ISSN-2815-5823
Minh Thành
Thứ năm, 16h38 21/03/2024

Loạt công ty tài chính tiêu dùng "méo mặt" vì thua lỗ

Cover image
(KDPT) - Qua thời "một vốn bốn lời", hiện tại các công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam đang chứng kiến làn sóng thua lỗ do nợ xấu tăng cao. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn nhận định thị trường này còn nhiều tiềm năng và sẽ sớm hồi phục trong tương lai gần.
Giao dịch tại Home Credit
Giao dịch tại Home Credit

Bức tranh xám màu của tài chính tiêu dùng

Thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong vài năm gần đây, tín dụng tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, thị trường này đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và suy giảm tổng cầu.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống đang tăng, đạt gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, so với dưới 2% từ năm 2018 đến 2022.

Các công ty tài chính đang phải đối mặt với tình trạng tăng nợ xấu, gây ra sự suy giảm lợi nhuận. Ví dụ, tại Công ty FE Credit, lợi nhuận đã giảm đáng kể từ năm 2022, đạt mức lỗ kỷ lục vào năm 2022 và vẫn tiếp tục ghi nhận lỗ vào năm 2023. Tình hình tương tự cũng xảy ra tại VietCredit và HD Saison.

Công ty HD Saison cũng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế giảm tới 42% so với năm 2022, chỉ còn 660 tỷ đồng, trong khi thu nhập hoạt động đạt 5.959 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm trước.

Dư nợ của HD Saison tính đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 16.086 tỷ đồng so với năm 2022. Số dư nợ xấu của HD Saison đạt 1.225 tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu là 7,6%.

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Home Credit Việt Nam vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm 2023. Tính đến 6 tháng đầu năm 2023, công ty này thu về hơn 211 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, với tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 3,22%. Mới đây, Home Credit đã chính thức được chuyển nhượng cho nhóm nhà đầu tư người Thái với mức giá gần 21.000 tỷ đồng.

Đối diện với sự gia tăng của nợ xấu và sự suy giảm của tín dụng tiêu dùng, các công ty tài chính đang phải thực hiện các biện pháp hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân cho vay tiêu dùng đã giảm mạnh trong năm 2023, khiến cho các công ty tài chính phải đối mặt với áp lực từ nợ xấu và sự tăng trưởng chậm của thị trường.

Trong bối cảnh này, không ít công ty tài chính tiêu dùng đang gặp khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao, khách hàng cố tình "quên nợ" hoặc rủ nhau “bùng nợ”. Theo VNBA, tốc độ giải ngân cho vay tiêu dùng trong năm 2023 đạt thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính năm 2023 giảm khoảng 40% so cuối năm 2022. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng, trong khi nợ xấu tăng 10-15%. Tín dụng tiêu dùng tăng chậm, còn nợ xấu không dễ kiểm soát, đồng thời tình trạng “bùng nợ” không được xử lý khiến các công ty tài chính “chùn tay”.

Tại Việt Nam, hiện có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép, song giá trị tích cực mà các công ty này hướng đến đang bị pha loãng bởi hàng trăm công ty tín dụng “đen”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nguyên nhân khiến cho tín dụng tiêu dùng chưa tương xứng tiềm năng do cả chủ quan và khách quan. Nguyên nhân khách quan do kinh tế khó khăn nên nhu cầu vay tiêu dùng cũng suy giảm. Đối với nguyên nhân chủ quan, khách hàng gặp khó khăn do tác động suy giảm kinh tế nên ảnh hưởng khả năng trả nợ.

Theo đó, nợ xấu của các công ty tài chính gia tăng, vì vậy họ buộc phải thận trọng trong hoạt động cho vay. Số lượng khách hàng vay vốn giảm; Dư nợ cho vay của các công ty tài chính giảm mạnh so với năm trước minh chứng cho điều này.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến cho tín dụng tiêu dùng tăng trưởng chậm lại do tại Việt Nam vẫn đang thiếu một hành lang pháp lý đủ mạnh xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động cho vay.

