ISSN-2815-5823
Thứ tư, 02h57 09/09/2020

Kinh tế hợp tác: Mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho đồng bào Khmer

(KDPT) – Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư, triển khai nhiều chương trình dự án phát triển đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội, song hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) vẫn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (7%). Để mở hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào Khmer, một số địa phương trong tỉnh đã triển khai các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX). Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer có sự thay đổi rõ rệt.

Trồng ớt tiêu – ngô ở CLB sản xuất xã Liêu Tú huyện Trần Đề Sóc Trăng.

Trước đây, cách làm phổ biến trong công tác XĐGN ở các địa phương thường là ngân hàng hỗ trợ người nghèo vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng do cách làm ăn nhỏ lẻ, đồng vốn vay thả nổi, lại sử dụng không đúng mục đích nên khi triển khai thực hiện thường rơi vào cảnh lúng túng. Cuối cùng thì vốn không thu hồi được mà người dân cũng không thoát nghèo được. Để khắc phục tình trạng này, Sóc Trăng đã triển khai các mô hình HTX, câu lạc bộ (CLB), tổ, đội sản xuất trong dân.

Theo đó, chính quyền ấp, khóm lập danh sách hộ nghèo, xác định phương thức làm ăn, hùn vốn và đất đai để mở rộng sản xuất dưới sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của ngân hàng và các trung tâm khuyến ngư, khuyến nông. Mô hình thí điểm đầu tiên được thực hiện tại ấp Trà Vôn A, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Châu. Từ lâu, đồng đất này bị nhiễm mặn, trồng lúa năng suất thấp nên phải bỏ hoang. Đây cũng là vùng đặc biệt khó khăn, có 90% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Cái khó nữa là người dân ở đây chỉ quen ruộng đồng, trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật thấp. Việc hỗ trợ vốn vay để giúp đồng bào XĐGN thì dễ, nhưng làm thế nào sử dụng đồng vốn có hiệu quả thật không dễ dàng. Tạo việc làm, cải thiện đời sống cho đồng bào Khmer nơi đây là vấn đề bức xúc được đặt ra.

Bởi vậy, khi anh Lê Văn Xinh – người nông dân gắn bó lâu năm với đồng đất Trà Vôn A này trình bày nguyện vọng cải tạo đất hoang để nuôi tôm, chính quyền các cấp nhiệt tình ủng hộ. Được sự giúp đỡ từ các ngành chức năng, anh Xinh cùng bà con xây dựng phương án thành lập tổ hợp nuôi trồng thủy sản theo phương châm cổ đông, người nghèo góp đất, người khá góp vốn kết hợp với nguồn vốn vay ngân hàng. Phương án được trình lên tỉnh, tỉnh hoan nghênh, đề nghị thành lập HTX kiểu mới và cấp 18 triệu đồng kinh phí để qua Bến Tre học cách làm ăn mới. Cánh đồng hoang hóa gần 20 ha của 30 hộ dân nghèo với 118 lao động ở ấp Trà Vôn A đã trở thành HTX nuôi trồng thủy sản Vĩnh Tân.

Ngoài huy động nguồn lực trong dân, tỉnh hỗ trợ cho HTX vay hơn 500 triệu đồng vốn ngân hàng. Nhờ phát huy sức mạnh tập thể, cùng với sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật cải tạo đất, chọn giống, cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh cho tôm… từ trung tâm khuyến ngư. Do đó, mô hình việc nuôi tôm của HTX Vĩnh Tân trong những năm qua luôn đạt hiệu quả cao và trở thành mô hình mẫu của tỉnh với những vuông tôm đầy hứa hẹn.

Bà con Khmer HTX Vĩnh Tân xã Vĩnh Châu(Sóc Trăng) thu hoạch tôm.

Chỉ tính vụ tôm đầu tiên, sau khi trừ hết mọi chi phí HTX Vĩnh Tân còn lãi hơn 300 triệu đồng. Tính theo cổ đông ăn chia, hộ có cổ đông nhiều thu về mấy chục triệu đồng, ít hơn cũng được vài triệu đồng, tính ra lợi nhuận cao hơn gấp mười lần trồng lúa. Và hiện nay mức lợi nhuận của bà con tăng rất cao, hộ ít nhất qua mỗi vụ nuôi cũng đạt hơn 20 triệu đồng. Có thể nói, không có đất xấu, đất nghèo, chỉ tại mình chưa tìm ra cách làm giàu mà thôi. Người dân Khmer nghèo Trà Vôn A đã đổi đời từ khi tham gia mô hình làm ăn tập thể. Những căn nhà lá đơn sơ tạm bợ dần được thay thế bằng nhà tường, mái tôn.

