ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ sáu, 11h36 20/09/2024

Liên Hợp Quốc đưa ra 7 khuyến nghị để quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn cầu

(KDPT) - Ngày 19/9, cơ quan tư vấn về trí tuệ nhân tạo của Liên Hợp Quốc đưa ra 7 khuyến nghị nhằm đối phó với các rủi ro liên quan đến AI.

Liên Hợp Quốc lo ngại về những mặt trái của AI

Để thúc đẩy quản lý sử dụng AI, cuối tháng 10/2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã thành lập ban cố vấn phụ trách khuyến nghị trong lĩnh vực AI (HLAB-AI: United Nations Secretary-General’s High-level Advisory Body on Artificial Intelligence) để đưa ra các khuyến nghị về cách thức quản lý việc sử dụng AI cũng như xác định những rủi ro và cơ hội từ công nghệ này.

Trong số các khuyến nghị có việc thành lập một ủy ban cung cấp kiến thức khoa học khách quan, tin cậy về AI; xây dựng một mạng lưới phát triển năng lực AI toàn cầu; và hình thành một khuôn khổ dữ liệu AI toàn cầu để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm.

Ngày 19/9, cơ quan tư vấn về trí tuệ nhân tạo của Liên Hợp Quốc đã công bố bản báo cáo cuối cùng, trong đó đưa ra 7 khuyến nghị nhằm đối phó với các rủi ro liên quan đến AI cũng như khắc phục những khoảng trống trong quản trị công nghệ này.

Liên Hợp Quốc đưa ra 7 khuyến nghị để quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn cầu - ảnh 1

Cơ quan nói trên gồm 39 thành viên là các học giả, giám đốc điều hành trong ngành và quan chức chính phủ từ 33 quốc gia, được thành lập hồi tháng 10 năm ngoái để nghiên cứu và đề xuất các biện pháp quản lý AI ở cấp độ quốc tế.

Trong báo cáo, cơ quan này kêu gọi thành lập một ủy ban cung cấp kiến thức khách quan và đáng tin cậy về AI. Mục tiêu chính là khắc phục sự mất cân bằng thông tin giữa các phòng thí nghiệm nghiên cứu AI và các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia chưa có nhiều năng lực phát triển công nghệ này.

Kể từ khi ChatGPT của OpenAI ra mắt vào năm 2022, công nghệ AI đã nhanh chóng lan tỏa và được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Sự bùng nổ này mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng khiến dư luận lo ngại về việc phát tán thông tin sai lệch, tin giả và tình trạng vi phạm bản quyền.

Mới chỉ một số ít quốc gia, tổ chức đã kịp thời ban hành các luật lệ để quản lý AI. Trong số đó, Liên minh Châu Âu (EU) dẫn đầu với việc thông qua một đạo luật AI khá toàn diện, thiết lập một bộ khung pháp lý để kiểm soát sự phát triển của công nghệ này.

Ngược lại, Mỹ đang theo đuổi cách tiếp cận tự nguyện, tập trung vào việc khuyến khích các công ty công nghệ tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức.

7 khuyến nghị chính cho quản trị AI toàn cầu

Đầu tiên, báo cáo kêu gọi thành lập một nhóm chuyên gia khoa học về AI, hoạt động giống như Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), để xây dựng sự hiểu biết toàn cầu về "năng lực, cơ hội, rủi ro và bất ổn của AI".

Thứ hai, để hạn chế khoảng cách về AI, Ban cố vấn về AI đề xuất thành lập Quỹ AI toàn cầu, nhằm giải quyết các khoảng cách về năng lực và sự hợp tác, trao quyền cho các nỗ lực của quốc gia nhằm thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ (SDG). Theo đó, Quỹ này sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia tụt hậu về AI tiếp cận các công cụ hỗ trợ AI như điện toán, tập dữ liệu, các mô hình AI và các công cụ quản trị.

Thứ ba, để đảm bảo khả năng tương tác của quản trị AI toàn cầu, HLAB-AI đề xuất tổ chức các cuộc đối thoại chính sách mới về quản trị AI 2 lần/năm, bao gồm các cuộc họp liên chính phủ và nhiều bên liên quan, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết chung về việc thực hiện các biện pháp quản trị AI của các nhà phát triển và người dùng trong khu vực công và tư nhân để tăng cường khả năng tương tác quốc tế của quản trị AI.

Thứ tư, thành lập một sàn giao dịch tiêu chuẩn AI, bao gồm các đại diện từ các tổ chức tiêu chuẩn, công ty công nghệ và xã hội dân sự, nhằm xây dựng và phát triển các định nghĩa và các tiêu chuẩn áp dụng cho việc đo lường và đánh giá các hệ thống AI; đánh giá các tiêu chuẩn và quy trình tạo ra chúng; xác định những chỗ (gaps) cần có các tiêu chuẩn mới. Tất cả nhằm bảo khả năng tương tác kỹ thuật của các hệ thống AI xuyên biên giới.

Thứ năm, HLAB-AI đề xuất thiết lập một mạng lưới phát triển năng lực AI toàn cầu để thúc đẩy năng lực quản trị AI đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ và thực hiện mọi quyền con người; cung cấp đào tạo, tài nguyên tính toán và các bộ dữ liệu AI cho các nhà nghiên cứu và doanh nhân xã hội.

Thứ sáu, một khuôn khổ dữ liệu AI toàn cầu được đề xuất để chuẩn hóa các định nghĩa, nguyên tắc và quyền quản lý liên quan đến dữ liệu, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hệ thống AI.

Thứ bảy, HLAB-AI đề xuất thành lập một văn phòng AI trực thuộc Ban thư ký LHQ để hỗ trợ và điều phối việc thực hiện các đề xuất này.

Cần có trách nhiệm khi sử dụng AI trong quân sự

Ngày 10/9 vừa qua, khoảng 60 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã ký vào một “bản kế hoạch hành động” nhằm quy định việc sử dụng AI có trách nhiệm trong quân sự. Tuy nhiên, Trung Quốc không tham gia ký kết tài liệu vốn không có tính ràng buộc pháp lý này.

Trước thực tế hiện nay, AI đang được phát triển chủ yếu bởi một số ít các công ty đa quốc gia, Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ công nghệ này có thể bị áp đặt lên các quốc gia và cá nhân vốn không tham gia vào quá trình quyết định cách thức mà nó được sử dụng.

Bên cạnh đề xuất thành lập ủy ban cung cấp kiến thức về AI, cơ quan tư vấn của Liên Hợp Quốc còn đề xuất thiết lập một cơ chế đối thoại chính sách mới và một sàn giao dịch các tiêu chuẩn AI, đồng thời xây dựng một mạng lưới phát triển năng lực AI toàn cầu nhằm tăng cường khả năng quản lý công nghệ này.

Cơ quan tư vấn cũng khuyến nghị thành lập Quỹ AI toàn cầu để giúp khắc phục những khoảng trống về năng lực quản trị AI và thúc đẩy hợp tác quốc tế, kèm theo đó là đề xuất xây dựng một khung dữ liệu AI toàn cầu nhằm bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm trong sử dụng công nghệ AI.

Những khuyến nghị này đánh dấu một bước đi quan trọng trong nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm đối phó với các thách thức mà AI mang lại, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng công nghệ này theo hướng có trách nhiệm và bền vững./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024