Lý giải hiện tượng cổ phiếu ngân hàng liên tục lập đỉnh
Chị Vân - Nhân viên văn phòng (Hà Nội) chia sẻ niềm vui khi danh mục chứng khoán của chị đang lãi trở lại sau gần một năm rưỡi âm vốn, thậm chí có lúc bay hơn 30%. Hiện tại, tài khoản của chị ghi nhận mức lãi hơn 15%, nhờ những cổ phiếu ngân hàng đang tăng từ đáy.
Ngoài chị Vân, còn rất nhiều nhà đầu tư đã rót tiền vào các mã cổ phiếu ngân hàng đã ghi nhận mức sinh lời tốt hơn so với mặt bằng chung.
Dữ liệu FiinGroup cho thấy, từ đầu năm 2024, chỉ số giá ngành ngân hàng tăng khoảng 17%, cao hơn mức tăng 11% của VN-Index và một số ngành chủ chốt như chứng khoán (12%), thép (10%), bất động sản (4%).
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều mã ngành ngân hàng bật tăng từ đáy, đạt tốc độ tăng trưởng mạnh như BIDV, HDB, LPB, TCB, MBB, VIB, ACB, CTG và VCB.
Trên thực tế, ngành ngân hàng đang “ôm” một số rủi ro như chất lượng nợ xấu có xu hướng gia tăng, nhưng các nhà đầu tư vẫn rất săn đón cổ phiếu ngành này trong 2 tháng đầu năm nay.
Hiện sàn chứng khoán đang có 26 mã cổ phiếu ngân hàng, trong đó có 5 mã gần đây đã lập đỉnh là VCB, BID, ACB, HDB và MBB. Ngoài ra, cổ phiếu của một số ngân hàng như CTG và LPB đang ở vùng cận đỉnh lịch sử.
Điểm chung của những mã cổ phiếu tăng cao kỷ lục là các ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn so với mặt bằng chung. Cụ thể, cổ phiếu của 4 trên 5 nhà băng đã lập đỉnh đều nằm trong Top lợi nhuận và đạt chất lượng sản phẩm tốt hơn.
Tuy nhiên, không giống như giai đoạn Covid-19 với môi trường lãi suất thấp, tín dụng cao, hiện tại dòng tiền chảy vào cổ phiếu ngân hàng đã có sự chọn lọc và phân hóa. Dù có nhiều cổ phiếu lập đỉnh, nhưng đà tăng của ngành lần này lại không dàn trải.
Song, một số mã như VBB, BVB, ABB, BAB, SGB, NVB, SSB, KLB, EIB... có vốn hóa ở Top dưới, gần như không tăng trong năm qua và còn cách xa đỉnh cũ.
Cổ phiếu ngân hàng được định giá hợp lý
Cổ phiếu ngân hàng được xem là “cổ phiếu vua” trong thời gian qua. Theo lý giải của các chuyên gia về đà tăng này, cổ phiếu ngân hàng hiện được định giá ở mức hợp lý.
Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Thành Công (TCSC) - Ông Hồ Quốc Bình cho biết, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có định giá thấp nhất lịch sử, chỉ khoảng 0,9-1 lần. Một thập kỷ qua, chỉ xuất hiện 3 giai đoạn định giá cổ phiếu ngân hàng rơi về đáy: giai đoạn 2013-2014, giai đoạn 2019-2020 và hiện tại.
Theo phân tích của VCBS, P/B của toàn ngành thấp hơn khoảng 15% so với trung bình 5 năm. Một số ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao của lợi nhuận và vốn chủ sở hữu cũng giúp hệ số P/B dự phòng duy trì ở mức hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng, cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền nhờ kỳ vọng ngành vừa ”thoát đáy” và đã qua giai đoạn khó khăn nhất.
“Với triển vọng tích cực của nền kinh tế và môi trường lãi suất thấp, nhiều ngân hàng được cho là đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, có thể đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2024” - Ông Nguyễn Tiến Dương - Phó trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích Công ty quản lý quỹ Vietcombank nhận định.
Lãnh đạo của TCSC cũng đồng tình với xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng được kích hoạt khi kỳ vọng vào lợi nhuận tăng mạnh hơn trong năm 2024 so với mức nền thấp năm trước. Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 được dự báo tăng trưởng tới 20%, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân khoảng 15%.
Nhóm phân tích VCBS cho rằng, biên lợi nhuận toàn ngành đã phục hồi từ đáy trong quý III/2023 nhờ nguồn vốn huy động giá cao được hấp thụ trọn vẹn, tỷ lệ huy động vốn rẻ không kỳ hạn (CASA) đã cải thiện.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng tư nhân sở hữu tệp khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào ghi nhận biên lợi nhuận tăng nhanh hơn nhờ tỷ lệ huy động vốn không kỳ hạn cải thiện và tín dụng bán lẻ hồi phục khi lãi suất giảm dần.
