ISSN-2815-5823

Kinh doanh lĩnh vực y tế: Góc nhìn tư vấn pháp lý từ một vụ việc

(KDPT) - Hoạt động của phòng khám đa khoa là hoạt động kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực y tế. Trong rất nhiều dịch vụ hàng ngày mà phòng khám đa khoa cung cấp, có giấy khám sức khỏe. Giấy khám sức khỏe là một trong những giấy tờ chiếm vai trò vô cùng quan trọng đến cuộc sống con người. Đặc biệt, điều mà nhiều người quan tâm nhất đó chính là các địa điểm để cấp giấy khám sức khỏe. Và góc nhìn thứ hai mà người khám sức khỏe quan tâm, đó là nếu cơ sở y tế không thực hiện đủ các nội dung khám theo yêu cầu mà vẫn cấp giấy khám sức khỏe thì bị xử lý như thế nào?

Đầu tiên, để biết được những quy định về việc cấp giấy khám sức khỏe ở phòng khám đa khoa thì chúng ta cần phải biết được những quy định về giấy khám sức khỏe do Bộ Y tế đã ban hành.

Về nhân lực khám sức khỏe: Theo như những thông tư mà Bộ Y tế hướng dẫn và bạn hành thì muốn được cấp phép giấy khám sức khỏe thì người kết luận phải là bác sĩ và có chứng chỉ khám chữa bệnh từ 54 tháng trở lên. Những người được phân công phân loại sức khỏe bởi người có thẩm quyền được phép ký trong giấy chứng nhận sức khỏe. Việc phân công thì cần phải được thực hiện bằng văn bản cụ thể và có đóng dấu chuẩn của cơ sở khám chữa bệnh. Những người thực hiện khám lâm sàng cho người có nhu cầu khám và cấp giấy khám sức khỏe phải bắt buộc có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đúng với chuyên khoa và phải có các bằng cấp chuyên môn đúng với công việc được phân công khám sức khỏe.

Đối với điều kiện về cơ sở vật chất và các trang thiết bị thì cơ sở khám sức khỏe phải có các phòng khám lâm sàng, khám cận lâm sàng theo từng chuyên khoa riêng mà Bộ Y tế đã đề ra.

Như vậy, đáp ứng được những quy định đã đề ra của Bộ Y tế nêu trên cũng chính là quy định chung dành cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh. Đây là quy định được áp dụng hầu hết cho mọi bệnh viện, phòng khám đa khoa,...

Góc nhìn thứ hai mà người khám sức khỏe quan tâm, đó là thế nào mới là giấy khám sức khỏe đúng theo quy định. Và nếu cơ sở y tế không thực hiện đủ các nội dung khám theo yêu cầu mà vẫn cấp giấy khám sức khỏe thì bị xử lý như thế nào?

Theo LS. Đặng Thị Thanh Xuân, đến thời điểm hiện tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất quy định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cụ thể Điều 46 về vi phạm quy định về khám sức khỏe quy định: "Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cung cấp giấy khám sức khỏe khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu...”.

Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 28/09/2020 khi Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có hiệu lực thi hành. Điều đó có nghĩa là hành vi cung cấp giấy KSK khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu, không phải là hành vi phạm tội hình sự, mà chỉ là một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Vừa qua, dư luận đề cập nhiều đến vụ việc xảy ra tại Phòng khám đa khoa Kỳ Đồng (địa chỉ số 268 Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng), trong đó có những nội dung liên quan đến pháp lý về vấn đề cung cấp “khống” giấy khám sức khỏe. Có ý kiến cho rằng, pháp luật hiện hành quy định hành vi cung cấp giấy khám sức khỏe (KSK) khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu (còn gọi là cấp khống) sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Còn theo LS. Đặng Thị Thanh Xuân khẳng định: “Cho đến nay, chưa có bất kỳ một văn bản nào khác quy định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi cung cấp giấy KSK khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu. Do vậy, hành vi vi phạm của một số cá nhân là bác sĩ, điều dưỡng Phòng khám đa khoa Kỳ Đồng là hành vi vi phạm quy trình khám, chữa bệnh, trong lĩnh vực y tế. Vì thế, các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 để xử lý hành vi trên là không đúng quy định của pháp luật hình sự và có dấu hiệu hình sự hóa vụ việc hành chính”.

Vậy cụ thể vụ việc tại Phòng khám Đa khoa Kỳ Đồng như thế nào? chúng tôi xin tóm tắt sơ lược để bạn đọc cùng nghiên cứu và có góc nhìn pháp lý chuẩn xác trong hoạt động kinh doanh phòng khám tư nhân.

Ngày 28/10/2022, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Lê Sỹ Trị 2 năm 6 tháng tù giam về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Bị cáo Lê Sỹ Trị vốn là Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Bệnh viện Tâm Phúc - Trung tâm Dịch vụ y tế Hải Phòng, đơn vị chủ quản của Phòng khám đa khoa Kỳ Đồng.

Theo Bản kết luận điều tra số 01/KL-ĐNTT ngày 17/01/2022 và Cáo trạng số 01/CT-VKS của cơ quan tố tụng Quân chủng Hải quân, trong quá trình quản lý, điều hành Phòng khám Kỳ Đồng, Lê Sỹ Trị đã chỉ đạo các bác sĩ, nhân viên với nội dung nếu có trường hợp là người nhà, đối tác của Trị cần giấy KSK để học lái xe mà không có người tới khám, thì các bác sĩ viết kết quả và ký xác nhận “khống” cho họ.

