Mặt bằng ế ẩm nhưng giá vẫn cao?

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua sụt giảm, người dân quản lý chặt chi tiêu nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Thực trạng này kéo theo làn sóng trả mặt bằng ồ ạt ở khắp các tuyến đường tại TP HCM.

Rất nhiều mặt bằng đắc địa ở các tuyến đường trung tâm quận 1, TP HCM như Lê Lai, Lê Lợi, Đồng Khởi, Cách Mạng Tháng 8... hiện để trống. Dù vậy, giá thuê những mặt bằng này vẫn rất cao, từ 4.500 - 45.000 USD/tháng và chủ nhà không đồng ý giảm.

Đơn cử như tại đường Lý Tự Trọng, Bến Thành, Quận 1 đang rao cho thuê với giá là 216 triệu đồng/tháng cho diện tích 1.200m2 hay một căn góc 2 mặt tiền Bến Thành, Quận 1 rộng 240m2 cũng đang cho thuế với giá là 100 triệu/tháng.

Mặt bằng cho thuê đắt đỏ tại TP.Hồ Chí Minh (Ảnh chụp màn hình)
Mặt bằng cho thuê đắt đỏ tại TP.Hồ Chí Minh (Ảnh chụp màn hình)
Ảnh chụp màn hình

Tuyến đường Hồ Tùng Mậu, quận 1 cũng có căn 2 mặt tiền, chỉ rộng 300m2 được rao cho thuê với mức giá là 250 triệu đồng/tháng. Tuyến đường Lê Lợi dài khoảng 550 m, đẹp nhất nhì khu trung tâm TP HCM, giao cắt các đường "dát vàng" như: Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ nhưng lại có rất nhiều mặt bằng đóng cửa vì không có người thuê.

Khảo sát cho thấy hơn chục mặt bằng trên con đường này đã cửa đóng then cài từ lâu. Những băng rôn "nhà cho thuê "bám đầy bụi, cứ cách vài căn lại có 1-2 mặt bằng bỏ trống. Dù vậy, giá thuê các mặt bằng này vẫn rất cao, dao động từ 3.500 USD đến 20.000 USD/tháng (khoảng 80 – 500 triệu đồng).

Tương tự, tại nhiều tuyến phố ở TP Đà Nẵng như Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn..., nhiều cơ sở kinh doanh cửa đóng then cài, chủ nhà treo biển tìm người thuê. "Giá thuê mặt bằng đường Lê Duẩn khoảng 35 triệu đồng/tháng trong khi cửa hàng rất vắng khách nên tôi không thể gồng gánh nổi chi phí, buộc phải trả mặt bằng để tạm thời chuyển sang bán hàng online" - chị Trần Thị Thu Hồng, chủ một cơ sở kinh doanh thời trang, cho hay.

Nhiều chủ doanh nghiệp, cửa hàng, cơ sở kinh doanh cho biết, lượng hàng tiêu thụ không còn đủ để gồng chi phí thuê mặt bằng. Trong khi giá mỗi ngày một tăng mà lượng hàng bán ra ít ỏi, chưa kể các khoản phí thuê nhân viên hoặc bảo trì mặt bằng. Do vậy, thay vì cố giữ một điểm bán ở vị trí trung tâm, nhóm đi thuê mặt bằng kinh doanh phải quan tâm bài toán hiệu quả đối với từng cửa hàng, từng mô hình và chọn đầu tư ở khu vực phù hợp.

TS Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường truyền thông quốc tế, cho biết: Chi phí mặt bằng chiếm tỉ lệ lớn trong tổng chi phí kinh doanh nên mặt bằng giá thấp luôn được ưu tiên. Làn sóng rút lui khỏi khu vực trung tâm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lúc này, chủ cho thuê và người thuê nên thương lượng mức giá hợp lý để cùng có lợi.

Thị trường mặt bằng cho thuê bao giờ mới phục hồi?

Nhiều yếu tố bất lợi từ thị trường và loạt các yếu tố khách quan đã khiến thị trường bất động sản cho thuê gặp nhiều khó khăn. Giới chuyên gia nhận định, sẽ mất ít nhất 1 năm nữa để tái cân bằng bộ mặt trung tâm TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các thành phố lớn khác trên cả nước.

Ông Lê Tấn Quốc, Giám đốc Công ty CP tư vấn bất động sản SenHo Việt Nam cho rằng: nền kinh tế thế giới liên tục gặp khó khăn vì chiến tranh, biến động giá, nên đã tác động đến nền kinh tế trong nước. Theo đó, người tiêu dùng cũng thắt chặt chi tiêu hơn, nhu cầu mua sắm so với trước dịch COVID-19 cũng giảm nhiều, chưa kể xu hướng mua hàng online cũng đang dần trở thành thói quen của giới trẻ. Vì thế, các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ cũng trở nên ế ẩm hơn trước; các doanh nghiệp cũng đang co hẹp lại cửa hàng truyền thống. Điều này đã khiến nguồn cung cho thuê mặt bằng tuy dồi dào nhưng vẫn ít người thuê lại, trong khi giá cho thuê vẫn còn quá cao so với khả năng người đi thuê, đặc biệt trong bối cảnh sức mua ảm đạm như hiện nay.

Ảnh chụp màn hình

Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam - cho rằng cách làm việc của các chủ nhà cũng góp phần khiến thị trường nhà phố cho thuê khó đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng, đặc biệt từ quốc tế hoặc ở phân khúc cao cấp, xa xỉ. Tương tự, tổng giám đốc một chuỗi cà phê lớn ở thị trường quốc tế khi đến Việt Nam cho rằng chủ mặt bằng không có sự ưu ái đối với khách thuê, do đó giá thuê thường tăng phi mã kèm nhiều điều khoản khắt khe.

Bà Lê Hồng Minh, Giám đốc công ty TNHH VNI Homecare (công ty chuyên thuê và cho thuê lại cao ốc văn phòng, mặt bằng kinh doanh, nhà ở tại TP Hồ Chí Minh) nhận định: chi phí thuê mặt bằng các khu vực trung tâm Thành phố khá đắt đỏ, khiến nhiều đơn vị không thể gánh nổi. Mặt khác, vẫn còn nhiều rủi ro mà các nhà đầu tư vào phân khúc này chưa thể hình dung như: chi phí khấu hao, nâng cấp, tu sửa, bố trí mặt bằng ban đầu, mua sắm đồ đạc trang thiết bị rất lớn; chi phí để đặt cọc thuê nhà cũng không hề nhỏ nên khiến khả năng lấp đầy của thị trường cho thuê bất động sản thời gian qua mới khó đạt được.

"Ngoài ra, nhu cầu tìm mua nhà ở thực của người dân đang gặp nhiều thách thức, khó khăn do dòng tiền eo hẹp, tín dụng bị siết chặt, trong khi nhu cầu về nhà ở, kinh doanh ngày càng tăng cao. Vì vậy, phân khúc bất động sản cho thuê hứa hẹn sẽ còn nhiều tiềm năng để khôi phục trong thời gian sắp tới nếu áp dụng các chính sách giảm giá thuê gần bằng với mức thu nhập của người kinh doanh", bà Lê Hồng Minh nói.

Nhận định về thị trường này trong thời gian tới, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng: "Khu vực trung tâm sẽ sôi động trở lại nếu xuất hiện một số yếu tố thuận lợi như nhà ga của tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, kinh tế phục hồi. Trước mắt, việc chủ cơ sở kinh doanh ồ ạt rời đi sẽ tạo áp lực để kéo giá cho thuê xuống, hình thành mặt bằng giá mới”.