Hình dáng hai hộ chiếu mẫu mới (bìa trái) và mẫu cũ (bìa phải).
Hộ chiếu mẫu mới (bìa trái) và mẫu cũ (bìa phải).

Trước đó, theo thông báo của Đại sứ quán Đức ngày 27/7, Cơ quan Nội vụ Đức tạm thời chưa công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam, được cấp từ ngày 1/7, vì thiếu thông tin về nơi sinh.

Nhà chức trách Đức lý giải hộ chiếu không ghi nơi sinh thì không thể xác định được rõ ràng người mang hộ chiếu, đặc biệt nhiều trường hợp trùng họ. Đối với cơ quan chính quyền ở Đức, việc tìm nơi sinh thông qua số định danh trong hộ chiếu là không thể thực hiện được.

Do đó, Đức sẽ không thể cấp thị thực vào những hộ chiếu thuộc mẫu mới màu xanh tím than có số series bắt đầu bằng chữ “P”. Người mang mẫu hộ chiếu mới sẽ không được nhập cảnh vào Đức để lưu trú ngắn hạn.

Về vấn đề này, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) khẳng định, hộ chiếu mới của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở đúng luật, đúng quy định, đúng quy chuẩn ICAO quốc tế.

Trên thực tế, hộ chiếu mới cũng hiển thị nơi sinh (nơi đăng ký khai sinh) dưới dạng mã số trong hộ chiếu. Đây chính là số định danh cá nhân (là số căn cước công dân 12 số). Với căn cước công dân 12 số, theo Điều 7 Thông tư 07/2016/TT-BCA thì 3 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân đăng ký khai sinh, 1 chữ số tiếp theo là mã giới tính của công dân; 2 chữ số tiếp theo là mã năm sinh của công dân; 6 chữ số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.

Ví dụ, người sinh ra ở Hà Nội thì 3 số đầu tiên trên dãy số căn cước sẽ là 001, TPHCM là 079…

Nói cách khác, hộ chiếu mới có hiển thị nơi sinh nhưng dưới dạng mã số chứ không phải dạng chữ như hộ chiếu cũ.

Bởi vậy, để đối chiếu và tìm nơi sinh của người Việt Nam có hộ chiếu mới thì một số nước (trong đó có Đức) lại không thể truy cập được dữ liệu và chỉ có thể đối chiếu bằng tay thông qua danh sách “quy đổi” từ mã số sang danh sách tỉnh - thành của Việt Nam. Việc này phức tạp và mất nhiều thời gian trong quá trình nhập cảnh và phía Đức đã tạm thời không công nhận những cuốn hộ chiếu của Việt Nam được cấp từ ngày 1.7 tại Việt Nam như nêu ở trên.

Hiện, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã liên hệ đề nghị gặp đại diện Bộ Ngoại giao Đức và Cảnh sát liên bang Đức để trao đổi cụ thể giúp nhanh chóng tháo gỡ vấn đề liên quan tới hộ chiếu mới của Việt Nam.

Theo các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, tại Việt Nam việc cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới vẫn diễn ra bình thường.

So với mẫu cũ, mẫu hộ chiếu phổ thông mới có nhiều cải tiến. Mẫu hộ chiếu mới được thiết kế công phu, trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước như: Vịnh Hạ Long, kinh đô Huế, đền Hùng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, cảng Nhà Rồng, cột cờ Lũng Cú, cổng Tò Vò - đảo Lý Sơn… góp phần khẳng định và quảng bá những hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam. Hơn nữa, mẫu hộ chiếu phổ thông mới đảm bảo các kỹ thuật bảo an, khó làm giả.

Để khai cấp hộ chiếu phổ thông, công dân truy cập Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, đăng nhập, điền đầy đủ thông tin đề nghị cấp hộ chiếu, địa chỉ email, đăng tải ảnh chân dung (để in trên hộ chiếu), lựa chọn hình thức nhận hộ chiếu (qua dịch vụ bưu chính hoặc đến cơ quan xuất nhập cảnh nhận trực tiếp), địa chỉ nhận hộ chiếu, thanh toán lệ phí trực tuyến khi được cán bộ tiếp nhận hồ sơ gửi yêu cầu. Trường hợp công dân không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ công mức độ 4 hoặc có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp thì áp dụng quy trình đăng ký, tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp hộ chiếu hiện hành.