Sáng 07/05/2021, bị can Nguyễn Ngọc Bách hành nghề xe ôm tại khu vực Bệnh viện Ngô Quyền, được Bùi Quang Anh (SN 1995, trú trại Lê Lai, Lạc Viên, Ngô Quyền) đến nhờ làm giấy KSK “khống”. Ngoài ra, còn có hai thanh niên (không rõ lai lịch) đến gặp Bách đưa thông tin và tiền để làm 2 giấy KSK “khống” cho 2 người tên là Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Ngọc Hiếu; mỗi người là 400.000 đồng, bên ngoài mỗi phong bì ghi thông tin cá nhân, trong có 1 ảnh chân dung.

Ngay sau đó, Bách liên lạc và đến gặp nhân viên Phòng khám đa khoa Kỳ Đồng để làm giấy KSK “khống”. Khi Nguyễn Ngọc Bách và Bùi Quang Anh đang giao nhận thì bị tổ công tác Công an quận Ngô Quyền mời về làm việc và thu giữ 3 bộ giấy KSK, 3 phiếu thu và 3 phiếu trả kết quả xét nghiệm mang tên Bùi Quang Anh, Nguyễn Hoàng Long và Nguyễn Ngọc Hiếu do Phòng khám Đa khoa Kỳ Đồng cấp đề ngày 07/5/2021.

Điều khôi hài là trong 3 giấy KSK mà Công an quận Ngô Quyền thu giữ từ Nguyễn Ngọc Bách ngày 07/5/2021 thì có hai người là: Nguyễn Ngọc Hiếu và Nguyễn Hoàng Long là các bị can đang bị tạm giam trong vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, do chính Cơ quan điều tra Công an quận Ngô Quyền thụ lý. Hai đối tượng Long và Hiếu bị bắt giữ từ ngày 01/5/2021, đến ngày 27/9/2021 bị TAND quận Ngô Quyền xét xử và tuyên án.

Trong ngày 07/5/2021, Long và Hiếu đều đang bị tạm giam tại Trại Tạm giam Công an TP. Hải Phòng. Lời khai của Hiếu và Long trong hồ sơ vụ án này đều khẳng định trước và trong khi bị cơ quan công an bắt giữ, các đối tượng trên không có nhu cầu xin cấp giấy KSK. Thậm chí, Hiếu đã có giấy phép lái xe ô tô và còn hạn sử dụng. Hiếu và Long cũng khẳng định không cung cấp ảnh và thông tin cá nhân cho bất cứ ai.(?!)

Bên cạnh đó, hành vi cấp khống giấy KSK của Phòng khám đa khoa Kỳ Đồng xảy ra tại địa bàn quận Lê Chân, TP. Hải Phòng. Theo quy định tại khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì thẩm quyền điều tra thuộc Cơ quan điều tra Công an quận Lê Chân, TP. Hải Phòng. Còn theo khoản 1 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP, quy định về các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Theo đó, “việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật” là trường hợp vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 6 của Thông tư nêu trên.

Trong số 10 bị can của vụ án, thì bị can Phạm Minh Tuấn là bác sĩ của Khoa Mắt, Viện Y học Hải Quân (bác sĩ Tuấn đã có quyết định nghỉ hưu và nghỉ chờ sổ hưu), nên vụ án đã được chuyển từ Cơ quan điều tra Công an quận Ngô Quyền sang Cơ quan điều tra hình sự Hải quân để điều tra và ban hành Kết luận điều tra, Cáo trạng truy tố. Tuy nhiên theo các chuyên gia pháp lý, việc điều tra, truy tố, xét xử 9 bị can dân sự trong Tòa án quân sự là không đúng quy định của pháp luật. Đối với bị can Phạm Minh Tuấn có thể tách riêng ra xử lý theo Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Từ kết quả điều tra, Cơ quan tố tụng Quân chủng Hải quân đã truy tố 10 bị can Lê Sỹ Trị và 9 đồng phạm về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015. Theo LS. Đặng Thị Thanh Xuân (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi làm giả tài liệu, giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi viết, vẽ, in,... các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như các loại tài liệu, giấy tờ thật của các cơ quan, tổ chức đang sử dụng trong khi những người thực hiện hành vi này không có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tạo ra những giấy tờ, tài liệu đó. Trong vụ án này, 3 tờ giấy KSK của người lái xe mang tên Bùi Quang Anh, Nguyễn Ngọc Hiếu, Nguyễn Hoàng Long đều là giấy KSK do tổ chức là Phòng khám Kỳ Đồng phát hành. Tất cả chữ ký, con dấu ghi trên các giấy KSK này đều là thật. Do vậy, đây không phải là hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.

Cũng theo LS. Đặng Thị Thanh Xuân khẳng định: “Cho đến nay, chưa có bất kỳ một văn bản nào khác quy định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi cung cấp giấy KSK khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu. Do vậy, hành vi vi phạm của một số cá nhân là bác sĩ, điều dưỡng Phòng khám đa khoa Kỳ Đồng là hành vi vi phạm quy trình khám, chữa bệnh, trong lĩnh vực y tế. Vì thế, các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 để xử lý hành vi trên là không đúng quy định của pháp luật hình sự và có dấu hiệu hình sự hóa vụ việc hành chính”.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024