Liên kết vùng - Điều kiện cần để phát triển kinh tế tuần hoàn
Mục tiêu của việc xây dựng kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông là hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa lợi thế của các địa phương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.
I. Cộng hưởng tiềm lực
Việc liên kết 4 địa phương sẽ tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP.HCM và 8 lần so với Đà Nẵng; quy mô dân số gấp gần 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số TP.HCM.
Năm 2024, các địa phương trong chuỗi liên kết này tiếp tục duy trì sự tăng trưởng, chỉ trừ Quảng Ninh - do bị ảnh hưởng nặng nề do bão Yagi. Cụ thể
+ Hưng Yên: GRDP ước đạt 8,17% - vượt kế hoạch đề ra; GRDP bình quân đầu người 121,6 triệu đồng. Thu ngân sách ước đạt 40.114 tỷ đồng, đạt 122,2% so với dự toán; Thu hút đầu tư FDI đạt mức lớn nhất từ trước tới nay - đạt 1,4 tỷ USD và thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 25.751 tỷ đồng.
+ Hải Dương: GRDP ước đạt 10,2%, đứng thứ 6 và gấp 1,5 lần bình quân toàn quốc; GRDP bình quân đầu người đạt gần 100 triệu đồng/người; Thu ngân sách ước đạt trên 28 nghìn tỷ đồng, tăng 46,7% so với dự toán, cao nhất từ trước đến nay; Thu hút đầu tư FDI đạt 718,1 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước đạt khoảng 11.489 tỷ đồng
+ Hải Phòng: Dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 11,01%, đứng thứ 3 cả nước, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp TP. Hải Phòng đạt mức tăng trưởng 2 con số. GRDP bình quân đầu người đạt 8.665 USD/người/năm; Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 109.387 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt trên 38.000 tỷ đồng, vượt hơn 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch); Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2024 đạt 4,7 tỷ USD, tăng hơn 2,3 lần so với kế hoạch.
+ Quảng Ninh: GRDP ước đạt 8,42 %, chưa đạt mục tiêu "hai con số" đã đề ra; GRDP bình quân đầu đạt khoảng 10.000 USD/người/năm; Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện cả năm đạt 55.600 tỷ đồng, bằng 104% dự toán Trung ương giao; Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 2,3 tỷ USD và thu hút đầu tư trong nước đạt khoảng 19.254 tỷ đồng
Tham gia liên kết kinh tế, mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng để phát huy, khai thác. Trong đó, Quảng Ninh với thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất - thương mại gắn với thị trường Trung Quốc. Hải Phòng có lợi thế đặc biệt về hệ thống cảng biển và logistics. Hải Dương có tiềm năng nổi trội về nguồn nhân lực, quỹ đất và vị trí trung tâm vùng, thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo. Hưng Yên có lợi thế đặc biệt do tiếp giáp thủ đô Hà Nội, tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp cũng như nông nghiệp công nghệ cao, đang có tốc độ đô thị hoá rất nhanh.
Bốn địa phương thuộc trục cao tốc phía Đông hiện có 88 KKT và KCN. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy của các KCN hiện mới đạt khoảng 50%. Việc thu hút đầu tư vẫn đang tình trạng mỗi người một phách, thiếu một chiến lược chung, để phát huy lợi thế của từng địa phương.
+ Hải Phòng có 1 khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, 1 KKT ven biển phía Nam Hải Phòng theo mô hình tăng trưởng xanh với định hướng là khu kinh tế ven biển tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển và logistics hiện đại; và 25 KCN với tổng diện tích 12.702 ha 1 KKT.
+ Hải Dương có 24 KCN tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha.
+ Quảng Ninh 5 KKT (gồm 3 KKT cửa khẩu, 2 KKT ven biển) và 16 KCN, với tổng diện tích khoảng 388.671 ha.
+ Hưng Yên có 17 khu công nghiệp có diện tích là 4.395,43 ha.
Trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, 4 địa phương trên được đánh giá là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Ngành công nghiệp - xây dựng của các địa phương là trụ cột tăng trưởng của vùng, thu hút được các dự án đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, quan trọng có hàm lượng công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn trong lĩnh vực điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ô tô, đóng tàu, dệt may; bước đầu hình thành ngành công nghiệp phụ trợ trong các ngành này tại Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Để có thể cộng hưởng tiềm lực của các địa phương, cần phải tối ưu hoá được thế mạnh chung và riêng của các địa phương trong chuỗi liên kết này.
