Vùng Tây Nam bộ nước ta là một vịnh lớn của biển Thái Bình Dương rộng khoảng 400.000km2, trầm tích sông Me Kong mới chỉ bồi lấn kiến tạo đất liền gần 40.000km2, còn không gian biển đảo rộng 360.000km2 có tiềm năng phong phú về nguồn lợi thủy sản, sinh vật biển, khoáng sản và lợi thế giao thương quốc tế…

Hệ sinh thái kinh tế biển ở Phú Quốc.

Có truyền thống và đổi mới về ý thức

Đi dọc theo chiều dài 730km bờ biển từ Vàm Láng (Gò Công - Tiền Giang) tới Hà Tiền (Kiên Giang), còn thấy những ngôi miếu thờ cá Ông (cá voi) và lễ hội nghinh Ông – một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh của ngư dân duy trì từ thế kỷ 18 và cả bia tưởng niệm hàng ngàn ngư dân tử nạn trên biển Tây Nam trong cơn bão Linda - 1997.

Cuộc mưu sinh trên biển Tây Nam đã diễn ra từ những ngày đầu cha ông mở cõi với nhiều hiểm nguy rình rập, khó lường, cá voi là điểm tựa tinh thần của ngư dân trước sóng, gió trên biển nước nhưng đã không thể giúp hàng ngàn người vượt qua thảm họa thiên tai. Sự ỷ lại vào ưu đãi từ thiên nhiên của người miền Tây đã bị đánh chìm từ thảm họa bão Linda và được nhắc lại bằng một vùng áp thấp trên biển Đông đúng vào ngày nó đã xảy ra vào 20 năm sau đó. Kể từ đó, ý thức ứng phó nhanh, an toàn, hiệu quả, thể hiện quan hệ phối hợp của các bộ phận trong đất liền với người, phương tiện hoạt động ngoài biển, đảo đã và đang không ngừng được thắt chặt, rút ngắn khoảng cách bằng giải pháp ứng dụng công nghệ.

Những năm gần đây, hàng trăm ngàn tàu thuyền đánh bắt gần bờ, xa bờ trên biển Tây Nam đang được khuyến khích phổ biến ứng dụng máy dò luồng cá, máy lọc nước biển thành nước ngọt, công nghệ mới bảo quản sản phẩm, trang bị Rada hàng hải, máy thông tin liên lạc tầm xa tích hợp định vị vệ tinh GPS để cập nhật diễn biến thời tiết, kịp thời ứng phó, nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp pháp lý quốc tế.

“Trước, trong và sau khi buông lưới bà con đều ghi chép tọa độ vị trí con tàu, hải sản bắt được ghi rõ chủng loại, số lượng; vô đến bờ được kiểm tra, cấp giấy mới cập cảng lên hàng, nhập hàng… làm bài bản vậy có lợi cho ngư dân, ngư trường” - Ông Võ Đăng Khoa, Thuyền trưởng tàu KG 95671, cho biết. Ở tỉnh Kiên Giang và các địa phương ven biển miền Tây, giờ đây cán bộ Chi cục Thủy sản ngồi tại phòng làm việc trong đất liền có thể theo dõi, giám sát, hỗ trợ ngư dân thông qua phần mềm công nghệ thông tin kết nối thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên 3.000 tàu đánh bắt xa bờ.

Các hoạt động khai thác dầu khí từ bể trầm tích dưới thềm lục địa (rộng 800.000km2), giao thương hàng hải với các quốc gia láng giềng như Malaysia, Thái Lan, Campuchia,… và sinh hoạt của hàng trăm ngàn cư dân với phong trào nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, phát triển du lịch sinh thái, cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên vùng biển Tây Nam cũng đang không ngừng hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách với đất liền, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng lực vươn khơi bám biển.

Đang có sự ấp ủ ngóng vọng trong giới đầu tư bất động sản

Nhìn ra biển Tây Nam, hơn 150 hòn đảo phân bố từ biển Đông bọc qua mũi Cà Mau vào vịnh Thái Lan tới giáp biên giới Campuchia là hệ thống thành trì bảo vệ chủ quyền lãnh hải, để miền Tây vươn ra mở rộng giao thương, phát triển.

Quy mô những hòn đảo trong hệ thống đảo biển Tây Nam là đảo nhỏ, hệ sinh thái nước ngọt, nằm trong vùng biển cạn, mật độ các đảo phân bố tương đối đều trên vùng biển, cách nhau trên dưới 30km, địa hình, địa mạo thuận thế liên hoàn giữa các điểm đảo với bờ biển và đất liền, để tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền, ứng cứu khi có thiên tai và triển khai các dịch vụ biển.

Lâu nay giới đầu tư bất động sản tầm cỡ đổ về Cà Mau, Kiên Giang, nhất là đảo Phú Quốc, ấp ủ “thiên cơ” tiềm ẩn từ biển Tây Nam. Họ biết đảo Hòn Khoai là chỉ dấu của kênh đào Kra triển khai tắt ngang miền Nam nước Thái, mở huyết mạch hàng hải cho tàu thuyền quốc tế từ Ấn Độ Dương đi thẳng vào biển Đông, vịnh Thái Lan - Thái Bình Dương, giảm cả ngàn cây số so với đi vòng lên eo Malacca.

Dự án hoàn thành thì biển đảo Tây Nam sẽ là vùng thương cảng quốc tế sôi động, đảo Hòn Khoai cách đất liền gần 15km có thể là cảng biển nước sâu trung tâm và miền Tây sẽ xoay trục phát triển từ đây. Họ tin viễn cảnh đó và theo dõi sát tiến trình triển khai đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống 13 cảng cá loại 2 và 21 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền trên vùng biển đảo Tây Nam theo quy hoạch.

