ISSN-2815-5823

Long An: Đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

(KDPT) – Thời gian gần đây, tỉnh Long An đã thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh việc phát triển cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, triển khai phương án hỗ trợ phát triển giai đoạn năm 2007 – 2010 với 198 máy gặt đập liên hợp.

Là cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Long An đã và đang xây dựng, triển khai đề án đẩy mạnh CGH nông nghiệp trên một số lĩnh vực chủ yếu giai đoạn 2014 – 2016 và đến năm 2020 (Quyết định số 3002/QĐ-UBND ngày 21/8/2015), nhằm đẩy mạnh hơn nữa năng suất xuất nông nghiệp của khu vực.

Cơ giới hóa trong nông nghiệp mang lại nhiều hiệu quả cao.

Những năm qua, tình hình phát triển CGH trên cây lúa ở tỉnh Long An đã có bước phát triển mạnh, chủ yếu tập trung ở các khâu như: làm đất đạt tỷ lệ 100%; thu hoạch đạt 98% diện tích được thực hiện bằng máy gặt đập liên hợp; tỷ lệ sấy khô hạt khoảng 70%, đáp ứng kịp thời yêu cầu thời vụ sản xuất tập trung cao, nhất là khâu thu hoạch; góp phần giảm tỷ lệ thất thoát (ước chỉ còn 5 – 6%); nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo; giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và tăng thu nhập cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An: “Đẩy mạnh CGH vào sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất lao động, cây trồng và thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt. Cùng với việc tiếp cận khoa học – kỹ thuật, khoa học công nghệ cao và hệ thống máy móc, trang thiết bị, nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm chủ lực gắn với hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm an toàn: Vùng chuyên canh rau, lúa và thanh long”.

Nông dân ứng dụng máy móc vào khâu thu hoạch.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ CGH đối với cây trồng, vật nuôi khác còn thấp, chưa được áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, nhất là CGH nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hạn chế tối đa tổn thất sau khi thu hoạch vẫn là vấn đề cấp thiết hiện nay. Tỷ lệ CGH các khâu gieo cấy; máy sấy chủ yếu là các loại lò sấy thủ công vỉ ngang, tốn nhiều sức lao động, chiếm nhiều diện tích, lúa sấy khô không đều; số máy sấy tự động số lượng còn ít, do chi phí đầu tư cao; giao thông nội đồng chưa thuận lợi cho CGH. Đặc biệt, số thửa ruộng bình quân/hộ nông dân còn nhiều, phân tán ở nhiều nơi, đa số có diện tích nhỏ, độ bằng phẳng chưa tốt; người vận hành máy đa số chưa được tập huấn các kỹ thuật cơ bản.

Mục tiêu đến năm 2030, Long An sẽ xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, phát triển dịch vụ nông nghiệp, nông thôn nhằm đẩy mạnh CGH trong sản xuất, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Đáp ứng tốt nhu cầu về tiêu dùng, đẩy mạnh việc xuất khẩu, đây sẽ là bước tiến góp phần thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng bền vững. Hình thành các tổ, nhóm dịch vụ kỹ thuật tại các mô hình cánh đồng lớn, vùng sản xuất nông nghiệp sẽ được ứng dụng các công nghệ cao.

PHÚC HẬU

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/05/2024