Như đã phân tích ở trên, liên kết này được hình thành dựa theo trục đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái. Vậy thế mạnh chính và chung lớn nhất giữa các địa phương chính là lợi thế về hạ tầng giao thông đồng bộ. Kéo theo đó chính là ngành logistics, phát triển công nghiệp phụ trợ, xây dựng các chuỗi sản xuất thông mình, tuần hoàn có tính liên kết cao. Các địa phương có thể tận dụng được ưu thế hạ tầng của nhau, lợi thế về tài nguyên, nhân lực.
Có thể phân tách các lợi thế này theo 4 nhóm sau:
1. Tăng cường kết nối và lưu thông hàng hóa
+ Giảm thời gian và chi phí vận chuyển: Hệ thống cao tốc hiện đại giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tỉnh, giảm chi phí vận chuyển và tăng hiệu quả logistics.
+ Mở rộng thị trường tiêu thụ: Kết nối giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
2. Phát triển chuỗi cung ứng hiệu quả
+ Tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân phối: Liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu tồn kho và tăng tốc độ phản ứng với nhu cầu thị trường.
+ Nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ: Sự phối hợp giữa các bên trong chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
3. Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ
+ Hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành: Cơ sở hạ tầng giao thông phát triển thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp hỗ trợ, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp.
+ Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp: Liên kết vùng giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dễ dàng hợp tác, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
4. Phát triển kinh tế vùng và nâng cao đời sống người dân
+ Tạo việc làm và thu nhập ổn định: Sự phát triển của chuỗi sản xuất và logistics mang lại nhiều cơ hội việc làm, cải thiện đời sống kinh tế cho người dân địa phương.
+ Đẩy mạnh xuất khẩu và hội nhập quốc tế: Hạ tầng giao thông thuận lợi giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, tăng cường xuất khẩu và hội nhập kinh tế toàn cầu.
Việc liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi logistics, chuỗi cung ứng và phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua trục cao tốc Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực.
II. Điều kiện cần để xây dựng kinh tế tuần hoàn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng khẳng định: "Không 1 quốc gia nào muốn phát triển nhanh, bền vững mà không thực hiện theo mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn. Khi nào chúng ta thấy đó là con đường tất yếu chúng ta phải đi thì mới có các hành động cụ thể hiệu quả được".
Và cam kết của Việt Nam đối với nền kinh tế tuần hoàn không chỉ để ứng phó với các thách thức bảo vệ môi trường, mà còn là một giải pháp giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững. Bằng cách thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam sẽ chủ động tối ưu hóa nguồn tài nguyên sử dụng.
Mà muốn xây dựng được kinh tế tuần hoàn thì cần phải xây dựng được các chuỗi sản xuất khép kín quy mô cấp doanh nghiệp, cấp cụm - khu công nghiệp, cấp vùng.
Trong khi đó, không chỉ Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông mà các liên kết vùng khác trong cả nước với quy mô lớn hơn đều dựa vào 3 mối liên kết sau:
1. Liên kết giữa chính quyền với chính quyền
+ Tạo ra chính sách chung, hành lang pháp lý trong thu hút đầu tư, đặc biệt là với các doanh nghiệp đang hoạt động trong chuỗi liên kết
+ Như vậy sẽ tạo sự cạnh tranh minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp trong chuỗi
+ Tránh được tình trạng các địa phương cạnh nhanh theo hướng chạm đáy chỉ để thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư hơn.
2. Liên kết giữa chính quyền với doanh nghiệp
+ Chính quyền hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong khối được tốt hơn
+ Doanh nghiệp cũng có lợi thế tiếp cận với cơ hội đầu tư kinh doanh, tìm kiếm đối tác phù hợp.
3. Liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp
+ Chia sẻ lợi ích, hợp tác kinh doanh, cùng xây dựng lên các chuỗi sản xuất quy mô liên vùng theo mô hình kinh tế tuần hoàn
+ Tối ưu được giá trị lợi nhuận khi xây dựng được các chuỗi liên kết.
Như tại Shinec, chúng tôi đã xây dựng thành công 3 chuỗi cộng sinh công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng, gồm: Ngành luyện kim - cơ khí; nhựa và các sản phẩm từ nhựa; phụ trợ điện - điện tử.
Ví dụ, trước đây sản xuất thép thành phẩm, xỉ thép phải mang xử lý, đơn vị sản xuất phải trả 5 triệu đồng/tấn xỉ thép cho đơn vị xử lý kia thì nay bán thu về được 5 triệu đồng.