Ghé thăm nhà anh Sơn Ngọc Sang – xã viên của HTX, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi chuyện nuôi tôm giỏi và cách làm giàu của anh. Hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, anh góp hơn 2 ha đất vào HTX để thực hiện mô hình nuôi tôm sú. Nhưng có điều khác hơn, đến nay anh chưa một lần niếm mùi thất bại. Liên tục trong nhiều năm anh cùng bà con trúng đậm, chỉ tiếc là những vụ tôm gần đây chi phí sản xuất tăng cao so với mọi năm nên lợi nhuận có thấp hơn. Nhưng điều mà anh tâm đắc nhất là từ một cánh đồng bỏ hoang được đánh thức bởi mô hình kinh tế hợp tác đã đưa bà con Khmer nghèo địa phương đến cung cách làm ăn mới ổn định, bền vững. Có việc làm, có thu nhập cải thiện đời sống, cơ nghiệp của bà con ngày càng phát triển, hiện tượng mất đoàn kết trong xóm làng không còn, bà con chí thú làm ăn, tệ nạn cờ bạc, nhậu nhẹt bớt hẳn. Nét đẹp văn hóa phum sóc được giữ gìn, phát huy và hiện hữu trong mỗi gia đình.

Chăm nuôi bò Sind ở CLB xã Viên Bình huyện Trần Đề (Sóc Trăng).

Nếu như nghề nuôi tôm sú được xem là thế mạnh trong công tác XĐGN ở những vùng ven biển, thì ở một số vùng nông thôn khác bà con đã chọn phương án chăn nuôi bò để tìm cách thoát nghèo. Bà con Khmer ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ xuyên phát triển rất mạnh mô hình nuôi bò Sind và bò sữa lai F1. Ở đây, các hộ dân trong ấp tập hợp thành CLB chuyên nuôi bò sữa và bò lai. Hiện nay CLB đã phát triển gần 300 tổ viên, với đàn bò hơn 1.600 con. Gần đây, một số vùng miền trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi bò sữa, thì ở đây với sự hỗ trợ của Nhà nước, CLB thực hiện rất tốt các khâu sản xuất cho nông dân từ việc cung cấp dịch vụ, tập huấn kỹ thuật, thú y cho đến thu mua sữa. Phần lớn các hộ xã viên tham gia nuôi bò sữa đều thuộc diện nghèo. Tính ra một con bò sữa người nông dân có lợi nhuận cao hơn làm 3 công ruộng lúa, góp phần mở hướng thoát nghèo bền vững cho bà con.

Bà con Khmer thuộc tổ HTX Đại Tâm huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thu hoạch lúa cao sản .

Sau nhiều năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, mô hình phát triển kinh tế tập thể ở Sóc Trăng được xem là một hướng thoát nghèo cho đồng bào Khmer. Đánh giá hiệu quả từ các mô hình kinh tế tập thể, ông Lương Minh Quyết – Giám đốc Sở NN – PTNT khẳng định: Sóc Trăng là tỉnh nghèo nhất đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, với tinh thần phấn đấu vượt khó đi lên, đến nay các địa phương trong tỉnh đã xóa xong hộ đói, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao.

Sau khi thực hiện đồng bộ việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, triển khai mô hình kinh tế tập thể sản xuất, chăn nuôi, người dân vùng đồng bào dân tộc Khmer đã mở hướng phát triển làm ăn hiệu quả, năng suất lao động không ngừng tăng lên. Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng, phát triển gần 207 HTX với hơn 35 nghìn xã viên; 1.251 CLB, Tổ Hợp tác thu hút trên gần 31 nghìn thành viên tham gia sản xuất trên các lĩnh vực nông-lâm-ngư – diêm nghiệp, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tín dụng – thương mại. Phần lớn các tổ chức kinh tế tập thể này đều phát triển làm ăn ổn định, kinh tế hộ gia đình được cải thiện đáng kể so với làm ăn nhỏ lẻ.

Hiệu quả từ các mô hình kinh tế tập thể đã mở ra một hướng đi mới về cách thức, phương pháp tập hợp các hộ dân liên kết làm ăn, hạn chế thất thoát nguồn vốn. Tuy nhiên để nhân rộng mô hình này cần phải có khảo sát thực tế, tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng hộ gia đình để áp dụng cách làm phù hợp. Nhất là đồng bào Khmer thường ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, dân trí thấp nên tổ chức hình thức quy mô vừa và nhỏ là phù hợp. Đồng thời tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước, có sự chỉ đạo nhất quán, định hướng quy hoạch, giúp dân vay vốn ngân hàng, đưa cán bộ chuyên môn xuống cơ sở giúp dân về kỹ thuật, tạo cho bà con niềm tin, động lực để bà con Khmer nghèo nỗ lực vươn lên trong cung cách làm ăn mới, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc ./.

Bài và ảnh: ĐỖ NAM



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/01/2025