mua”.
Tuy nhiên thì không phải ai cũng có được may mắn khi sở hữu mức thu nhập như chị Duyên hay như chị Trang. Có nhiều chuyên gia bất động sản cho biết, nghề môi giới bất động sản là nghề dễ đến tuy nhiên cũng dễ đi. Bởi vì không phải ai cũng nhận được sự đào tạo một cách chỉnh chu và có nền tảng kiến thức tốt.
Chị Thu Trinh (27 tuổi) hiện nay đang là nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho biết, thời điểm giữa năm 2023, công ty cũ chị tiến hành cắt giảm nhân sự và không may mắn chị nằm trong danh sách đó. Lúc đó, được người quen giới thiệu sang làm môi giới bất động sản, trong lúc thu nhập bị đứt quãng thì thị Trinh đã quyết gia nhập thị trường này.
Chị Trinh cho biết: “Không hiểu sao, hay do duyên mà làm mấy tháng trời tôi chỉ bán được đúng 1 căn nhà, sau khi chia chác với mấy anh em làm cùng thì tôi nhận về được khoảng 13 triệu đồng. Gần 6 tháng tôi chỉ sống với mấy đồng phụ cấp ít ỏi và số tiền 13 triệu đồng đó. Thấy không ổn định cho nên ra Tết tôi đã xin công việc khác”.
Có thể thấy, hiện tượng này ở trên thị trường không hề hiếm. Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tính đến cuối năm 2023 đã có đến 70% môi giới bất động sản chuyển nghề hoặc là rời bỏ ngành trong thời gian gần đây. Còn trước đó, số lượng môi giới bất động sản chỉ khoảng 300.000 người tuy nhiên hiện nay chỉ còn khoảng 100.000 người tiếp tục hoạt động.
Kinh nghiệm “gia tăng thu nhập” cho môi giới bất động sản
Ghi nhận, bởi vì hưởng theo sản phẩm bán được cho nên thu nhập của môi giới bất động sản không có giới hạn. Có nhiều nhân viên môi giới có kiến thức chắc chắn và được đào tạo kỹ lưỡng, hiểu tâm lý của khách hàng cho nên tỷ lệ chốt đơn tốt, đồng nghĩa với chất lượng cao.
Anh Đặng Linh sống ở Hà Đông là một trường hợp điển hình. Theo đó, có thời điểm trong 1 tháng anh chốt được 5 căn hộ. Lúc đó thì anh thu về hơn 200 triệu đồng tiền hoa hồng.
Anh Linh cho biết: “Thời gian gần đây, thị trường tốt lên nên thu nhập của tôi cũng đều đều, cũng hơn 100 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên thì nhiều anh em trong nghề còn cao hơn, nhất là đối với môi giới ở phân khúc bất động sản cao cấp”.
Không thể phủ nhận rằng, nhân viên môi giới bất động sản có vai trò quan trọng trên thị trường, đây chính là đối tượng tạo ra nhiều giao dịch trên thị trường. Chính vì thế mà muốn cho thị trường bất động sản phát triển thì người môi giới cũng cần gia tăng thu nhập để theo nghề.
Để có thể gia tăng thu nhập trong nghề môi giới, VARS cho biết, các nhà môi giới cần phải năng cao kiến thức cũng như kỹ năng, sử dụng công nghệ một cách hiệu quả.
Cùng với đó, môi giới cũng cần phải nắm vững và áp dụng đúng các quy định pháp luật mới, nâng cao kỹ năng giao tiếp và đàm phán đồng thời tận dụng công nghệ cũng như hệ thống quản lý để có thể tối ưu hóa quy trình làm việc. Để từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Chủ tịch Tập đoàn G6 - ông Nguyễn Anh Quê cho biết, việc đi học và có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản đang trở thành một xu hướng trong năm 2024. Những người có tham vọng cũng như mục tiêu dài hạn đối với nghề thì sẽ thành lập doanh nghiệp sau khi đã trang bị đầy đủ kiến thức lẫn kinh nghiệm.
Mặc dù vậy thì ông Quê cũng nhấn mạnh rằng, cần phải có sự quản lý một cách chặt chẽ và cân nhắc về việc phân biệt giữa các loại doanh nghiệp có chức năng tư vấn môi giới cũng như sàn giao dịch bất động sản để có thể tránh lặp lại các vấn để xảy ra ở trong quá khứ.
Nói về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gooroo Group - TS. Nguyễn Quốc Huy cho biết, môi giới bất động sản cần phải rèn luyện cũng như nâng cấp chuyên môn. Trong đó thì tập trung vào kiến thức bổ trợ và tài chính, pháp lý cho đến khả năng quản trị, đầu tư tài chính, marketing và truyền thông để có thể tiếp cận được khách hàng, phong thủy nhằm tư vấn cho khách hàng tốt nhất, dễ chốt giao dịch.
Hiện nay thì các sàn giao dịch, nhà môi giới chỉ chú trọng vào giới thiệu những sản phẩm đang bán mà quên đi mất việc quảng cáo các dịch vụ và sản phẩm đang cung cấp. Điều này vô hình trung đã làm mất đi điểm chạm đối với những khách hàng có nhu cầu tìm kiếm dịch vụ.
Tuy nhiên nguyên tắc của kinh doanh đó chính là phải tìm khách hàng trước khi bán hàng. Chính vì thế, ông Huy nhấn mạnh, môi giới và sàn giao dịch muốn định vị thương hiệu thì cần phải đi sâu vào phân tích, nhận định nỗi đau của từng khách hàng. Để từ đó giới thiệu những sản phẩm cũng như dịch vụ đang cung cấp để có thể tiếp cận được với khách hàng một cách tự nhiên, dồi dào.
Bên cạnh đó, cũng phải biết cách ứng dụng những sản phẩm công nghệ vào quá trình hành nghề. Và việc này sẽ giúp môi giới bất động sản dễ dàng tiếp cận được với tệp khách hàng tiềm năng. Đáng chú ý, khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được thông qua cũng đã mở rộng cho người Việt Nam ở nước ngoài được tiếp cận với việc mua bán bất động sản./.
- Chuyên gia: Cần “nâng chất” cho lực lượng môi giới bất động sản để phù hợp với chu kỳ mới
- Dù đông khách hỏi, môi giới bất động sản tỉnh vẫn rơi vào tình trạng “mòn mỏi” đợi khách
- “Cuộc chiến sinh tồn” của lực lượng môi giới bất động sản