Bên cạnh những yếu tố nội tại, theo bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng phân tích dữ liệu FiinGroup, động thái mua ròng của khối ngoại đối với các mã như MSB, VCB, CTG, STB, BID, OCB vừa qua đã hỗ trợ tích cực vào xu hướng tăng ở nhóm này. Cùng với đó, động lực tăng giá của ngành này còn đến từ những câu chuyện riêng của từng nhóm cổ phiếu, như kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư ngoại ở các ngân hàng quốc doanh, việc trả cổ tức tại các ngân hàng tư nhân.
Những tiềm năng dài hạn của "cổ phiếu vua"
Nhìn vào những phiên giao dịch gần đây, có thể thấy đà tăng giá của cổ phiếu ngành này có phần chững lại. Theo bà Đỗ Hồng Vân, tỷ trọng giá trị giao dịch giảm liên tiếp trong 4 tuần, hướng về mức đáy 10 tuần. Khối ngoại đã có tuần thứ 3 liên tiếp bán ròng.
Trưởng phòng phân tích dữ liệu FiinGroup nhận xét: “Các tín hiệu này cho thấy dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng ở trạng thái lưỡng lự, song đây là diễn biến bình thường khi ngành này mới trải qua giai đoạn tăng giá mạnh”.
Đại diện FiinGroup cho rằng, dòng tiền trong ngắn hạn có thể chuyển về các nhóm có tỷ trọng giá trị giao dịch ở mức thấp, giá chưa tăng mạnh, có câu chuyện hỗ trợ.
Về dài hạn, nhóm ngành ngân hàng vẫn rất được chú ý nhờ các yếu tố hỗ trợ. Bên cạnh câu chuyện liên quan tới dòng tiền ngoại hay kế hoạch trả cổ tức, thì sự cải thiện về chất lượng tài sản khi tín dụng bắt đầu tăng lại và những tín hiệu phục hồi về vĩ mô được củng cố hơn sẽ giúp gia tăng dòng tiền, tạo động lực về giá cổ phiếu ngành này trong thời gian tới.
Còn theo dự báo của Ông Hồ Quốc Bình, nếu không có sự kiện mang tính "thiên nga đen", thì thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng bền vững. “Cổ phiếu vua” đóng vai trò dẫn dắt về dòng tiền, thì “sóng” ngành này có thể chỉ mới bắt đầu. Vị này lưu ý, trong quá trình tăng trưởng, thị giá nhóm ngành ngân hàng có thể xuất hiện các nhịp điều chỉnh, song xu hướng tăng giá có thể sẽ kéo dài trong 2-3 năm tới.
Chuyên gia của VCBF cho rằng, khả năng điều chỉnh ngắn hạn hoàn toàn có thể xảy ra sau giai đoạn tăng giá tốt. Song, đơn vị này còn nhận thấy được còn nhiều yếu tố hỗ trợ như kết quả kinh doanh khả quan, định giá cổ phiếu vẫn ở mức hấp dẫn.
Về trung và dài hạn, đối với những nền kinh tế đang phát triển nhanh như Việt Nam, ngành ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng khá lớn.
VCBS dự báo năm 2024, lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn sẽ có sự phân hóa mạnh với mức tăng trưởng khoảng 10%; Một số nhà băng quy mô nhỏ tiếp tục giảm tốc, thậm chí giảm xuống mức âm.
Nền kinh tế biến động và thị trường BĐS chậm phục hồi gây áp lực lên tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên mặt bằng lãi suất hạ xuống mức thấp đã thúc đẩy nhu cầu vay vốn, nhất là tín dụng bán lẻ và SME.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng các ngân hàng đang rất lưu ý tới vấn đề nợ xấu. Theo bà Phạm Liên Hà - Giám đốc nghiên cứu Ngành dịch vụ tài chính của Công ty chứng khoán HSC, cần lưu ý về rủi ro nợ xấu khi chất lượng tài sản của nhiều nhà băng vẫn còn khó khăn và phải theo dõi thêm, cần phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của thị trường, nhất là BĐS để xử lý vấn đề nợ xấu.
VCBS dự báo, nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng vẫn được kiểm soát tốt, nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, khách hàng sẽ trở lại trả nợ khi áp lực chi phí lãi vay giảm.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng lưu ý, với trường hợp Thông tư 02 về cơ cấu nợ không được gia hạn, những ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu, cũng như áp lực trích lập tăng cao từ nay đến hết năm 2025. Với các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu được kiểm soát ở mức vừa phải./.
- Sự “trỗi dậy” của Fintech và cú “bắt tay” kinh điển với ngành ngân hàng
- Nhiều ngân hàng có lãi suất cho vay hấp dẫn, liệu có phải thời điểm tốt để vay mua nhà?