ISSN-2815-5823
Thứ ba, 10h10 04/08/2020

Kiên Giang: Phát triển mô hình nuôi cá lồng bè trên biển mang tính chiến lược

(KDPT) – Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng lớn phát triển kinh tế biển khi sở hữu đường bờ biển dài trên 200km, diện tích mặt biển khoảng 63.000km2, cùng 143 đảo lớn, nhỏ thuộc 5 quần đảo. Những năm qua, Kiên Giang đã triển khai nhiều giải pháp để ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả. Trong đó, tỉnh đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá lồng bè trên biển, cho hiệu quả kinh tế cao và mang tính chiến lược bền vững.

Nuôi Cá lồng bè hiện đang phát triển mạnh ở các Xã đảo Kiên Giang.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, nuôi cá lồng bè trên biển ở tỉnh hiện là mô hình sản xuất cho hiệu quả cao, đang phát triển mạnh tại các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, Phú Quốc, Kiên Lương và thành phố Hà Tiên. Hiện nay, tại những xã đảo này có khoảng 4.500 lồng bè nuôi, sản lượng cá thương phẩm năm 2019 đạt trên 3.550 tấn, dự kiến năm 2020 hơn 4.300 tấn.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết: “Đối tượng nuôi cá lồng bè trên biển của ngư dân Kiên Giang phổ biến là cá bóp, cá mú, cá chim, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng… trong đó cá bóp, cá mú chiếm tỷ trọng cao nhất. Phần lớn một bè nuôi cá biển từ 4 – 6 lồng nuôi, thể tích 48 – 70 m³/lồng và nuôi nhiều loại cá khác nhau trên cùng một bè. Những năm gần đây, tỉnh đã thử nghiệm nuôi thành công một số loài như: Cá khế vây vàng, cá bè cụp, cá bè vẫu, cá háo… tại huyện Kiên Lương. Đây là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiếp đến, tôm hùm cũng đang được thử nghiệm nuôi tại một số xã đảo của huyện này nhưng quy mô còn nhỏ lẻ”.

Theo đánh giá từ Sở, giá cá biển nuôi lồng bè biến động qua từng năm, nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nuôi. Cụ thể, cá bóp nuôi mật độ 150 – 200 con/lồng (50 m³), tỷ lệ sống 85%, sau 12 – 14 tháng nuôi, trọng lượng bình quân 6 kg/con, giá bán tại lồng 120.000 – 135.000 đồng/kg. Trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận khoảng 40%/lồng vụ nuôi đầu tiên. Nhưng vụ nuôi kế tiếp, ngư dân giảm chi phí đầu tư ban đầu, lợi nhuận tang cao hơn. Tiếp đến, cá mú sao là một trong những loài cá mú mang lại giá trị lớn nhất, giá giao động từ 600.000 – 800.000 đồng/kg cá thương phẩm. Sau 18 tháng nuôi, trừ chi phí sản xuất, ngư dân lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/bè (10 – 20 m²), nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật, con giống tốt lợi nhuận trên 100% so với vốn đầu tư.

Anh Trần Văn Nung (xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương) có hơn 7 năm trong nghề cho biết: “Trước đây, sống bằng nghề tự đánh bắt hay đi đánh cá mướn cho các chủ tàu khác, được ít vốn về đầu tư 5 lồng bè nuôi cá bớp. Bình quân mỗi lồng bè, nuôi sau hơn một năm trừ hết các chi phí thức ăn, con giống, anh còn lời khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu không gặp tình trạng con giống kém chất lượng, nuôi ít hao hụt, thì tiền lời sẽ nhiều hơn”.

Ông Nguyễn Văn Năm (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải) nuôi 8 lồng bè với các loài cá như bóng cọp, bóng mú và bóng sao cho biết, người có lồng bè sẵn, đầu tư con giống khoảng 30 triệu đồng, sau 18 tháng, trừ hết các chi phí còn lời trên 50 triệu đồng/bè (10 – 20 m2). Nếu nuôi đúng kỹ thuật, con giống tốt, bảo đảm vốn 1 lời 1. Hiện nay, cá mú sao giá 500.000 đồng/kg, mú cọp 320.000 đồng/kg…

Sau thành công từ mô hình nuôi cá lồng bè trên biển với hiệu quả kinh tế cao, trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát triển nuôi cá lồng bè trên biển trong thời gian tới theo hướng ổn định, an toàn, bền vững và hiệu quả.

Mô hình nuôi cá lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân các Xã đảo kiên Giang.

Theo đó, tỉnh quy hoạch lại khu vực nuôi cá lồng bè trên biển thích hợp với điều kiện môi trường sinh thái ở các xã đảo, giảm thiểu ô nhiễm, tỷ lệ cá sống cao, tăng trọng nhanh và hạn chế dịch bệnh xảy ra. Đầu tư sản xuất giống các đối tượng cá biển đảm bảo chủ động về số lượng, kiểm soát chất lượng nguồn giống thả nuôi. Sản xuất, cung ứng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm cải tạo môi trường phục vụ nuôi cá lồng bè trên biển.

Tiếp đến, tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng về điện, giao thông… cho các xã đảo, phục vụ sinh hoạt, sản xuất của cư dân. Khai thác tốt lợi thế nuôi cá lồng bè trên biển gắn với phát triển du lịch sinh thái biển đảo, sản phẩm cá phục vụ du lịch, tổ chức các hoạt động du lịch trải nghiệm, chế biến và thưởng thức các biển tại bè. Đây là hình thức hỗ trợ nâng cao thêm thu nhập cho ngư dân và quảng bá du lịch của địa phương.

Chiến lược quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu cá nuôi lồng bè trên biển kết hợp với xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước và thế giới, nhất là chú trọng chào bán sản phẩm cá trong các hệ thống siêu thị và xuất khẩu những loại cá có giá trị kinh tế cao được chú trọng.

Cùng với đó, Kiên Giang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ để phát triển nuôi cá theo hướng hiện đại. Đặc biệt là nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm một số đối tượng có giá trị kinh tế cao. Cụ thể như: nuôi cá hồng mỹ tại Phú Quốc, Kiên Hải; cá khế vằn tại Kiên Hải, cá bè quỵt tại Kiên Lương… Tỉnh đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên ngành trình độ chuyên môn cao, kỹ thuật viên tay nghề cao phục vụ cho các địa phương phát triển nuôi cá lồng bè trên biển.

MỸ HUYỀN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/11/2024