ISSN-2815-5823

Lo ngại thông tư mới trở thành "rào chắn" tiếp cận tín dụng

Cover image
(KDPT) - Trong lúc nhiều doanh nghiệp, người dân chật vật vì khó vay vốn ngân hàng thì mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại ra thông tư 06 bổ sung thêm 4 nhu cầu vốn tổ chức tín dụng (TCTD) không được cho vay. Thông tư này đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại “Thông tư 06 đã dựng thêm rào chắn”, làm cho việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn so với trước đây. Vì vậy, cần phải sửa đổi ngay trước khi có hiệu lực để tháo gỡ nút thắt, vực dậy doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Thông tư 06 đã dựng thêm rào chắn, làm cho việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn so với trước đây, do đã quy định tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp mà TCTD không được cho vay.

Theo Hiệp Hiệp Hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), trước đây là chính sách thắt chặt, từ tháng 10/2022 là chặt chẽ, còn hiện tại là linh hoạt, nới lỏng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho ý kiến: "Thông tư 06 ban hành trong tháng 6, trước cuộc họp Chính phủ 1 tuần nhưng tư duy là tư duy cũ nên phải cập nhật ngay chỉ đạo của Nghị quyết 97. Nếu làm theo Nghị quyết 97 thì cần phải sửa Thông tư 06”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA).
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA).

Theo đó, ông Châu đã khiến nghị sửa đối các vấn đề như:

Về Khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN, HoREA đánh giá đã dựng thêm "rào chắn" tiếp cận tín dụng so với trước đây do đã quy định tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp mà tổ chức tín dụng không được cho vay, trong đó quy định thêm 4 trường hợp mà tổ chức tín dụng không được cho vay, sẽ dẫn đến tình trạng một số khách hàng có nhu cầu vay vốn, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư sẽ không tiếp cận được tín dụng,

Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN bổ sung khoản 8 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng không được cho vay "để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom" được HoREA đánh giá là có bất cập.

Theo phân tích, HoREA nhận thấy quy định tổ chức tín dụng không được cho vay "để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom" là đúng và phù hợp với Điều 12 Thông tư 22/2019/TT-NHNN.

Nhưng quy định tổ chức tín dụng không được cho vay "để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh" lại không đúng, không phù hợp thực tế, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP).

Nghị định này quy định "Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành", mà trong "các chương trình, dự án đầu tư" bao gồm cả hoạt động "góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh".

Do vậy, quy định tổ chức tín dụng không được cho vay "để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh" là chưa hợp lý, chưa đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, khoản 8 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.

Còn nhiều điểm chưa hợp lý tại Thông tư 06
Còn nhiều điểm chưa hợp lý tại Thông tư 06.

Quy định này hạn chế khả năng thực hiện quyền tham gia đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam ngay ở giai đoạn ban đầu, theo đó có thể làm mất cơ hội của doanh nghiệp được tham gia đầu tư ở giai đoạn sớm vào các dự án khả thi, có hiệu quả, đồng thời cũng hạn chế khả năng thu hút, kêu gọi vốn sớm để có thể triển khai được các dự án của chủ đầu tư. Điều này cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Vì thế, đơn vị này kiến nghị NHNN sửa đổi Khoản 8 như sau, từ quy định tổ chức tín dụng không được cho vay "để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom" thành "để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom".

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng có cái nhìn thận trọng với các khoản 7, 8, 9 và 10 bổ sung các đối tượng không được vay vốn tín dụng tại Thông tư 06. Ông cho rằng, việc doanh nghiệp người vay vốn quan tâm đến các trường hợp không được vay là rất chính đáng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cần làm rõ từng trường hợp cụ thể.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia.

Theo đó, ông Lực cho hay việc bổ sung đối tượng thuộc Khoản 7 không cho vay để gửi tiền là phù hợp vì các TCTN không thể cho vay để rồi doanh nghiệp, bên đi vay mang tiền đó để gửi chỗ khác nhằm hưởng chênh lệch lãi suất cao hơn mà không đưa tiền vào sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng.

Còn tại khoản 8. ông Lực cho rằng cũng nên xem xét thêm vì hoạt động góp vốn, M&A của doanh nghiệp là khá phổ biến, nhất là giai đoạn hiện nay bởi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Còn với Khoản 9, ông Lực cũng cho rằng cần lưu ý là chỉ không cho vay đối với các khoản góp vốn hay hợp tác đầu tư/kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm Tổ chức tín dụng quyết định cho vay, chứ không phải tất cả. Tuy nhiên, NHNN cũng nên xem xét lại theo hướng dự án có thể chưa đủ điều kiện hiện nay nhưng có thể sẽ đủ điều kiện trong tương lai (dạng "tài sản hình thành trong tương lai") theo đánh giá của TCTD thì nên cho phép vay tín dụng.

Với Khoản 10 không cho vay để bù đắp tài chính, ông Lực cho rằng Thông tư 06 đã loại trừ trường hợp là khách hàng đã ứng vốn để trang trải chi phí thực hiện dưới 12 tháng; chi phí thuộc phương án vay vốn trung dài hạn để thực hiện dự án kinh doanh đó. Tuy nhiên, Thông tư cần làm rõ: Những chi phí này cần đáp ứng cả hai hay 1 trong 2 điều kiện này? Ngoài ra, việc vay vốn có thể để thanh toán các chi phí phát sinh khác cũng nên cân nhắc cho phép vì đây là nhu cầu chính đáng của bên vay.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/05/2024