ISSN-2815-5823
Thứ năm, 10h03 16/07/2020

Liệu có “con đường tơ lụa” nào trên hành trình tái chế rác thải nhựa?

(KDPT) – Rác thải nhựa là nguồn ô nhiễm lớn, ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe và sự thịnh vượng của con người. Ước tính, mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được mua, khoảng 5 nghìn tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng mỗi năm trên toàn thế giới. Rác thải nhựa với những hệ lụy về cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung.

Những con số “biết nói”

Trên thế giới, 381 triệu tấn chất thải nhựa được sản xuất hàng năm, con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2034. Trong đó 50% là nhựa sử dụng một lần như cốc, ống hút, túi nhựa,… và chỉ 9% được tái chế, 12% được đốt.

Trung Quốc, Mỹ và Đức là ba quốc gia phát sinh chất thải nhựa lớn nhất, lần lượt là 60, 38 và 14,5 triệu tấn/năm và xu hướng này có thể kéo dài đến năm 2025.

Hầu hết, rác thải nhựa do con người tạo ra được tập trung ở các bãi rác, 79% trong số đó được gửi đến các bãi chôn lấp hoặc đại dương, tạo thành những đảo rác khổng lồ, trôi nổi. Theo dự kiến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 1/2016, trong các đại dương, cứ ba tấn cá sẽ có một tấn rác thải nhựa tính đến năm 2025, và khối lượng rác nhựa sẽ nhiều hơn khối lượng của cá vào năm 2050. Zhibin Guan, nhà hóa học tại Đại học California, Irvine, Mỹ, cho biết: “Nếu bạn vứt nhựa ra biển hoặc chôn dưới lòng đất, nó vẫn tồn tại ở đó hàng trăm thậm chí hàng nghìn năm”.

Trên thế giới, 381 triệu tấn chất thải nhựa được sản xuất hàng năm, con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2034. (Ảnh: Internet)

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ước tính đã có hơn 100 triệu động vật biển đã chết do rác thải nhựa. Trong đó, có hơn 260 loài sinh vật biển đã bị vướng hoặc ăn phải rác thải nhựa, bao gồm cả những sinh vật to lớn như cá voi. Hẳn chúng ta chưa thể quên được hình ảnh ám ảnh về chú cá voi mõm khoằm Cuvier khi chết đã dạt vào bờ biển Philippines với hơn 40 kg rác thải nhựa trong bụng.

Tại Việt Nam, Bộ tài nguyên & Môi trường cho biết mỗi năm nước ta thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Riêng Hà Nội và Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường 80 tấn rác thải nhựa, và chỉ 27% trong số đó được tái chế lại.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính đã có hơn 100 triệu động vật biển đã chết do rác thải nhựa. (Ảnh: Internet).

Được biết, Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển với 0,28 – 0,73 triệu tấn mỗi năm (chiếm khoảng 6%). Đây là một thứ hạng đáng buồn với nước có diện tích nhỏ và đang phát triển như Việt Nam. Không những nhiều, rác thải nhựa ở Việt Nam đa phần đều bị thải trực tiếp cùng nhiều loại chất thải khác mà không được phân loại. Điều này càng gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý tái chế và giảm rác thải nhựa.

Chất thải nhựa khó phân hủy kéo dài gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém nhưng lại là nguồn năng lượng tái tạo khi sử dụng đúng phương pháp. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nhựa kém chất lượng trong quá trình sử dụng sẽ sản sinh ra BPA – một loại chất độc hại, gây ra các bệnh lý nguy hiểm ở người như vô sinh, tiểu đường, ung thư… Bởi vậy, không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng cần tìm ra và áp dụng các công nghệ xử lý rác thải nhựa, vừa cải thiện sức khỏe con người, vừa thân thiện môi trường và tạo ra các sản phẩm hữu ích.

“Chung lưng đấu cật” với bài toán khó

Nhìn thấy một thực tế, tình trạng sản xuất, tiêu dùng và thải đồ nhựa trên thế giới đang tăng lên không ngừng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì chẳng mấy chốc môi trường sẽ ngập tràn toàn rác thải nhựa. Với dân số đông nhất, Trung Quốc đã sản xuất số lượng nhựa lớn nhất, gần 60 triệu tấn. Tiếp theo là Hoa Kỳ với 38 triệu, Đức là 14,5 triệu và Brazil là 12 triệu tấn.

Các quốc gia trên thế giới hiện vẫn gặp khó khăn với công nghệ xử lý, tái chế chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng, bởi hầu hết lượng rác thải vẫn đang được chôn lấp là chủ yếu. Để giải quyết triệt để vấn đề này, con người cần biến rác thải nhựa thành hàng hóa, có thể sử dụng như nhiên liệu hydrocarbon lỏng. Polyethylene được làm từ các loại nhiên liệu hóa thạch, nhưng việc chuyển đổi polyethylene trở lại thành phần như ban đầu đặt ra thách thức lớn, vì nhựa là hợp chất hóa học bền vững.