Nguồn nước thải cũng vậy, khi thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung trong KCN rồi tái tạo lại thành nước sinh hoạt; nuôi các loài thủy sản, thủy sinh; dùng tưới cây, rửa các trang thiết bị, dụng cụ trong các nhà máy KCN; rửa đường, làm mát lò hơi, phòng cháy, chữa cháy. Chúng tôi còn hợp tác với một doanh nghiệp Hà Lan chuyên cung cấp các công nghệ lọc nước tiên tiến nhất hiện nay để lọc nước thải bằng công nghệ Nano, tái sử dụng cho mục đích công nghiệp.
Với quy trình khép kín và sản xuất tuần hoàn này, tất cả những thứ bỏ đi trước đây giờ đều có giá trị, đều là nguyên liệu quan trọng, tăng thêm doanh thu cho doanh nghiệp.
Chúng tôi đã mở rộng sự cộng sinh này với cộng đồng dân cư xung quanh để cùng tham gia vào sự sản xuất; và đang tiến tới cộng sinh cấp vùng, tức liên kết với doanh nghiệp tại địa phương khác, hoặc đầu tư ra địa phương khác để hình thành chuỗi sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn ở cấp vùng, hoặc nhân rộng mô hình ra địa phương khác, qua đó góp phần vào tiến trình phát triển kinh tế tuần hoàn của quốc gia.
Hiện tại, thì chúng tôi đã có dự án tại huyện Đầm Hà của Quảng Ninh với mô hình cụm công nghiệp sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn.Chúng tôi hoàn toàn có thể hợp tác với các doanh nghiệp tại địa phương, để đưa họ vào cụm công nghiệp hoạt động theo các chuỗi cộng sinh, tạo nên một vòng tuần hoàn trong sản xuất, gia tăng giá trị lợi nhuận, đảm bảo sự phát triển xanh và bền vững.
Shinec chọn huyện Đầm Hà tại Quảng Ninh để đầu tư bởi đây là địa phương nằm trong liên kết của trục cao tốc phía Đông, với những lợi thế về quỹ đất, nhân lực, giao thông, và thị trường lớn.
Đặc biệt, khi đến Quảng Ninh, với uy tín và thương hiệu chúng tôi đã gây dựng thành công ở Hải Phòng, Shinec đã được chào đón rất nhiệt thành, được hướng dẫn và hỗ trợ thủ tục đầu tư rất tốt.
Nhưng nhìn rộng ra, để mối liên kết này phát huy hiệu quả cao hơn nữa, thực tế hơn nữa, theo tôi, các tỉnh, thành phố nên giao cho một sở ngành điều phối nội dung này vấn đề này. Ví dụ như giao cho ban quản lý các khu công nghiệp khu kinh tế của các địa phương để giúp cho chính quyền các địa phương điều tiết việc hợp tác sao cho năng động. Những bộ phận này sẽ tập hợp tất cả những thông tin phát sinh trong quá trình thực hiện liên kết vùng này và tổng kết những con số để báo cáo lên Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch thành phố, giúp cho các lãnh đạo có được sự điều tiết chiến lược.
Ví dụ như việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp. Không phải KCN nào cũng có thể xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp vì phải tuân theo quy hoạch của địa phương. Song, đây lại là yếu tố không thể thiếu để có thể tạo ra chuỗi sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Nếu có một điều phối chung, cả 4 địa phương có thể ngồi lại, chỉ ra, KCN nào ở địa phương nào có thể xây dựng được nhà máy, từ đó, tính toán đến việc liên kết các KCN hoặc cụm công nghiệp gần nhau để hình thành lên một chuỗi liên kết cấp vùng.
Mặt khác, các doanh nghiệp trong liên kết khi mở rộng hoạt động đầu tư ra địa phương khác trong chuỗi, sẽ được nhận những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù. Muốn thế thì đầu mối thực hiện vai trò điều tiết tại các địa phương sẽ có sự tham mưu danh sách các ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư trong chuỗi liên kết này. Như vậy, sẽ thúc đẩy được các doanh nghiệp, nhà đầu tư mở rộng quy mô hoạt động của mình./.
- Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn song hành cùng mọi hoạt động của doanh nghiệp
- Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phát triển trong điều kiện mới
- Hỗ trợ sinh kế bền vững cho nông hộ theo định hướng kinh tế tuần hoàn