Theo ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), nắng nóng gay gắt và tác động của hiện tượng El Nino làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt, kết hợp với tình trạng nước về các hồ thuỷ điện rất thấp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện trong mùa khô năm 2023.

Tính đến ngày 6/6, hầu hết các hồ thủy điện lớn ở miền Bắc đã về mức nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng hai hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã chạy xuống dưới mực nước chết.

Lãnh đạo Bộ Công thương thông tin về tình hình cung ứng điện năm 2023.

Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12 - 13/6. Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 6/6, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp.

Xảy ra sự cố thiết bị nguồn nhiệt điện

Trong thời gian vừa qua, dù nỗ lực nhưng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các tổ máy hoạt động tối đa công suất trong thời gian dài dẫn đến những sự cố về thiết bị (chủ yếu là xì ống sinh hơi, xì bộ hâm, bộ quá nhiệt, máy nghiền than, bơm cấp...).

Ngoài ra, nhiều tổ máy nhiệt điện than bị sự cố dài ngày (Vũng Áng 1 tổ, Phả Lại 1 tổ, Cẩm Phả 1 tổ, Nghi Sơn 2 1 tổ). Điển hình như ngày như 1/6, tổng công suất không huy động được từ các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc bị sự cố và suy giảm công suất lên đến 1.030MW.

Mặc dù nguồn nhiên liệu than cho phát điện đã được cấp tương đối đảm bảo nhưng cập nhật đến ngày 6/6, nguồn nhiệt điện than miền Bắc chỉ huy động được 11.934MW chiếm 76,6% công suất lắp.

Khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 - 2.700MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.

Như vậy, tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 - 17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500 - 2.700MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc (cung đoạn đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh).

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Dẫn đến, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh).

Trước tình hình có khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện, trong những ngày vừa qua EVN đã phải tiến hành điều tiết giảm phụ tải tại miền Bắc, ngày 5/6 tổng công suất phụ tải tiết giảm là 3.609MW lúc 16h30, trong đó tiết giảm phụ tải công nghiệp lớn nhất khoảng 1.423MW, tiết giảm phụ tải sinh hoạt lớn nhất là 1.264MW.

Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, công suất khả dụng của khu vực miền Bắc chỉ đáp ứng được khoảng 17.000MW. Như vậy, với nhu cầu sử dụng điện lên tới 20.000 - 24.000MW trong những ngày nắng nóng, sẽ thiếu hụt và phải cắt giảm 30% sản lượng điện vào những ngày nắng nóng.

Điều đáng chú ý, không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia châu Á cũng đang thiếu điện trong nắng nóng kỷ lục. Điển hình như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, thậm chí cả Trung Quốc cũng đang phải chủ động cắt điện luân phiên hoặc giới hạn cung ứng điện cho sản xuất để đảm bảo nguồn cung. Vân Nam (Trung Quốc) là tỉnh có nguồn thuỷ điện chiếm tỷ trọng 72% tổng công suất, nắng nóng khô hạn đã dẫn đến thiếu nguồn và phải áp dụng chế độ phân bổ điện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm cũng như áp dụng các biện pháp chặt chẽ để kiểm soát điện năng tiêu thụ.

Đề ra giải pháp

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa cho hay, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương thực hiện các giải pháp cấp bách để đảm bảo điện. Tới đây, Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng và có kế hoạch triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Từ tình hình thực tế, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu EVN tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực, trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện.

Theo đó, EVN sẽ ưu tiên cấp điện cho các phụ tải điện quan trọng được các tỉnh, thành phố phê duyệt cũng như các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng. Với các khách hàng, EVN sẽ ưu tiên cho các phụ tải như cấp nước, sản xuất, đơn vị sử dụng nhiều lao động. Việc tiết giảm sẽ có các UBND tỉnh và Sở Công thương địa phương cùng giám sát.

Việc thiếu điện là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện. Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), EVN cũng chia sẻ và gửi lời xin lỗi đến toàn thể người dân và doanh nghiệp vì để xảy ra thiếu điện.