Xử lý rác thải nhựa là bài toán khó cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. (Ảnh: Internet).

Hiện trên thế giới có nhiều công nghệ xử lý rác thải nhựa được áp dụng khá tốt. Nhật Bản đốt rác thải một cách triệt để bằng công nghệ CFB (Công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi), giúp xử lý rác bằng cách vùi rác vào một lớp cát, sau đó sử dụng lưu lượng không khí trong quá trình nung lò, cùng một số hóa chất khác để tiêu hủy rác. Rác bên trong lò sẽ được đối lưu liên tục, và sẽ bị tiêu huỷ hết trong thời gian rất nhanh, kể cả những vật liệu cứng đầu nhất. Công nghệ này cũng giúp lượng khí thải như NO và NO2 giảm đi rất nhiều, cùng giá thành rẻ hơn những loại hình khác. Lượng nhiệt năng sau khi đốt cũng được sử dụng để sản xuất điện.

Hoặc với phương pháp tái chế rác thải nhựa, tiêu biểu có thể kể đến con đường tái chế tại Rotterdam, Hà Lan – một biện pháp hạn chế lượng khí CO2 thải ra môi trường bên ngoài. Con đường trải nhựa tái chế được nhiều chuyên gia đánh giá mang lại tính năng ưu việt hơn, rút ngắn thời gian xây dựng và bảo trì.

Hay như mô hình MR6 tại Cumbira, Anh sử dụng nhựa phế thải, chất thải nông nghiệp và chất thải thương mại tạo nên. Thảm đường được cho là có chất lượng tốt hơn đến 60% và tuổi thọ kéo dài gấp 10 lần so với các tuyến đường nhựa thông thường.

Tại Việt Nam, các phương pháp chủ yếu đang được dùng để xử lý rác thải nhựa vẫn chỉ xoay quanh chôn lấp, đốt, tái chế,… Tuy nhiên, những phương pháp này cũng đem lại những mặt trái ảnh hưởng trực tiếp đến con người và thiên nhiên. Ví dụ, chôn lấp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất, làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm,… Đốt rác thải nhựa giúp giải quyết triệt để hơn, nhưng lại nảy sinh vấn đề do quỹ đất hạn hẹp, hoặc làm sản sinh ra chất dioxin (chất da cam) gây biến đổi gen, mang đến nhiều nguy hiểm cho con người và sinh vật. Hay như việc tái chế rác thải nhựa ở nước ta chưa có quy mô lớn và vẫn còn nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, chi phí cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ rác thải nhựa được phân loại từ nguồn là rất thấp cũng gây thêm nhiều khó khăn cho việc phân loại và tái chế.

Thế giới đang có xu hướng lựa chọn công nghệ đốt phát điện và công nghệ nhiệt phân. Đây được xem là hai giải pháp tối ưu để thu hồi được những giá trị từ rác thải và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả. Công nghệ nhiệt phân xử lý rác nhựa được quan tâm tại Việt Nam khoảng vài năm gần đây. Hiện đã có một số đề tài nghiên cứu về công nghệ này của Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Dầu khí, Trung tâm Hóa dầu – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ công nghệ mới… Một số nhà máy trong lĩnh vực môi trường đã và đang triển khai ứng dụng như: Công ty Môi trường xanh Hải Dương, Công ty Môi trường Bình Phước, Công ty Môi trường xanh Huê Phương… bước đầu thu được những kết quả khả quan. Công nghệ này bước đầu mang lại nhiều giá trị và lợi ích lâu dài cho sự phát triển của các khu công nghiệp, khu đô thị tại Việt Nam.

Trước mắt, giải pháp đối với Việt Nam ngay lúc này là đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn. Điều này phải trở thành yêu cầu bắt buộc, tiêu chí đánh giá văn hóa đối với người dân để góp phần giảm thiểu chất thải nhựa và túi ni lông ra môi trường. Kế đến nhà nước cần khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia; hỗ trợ các chính sách ưu đãi về đầu tư xử lý tái chế chất thải nhựa. Mặt khác, định hướng người tiêu dùng hướng đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh bằng những hành động đơn giản như sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường: ống hút thủy tinh, ống hút cỏ, cốc, hộp làm từ bã mía, sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn hoặc sử dụng các nguyên liệu từ thiên nhiên như lá chuối, dây chuối,… Các doanh nghiệp, nhà hàng, siêu thị cũng là những đơn vị cần chủ động, tiên phong trong “cuộc chiến” này. Vừa thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường, vừa góp phần tuyên truyền, thúc đẩy mỗi cá nhân cùng chung tay cho một Trái Đất xanh.

Rõ ràng, để giảm thiểu chất thải nhựa không chỉ cần có sự chung tay đồng hành của các ngành, các cấp, các tập thể, doanh nghiệp mà còn cần nâng cao ý thức chống rác thải nhựa đối với mỗi cá thể trong xã hội.

MINH HẠ



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024