Điều kiện tự nhiên phân bố thuận thế liên hoàn

Nhìn chung, hệ thống đảo được phân bố thành 2 lớp: phía ngoài và phía trong. Lớp phía ngoài có 2 cụm đảo, Hòn Khoai và Phú Quốc, phân bố thành 4 quần đảo chính: Hòn Khoai, An Thới, Hải Tặc và Thổ Chu. Lớp đảo phía trong có 2 cụm Kiên Hải và Kiên Lương - Hà Tiên với 2 quần đảo chính là Nam Du và Bà Lụa. Mỗi quần đảo có 1, 2 hòn đảo có diện tích đủ lớn làm hạt nhân, thuận lợi cho quần cư và tổ chức hành chính, hình thành các trung tâm xã, huyện đảo.

Lớp đảo phía ngoài từ cụm đảo Hòn Khoai đến cụm đảo Phú Quốc nối với hòn Thơm tới quần đảo Thổ Chu là cơ sở để xác định đường biên giới quốc gia trên biển và vùng chồng lấn với các nước láng giềng, ấn định vùng nội thủy, vùng đặc quyền kinh tế, tạo điều kiện cho bảo vệ chủ quyền lãnh hải, phát triển kinh tế vùng biển, cửa khẩu, giao thông và dịch vụ quốc tế.

Điểm đầu lớp đảo phía ngoài là cụm đảo hòn Khoai, tiềm ẩn “thiên cơ” trở thành cảng biển nước sâu trung tâm. Trong cụm đảo này có hòn Sao, hòn Đồi Mồi phân bố quần tụ gần đảo chính, hòn Hàng, hòn Chuối phân bố độc lập gần đường hàng hải quốc tế.“Hòn Hàng và hòn Chuối (thuộc cụm đảo hòn Khoai) là đảo tiền tiêu, có thể giúp các tàu thuyền của ngư dân đánh bắt hải sản và tàu di chuyển trên đường hàng hải quốc tế ghé lại lánh nạn trong các tình huống thiên tai” - Thượng tá Trần Quốc Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng hòn Chuối, cho biết.

Xuôi về phía biển Tây, khoảng giữa và cuối lớp đảo phía ngoài, đảo hòn Đốc của quần đảo Hải Tặc (ở phía Bắc đảo Phú Quốc) và quần đảo Thổ Chu có vai trò phân định đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Quần đảo Thổ Chu là cơ sở định vị góp phần xác định vùng chồng lấn trên thềm lục địa giữa Việt Nam với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và tại quần đảo này còn có hòn Nhạn chính là điểm A1 trong 11 điểm về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.

Để hình thành hệ thống điểm tựa phát triển các hoạt động trên biển

Trong thế liên hoàn, quần đảo Phú Quốc có diện tích gần 600km2, nhiều thuận lợi phân bố lực lượng an ninh quốc phòng. Phần Bắc và Đông Bắc đảo này có các dãy núi ăn sát ra bờ biển (núi Chao 382m, núi Hàm Rồng 386m, dải Hàm Ninh 565m…) có địa hình phù hợp để phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc phòng cho đảo biển.

Phía Nam và Tây Nam có địa hình đồng bằng, đồi núi thuận lợi bố trí xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cơ động chi phối bình diện toàn vùng. Chiều dài Bắc - Nam quần đảo 50km, địa hình cao hơn các đảo nhỏ khác trong vùng nên Phú Quốc như tấm lá chắn bảo vệ cho các quần đảo Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du nằm phía trong.

Cùng với Phú Quốc, các quần đảo Thổ Chu, Nam Du, An Thới án ngữ tại vị trí các cửa ngõ giữa đất liền với vịnh Thái Lan. Các đảo này có thể đáp ứng vai trò trung tâm kinh tế vùng biển, cửa khẩu, thương cảng giao thông và dịch vụ quốc tế, làm vệ tinh trọng điểm cho các hoạt động từ đất liền vươn ra vùng biển Tây Nam, phát triển các hoạt động trên biển, mở rộng giao thương với các quốc gia trong vịnh Thái Lan.

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu đưa đón các phương tiện giao thông quy mô lớn như sân bay, cảng biển quôc tế,… tại các quần đảo này có ý nghĩa chiến lược, phát huy vai trò vệ tinh trọng điểm kết nối đảo biển với đất liền và quốc tế trong bảo vệ, phát triển kinh tế hiệu quả.

Đặc biệt, quần đảo Thổ Chu phân bố cuối lớp đảo phía ngoài, xa bờ, nằm cạnh các ngư trường lớn, rất thuận lợi để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, dầu khí, hàng hải, thương mại. Lâu nay tàu thuyền quốc tế lưu thông trong đường hàng hải BangKok - Kongpongxom - Singapore đã nhờ hình thái đặc thù như một mặt bàn của đảo Thổ Chu để nhận biết vị trí tàu, xác định tuyến giao thông, vị trí bến cảng,... khi vào vùng biển Tây Nam.

“Thổ Chu có lợi thế phát triển dịch vụ biển, dịch vụ hậu cần nghề cá. Phú Quốc có lợi thế trở thành trung tâm du lịch lớn. Các đảo quanh vùng có thế mạnh về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nghề truyền thống. Những đảo phân bố sát bờ như các đảo ở xã Bình An, Kiên Lương có quan hệ gắn chặt với đất liền, nên phát triển tốt về kinh tế, giao lưu văn hóa, ít chịu gió bão hơn các đảo bên ngoài” - TS. Trương Minh Chuẩn, nhận định.