ISSN-2815-5823
Chủ nhật, 04h30 10/06/2018

Lùi thời gian thông qua Luật đặc khu là thận trọng và hợp lòng dân

(KDPT) – Sáng sớm 9/6, thông tin Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (Luật đặc khu) từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông được hồ hởi đón nhận. Thông tin này cũng lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cơ quan được giao chủ trì việc dự thảo luật đặc khu.

Theo đó, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm.

Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV theo quy trình xem xét, thông qua dự án Luật tại ba kỳ họp.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn. Dự án Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Tại kỳ họp này, sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua dự án luật này từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm.

Một góc đảo Phú Quốc, nơi dự kiến sẽ trở thành một trong ba đặc khu gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp Nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, các đại biểu Quốc hội và nhân dân rất đồng tình, ủng hộ.

Việc xin lùi thời gian thông qua để xem xét kỹ hơn về dự án luật Đặc khu là rất thích hợp, vì đây không chỉ là giảm áp lực mà rõ ràng đó là sự cầu thị của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, cần cảnh giác trước những ý kiến thực sự không xây dựng về dự án luật Đặc khu trong dư luận xã hội hiện nay.

Việc quyết định xin lùi thời gian thông qua luật Đặc khu để có thêm những ý kiến xác đáng sẽ có tác động tích cực, nhân dân càng thêm tin tưởng vào Chính phủ liêm chính, kỷ cương, sáng tạo, hành động, hiệu quả.

Ngay từ thế kỷ XV, bằng vào thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã đúc rút bài học quý về coi trọng sức dân, luôn đề cao nhân dân, tất cả vì dân với câu nói nổi tiếng: “Chở thuyền, lật thuyền cũng là dân”. Đến thời đại Hồ Chí Minh, một lần nữa tư tưởng “lấy dân làm gốc” lại trở thành kim chỉ nam trong mỗi hành động của Ðảng, của chính quyền, của các cấp cán bộ. Thực tế chứng minh rằng, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm, biết dựa vào dân mà triển khai chính sách, nơi ấy sẽ có chuyển biến, thành tựu rõ rệt.

Trở lại với câu chuyện đặc khu, khi đất nước đang đối mặt với vấn nạn tham nhũng, nhiều tập đoàn hoạt động kém hiệu quả, các dự án đắp chiếu nghìn tỷ vẫn đang tìm lối ra… thì câu chuyện quản lý đặc khu cần phải bàn thảo kỹ lưỡng hơn và hơn hết, cần đào tạo ra một đội ngũ cán bộ có trình độ cao, được tuyển chọn kỹ càng để đủ khả năng đảm đương trách nhiệm điều hành nền kinh tế cũng như đảm bảo an ninh để đặc khu luôn gắn liền với kinh tế và sự an nguy của đất nước. Bác Hồ đã nói: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Sự quan tâm của người dân, của cử tri đối với các vấn đề quan trọng của quốc gia, theo đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương), “là điều đáng mừng. Khi người ta bình chân như vại không ý kiến gì mới đáng sợ”. Người đứng đầu Chính phủ cũng hoan nghênh tinh thần, khí thế rất sôi nổi với rất nhiều ý kiến góp ý cho dự án Luật Đặc khu. “Và tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy thì không lo gì mất nước, thể hiện qua công việc này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Chính phủ “rất lắng nghe ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội, giới trí thức và các lão thành cách mạng, cả giới Việt kiều trong việc xây dựng Luật Đặc khu kinh tế”. Và quyết định lùi lại để nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân là minh chứng cho thấy, Chính phủ rất khẩn trương, cầu thị và tôn trọng ý kiến người dân.

Khi lòng dân luôn hướng về Tổ quốc, khi tiếng dân được lắng nghe, bất cứ công dân nào cũng tìm thấy mình trong mỗi quyết định ở những cấp cao nhất mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đang thể hiện và đưa ra, người dân sẽ không bị lạc mất niềm tin, sẽ thấy yên lòng, yên tâm trước những quyết định mang trọng trách đối với sứ mệnh của cả đất nước, dân tộc.

Duy Khánh (Tổng hợp)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024