Cụ thể, tỷ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao, trong khi đó, chế tài với khách hàng này chưa có. Việc khởi kiện rất khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp.

Loạt công ty tài chính tiêu dùng

Tương lai liệu có sáng cửa?

Bức tranh hiện tại của ngành tài chính tiêu dùng khá ảm đạm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, lĩnh vực này sẽ sớm lấy lại được phong độ. Theo chuyên gia của FiinGroup, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia châu Á có thị trường tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi) cùng với sự phát triển kinh tế ổn định, mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng.

Dù thị trường còn khó khăn nhưng với chủ trương đẩy mạnh tiêu dùng, trong đó có cả tín dụng, nhằm tăng sức mua…, tín dụng ở phân khúc này được kỳ vọng cải thiện. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN cho hay, tín dụng tiêu dùng là xu hướng của thế giới. Ở các nước phát triển như Mỹ, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 60-70% tổng dư nợ cho vay.

Ông Tú khẳng định NHNN rất quan tâm tiêu dùng tín dụng vì hoạt động này không chỉ đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân và góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn giúp giảm quy mô và hoạt động tín dụng đen. Các ngân hàng và công ty tài chính cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, sức mua, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song cần kiểm soát rủi ro nợ xấu.

Bàn về giải pháp thúc đẩy thị trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, thu hồi nợ là một trong những khâu mấu chốt của hoạt động cho vay nói chung và hoạt động cho vay tiêu dùng nói riêng. Do đó, muốn phát triển lành mạnh thị trường cho vay tiêu dùng thì không thể không nhắc đến các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động thu hồi nợ.

Thời gian tới, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng đặc thù đối với mảng tài chính tiêu dùng. Tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Về phía các công ty tài chính tiêu dùng cũng cần nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay, kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, rà soát, đánh giá và cải thiện bộ máy quản trị rủi ro, quản lý chặt chẽ chất lượng nhân viên thu hồi nợ. Các công ty tài chính phải quán triệt với cán bộ nhân viên nắm rõ và tuân thủ quy định của công ty và pháp luật về công tác thu hồi nợ, tránh để xảy ra những hiểu lầm, đánh đồng về hoạt động của tài chính tiêu dùng với các tổ chức cho vay phi pháp. Từ đó xây dựng lòng tin và ý thức trách nhiệm từ phía khách hàng.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng M&A trong lĩnh vực này chính là cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Điển hình là Tập đoàn Home Credit công bố chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam cho The Siam Commercial Bank Public Company Limited - ngân hàng lớn và lâu đời nhất Thái Lan. Thương vụ này trị giá khoảng 800 triệu Euro (gần 870 triệu USD, xấp xỉ 22.000 tỷ đồng) và dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm 2025. Đây là thương vụ mua bán lớn thứ 2 của các công ty tài chính tại Việt Nam.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã ký hợp đồng có giá trị 4.300 tỷ đồng để bán toàn bộ vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd. - thành viên của AEON Group; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản), thương vụ trị giá khoảng 3.500 tỷ đồng; Ngân hàng UOB (Singapore) cũng đã hoàn tất việc mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam...

Ngoài ra, phát triển bền vững vì cộng động cũng đang là giải pháp dài hạn được áp dụng để các công ty tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn như đầu tư vào tài chính toàn diện, giúp những đối tượng dưới chuẩn ngân hàng tiếp cận các dịch vụ tài chính; lấy công nghệ làm nền tảng cho phát triển hệ sinh thái tài chính, phục vụ nhu cầu của thị trường; áp dụng quy trình eKYC kỹ thuật số qua ứng dụng di động, giúp giảm thời gian từ khi đăng ký đến giải ngân chỉ trong 24 giờ... để mang lại nhiều trải nghiệm hơn cho khách hàng./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/05/2024