ISSN-2815-5823

Hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng, sản phẩm hàng hóa

(KDPT) – Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng là sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản có liên quan.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định đánh giá cao những kết quả nổi bật mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã đạt được trong năm vừa qua. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cơ bản mà Tổng cục cần thực hiện trong thời gian sắp tới.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Hội nghị.

Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong năm 2021, Tổng cục đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ…

Đặc biệt, Tổng cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với các thủ tục hành chính của Bộ KH&CN và duy trì 6 thủ tục hành chính kết nối với Cổng Thông tin một cửa quốc gia.

Nhờ đó, “đã có hơn 88.000 lượt hồ sơ thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN được giải quyết trong năm 2021, góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và chỉ số cải cách hành chính của Bộ KH&CN”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết.

Tổng cục cũng đã tổ chức tiếp nhận, thẩm định, trình công bố 389 TCVN và 39 dự thảo QCVN của các bộ, ngành xây dựng; hướng dẫn, góp ý 25 quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) đã góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, năng suất chất lượng, nâng cao năng lực doanh nghiệp, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn.

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Đặc biệt, trong năm 2021, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được Tổng cục chú trọng nâng cao, trong đó đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức thẩm định, trình Bộ KH&CN công bố 61 TCVN về trang thiết bị y tế, trong đó có nhiều TCVN quan trọng về khẩu trang, găng tay y tế, áo choàng y tế, mũ trùm đầu y tế… phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, Tổng cục tiếp tục duy trì việc cung cấp miễn phí 18 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế (máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn…), lĩnh vực về quản lý rủi ro đặc thù cho ngành thiết bị y tế…

Trong công tác hợp tác quốc tế, Tổng cục đã hoàn thành tốt vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam tham gia với tư cách thành viên tại 14 tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đặc biệt là hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) và Chủ tịch Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ).

Lộ trình cụ thể trong tương lai

Đánh giá cao kết quả hoạt động của Tổng cục trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đề nghị trong năm tới, Tổng cục cần tiếp tục có lộ trình cụ thể nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản có liên quan sao cho phù hợp với các cam kết tại Hiệp định CPTPP, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới và đáp ứng tình hình thực tiễn. “Việc sửa luật phải đáp ứng hai yêu cầu, đó là làm sao vừa tăng cường quản lý nhà nước nhưng phải vừa tạo động lực mới cho doanh nghiệp dùng sức mạnh của tiêu chuẩn đo lường chất lượng trở thành năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới (trong đó đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ ứng dụng, phát triển các công nghệ cao, phục vụ phát triển năng lượng quốc gia, tiêu chuẩn về môi trường, năng lượng tái tạo…) theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực bảo đảm phục vụ quản lý, trang bị kịp thời cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và đặc biệt là tập trung xây dựng đề án chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.

Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng yêu cầu xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng tinh gọn, nâng cao năng suất, kế thừa các hệ thống điện tử công nghệ thông tin đã được đầu tư; tập trung, ưu tiên nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế để tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế…

Đối với các chương trình, đề án quốc gia như Chương trình 1322 về nâng cao năng suất chất lượng, Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc, Đề án 996 về bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; Quyết định số 36/QĐ-TTg về kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo… cần có cách tiếp cận mới, linh hoạt hơn, bảo đảm huy động được các nguồn lực xã hội cùng tham gia thực hiện.

HOÀNG MỸ

Bạn đang đọc bài Hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng, sản phẩm hàng hóa
tại chuyên mục Khoa học & Công nghệ.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
03694529040977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024