ISSN-2815-5823
Thứ tư, 02h44 31/10/2018

Hành trình 10 năm cùng những con đường giảm áp lực giao thông cho Thủ đô

(KDPT) – Có thể nói, ùn tắc giao thông đang là một vấn đề nan giải đối với hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, kể cả các quốc gia phát triển cũng như các quốc gia đang phát triển.

Nắm bắt được tình hình đó, ngay sau khi Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính được thông qua UBND TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp cũng như xây dựng nhiều công trình giao thông mới nhằm giảm tải áp lực ùn tắc cho Thủ đô. Điều này đã đem đến diện mạo nhiều màu sắc cho thành phố, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tốc độ đô thị hóa cao là một trong những nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông do cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đô thị không đáp ứng sự kịp với gia tăng về nhu cầu giao thông. Bên cạnh đó, hệ thống đường bộ yếu và không đồng bộ là nguyên nhân đầu tiên làm cho hiệu quả khai thác năng lực phương tiện vận tải kém và gây ùn tắc giao thông tại thành phố, số cầu trên quốc lộ có tải trọng không đồng cấp với đường còn khá nhiều. Trước hiện trạng trên, vấn đề đáng quan tâm của ngành giao thông vận tải Hà Nội không phải là tìm giải pháp gia tăng số xe mà là nâng cao hiệu suất khai thác phương tiện. Chính vì thế, những tuyến đường trọng điểm như Cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, Đại lộ Thăng Long… đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu ùn tắc tại thủ đô.

Cầu Nhật Tân khởi công năm 2009, thông xe năm 2015, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Cầu Nhật Tân là cầu dây văng đầu tiên của Hà Nội với tổng chiều dài gồm đường dẫn là 8.900m, phần chính cầu dài 1.500m. Sáu nhịp dây văng kết hợp cùng 5 trụ tháp hình thoi – tượng trưng cho 5 cửa ô. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, gồm vốn vay từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Mặt cầu rộng 33,2m với 8 làn xe cho cả hai chiều, chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe buýt, 2 dải hỗn hợp, phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ.

Được khánh thành đồng bộ với đường Nhật Tân – Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc hiện đại, rút ngắn gần một nửa thời gian di chuyển từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới Trung tâm Hà Nội. Con đường này mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tổng chiều dài là 12km được thông xe vào tháng 1/2015; điểm đầu nối với cầu Nhật Tân và điểm cuối nối sân bay Nội Bài. Tuyến đường được đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng. Con đường này cũng được mệnh danh là con đường “ngoại giao” của Hà Nội, nơi thường xuyên có các đoàn khách quốc tế đi từ Nội Bài về Trung tâm Hà Nội.

Tuyến đường huyết mạch kết nối quận, huyện phía Tây Thủ đô với trung tâm thành phố là Đại lộ Thăng Long cũng được hoàn thành vào tháng 10/2010 với chiều dài hơn 30km, chiều rộng 140m. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.

Tuyến đường Trần Hữu Dực được thông xe tháng 4/2017 đã tạo điều kiện phát triển không gian đô thị, mạng lưới dịch vụ, thương mại, kết nối các trung tâm văn hóa, làng nghề… gắn kết các khu kinh tế hiện có tạo thành hệ thống bổ trợ cho nhau thúc đẩy phát triển kinh tế dân sinh toàn thành phố và khu vực quận Nam Từ Liêm. Giao điểm nút giao giữa các khu đô thị Xa La, Đường 70 và đường Nguyễn Xiển gần công viên Chu Văn An đi Hà Đông cũng là một trong những nút giao trọng điểm của khu vực. Tuyến đường này có mặt cắt ngang 50m nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cao của cư dân đô thị.

Ngoài những cây cầu trọng điểm kết nối hạ tầng giao thông Thủ đô, tạo điều kiện cho người dân trong khu vực đi lại thuận tiện hơn, còn phải kể đến Cầu Vĩnh Tuy – một trong đường dẫn phía Đông của Hà Nội. Điểm cuối cầu Vĩnh Tuy dẫn đến khu đô thị cao cấp tại quận Hai Bà Trưng. Trong tương lai, khu vực này sẽ hình thành cây cầu hiện đại, kết nối đến tổ hợp khu đô thị sang trọng tại quận Thanh Xuân. Royal City – các khu đô thị tại quận Thanh Xuân nằm trên đường Nguyễn Trãi, khu vực có đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông chạy qua. Hệ thống đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Công trình này được kỳ vọng giảm tải áp lực giao thông cho thành phố bắt đầu từ quý IV/2018.

Bên cạnh những công trình trọng điểm nêu trên UBND thành phố Hà Nội cũng đã cho nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị đang xuống cấp, tiến hành nâng cấp mở rộng một số tuyến đường trục chính, triển khai quy hoạch và xây dựng thêm các bãi đỗ xe trong thành phố, xây dựng thêm một số tuyến xe buýt nhanh (BRT), để góp phần giảm áp lực giao thông cho mạng lưới đường đô thị hiện tại. Đồng thời, UBND thành phố cũng đã cho tăng cường công tác tuần tra, giám sát và xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi cố tình vi phạm luật lệ giao thông nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, góp phần làm giảm các nguy cơ về UTGT do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông gây ra.

Căn cứ định hướng của Đảng và Nhà nước, UBND thành phố Hà Nội xác định mục tiêu đến năm 2020, hệ thống giao thông thành phố cần cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đảm bảo chất lượng ngày càng được nâng cao, kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường để tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố thông minh và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Theo Báo Công thương



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/10/2024