Đến Bắc Hà đúng vào dịp cả miền Bắc đang chìm trong đợt rét đậm kèm theo gió mùa cùng những trận mưa nặng hạt, khiến cho thời tiết chỉ chừng 8-10 độ. Nhưng sức hút, sự quảng bá từ những người đã trải nghiệm nơi đây, nên dù rét thấu xương cũng không ngăn nổi sự háo hức khám phá vùng đất nguyên sơ, đậm chất thơ này của tôi. Và nhất là để chứng kiến phiên chợ đầu năm được tổ chức vào ngày Chủ nhật tuần đầu tiên của năm mới, sau một quãng thời gian dài bị gián đoạn bởi bệnh dịch Covid-19. Chỉ vẻn vẹn trong khu đất trống, chợ gồm một số lều căng tạm hay vài khu nhà cấp bốn đơn sơ. Tuy không được khang trang như dưới xuôi nhưng chợ Bắc Hà được xem là nơi có qui mô khá rộng lớn. Đến đây, ta có thể tìm thấy bất kỳ vật dụng nào cần thiết cho cuộc sống của người dân vùng cao từ cuốc, xẻng tới đồ thổ cẩm hay thậm chí là trâu ngựa, được phân chia khá rõ ràng thành các khu chợ nhỏ hơn để dễ tìm kiếm. Hơn 7 giờ sáng, phiên chợ đã rất nhộn nhịp. Từ trên dốc để xuống chợ chính, dọc hai bên đường đã có rất nhiều mặt hàng bày bán chủ yếu là nông sản thực phẩm của người dân địa phương. Rau cải đang đúng độ lên ngồng, nhú những búp hoa, những bó cải củ trắng tinh, những túi ngọn đậu Hà Lan xanh mởn vẫn còn đọng lại những giọt nước mưa trên lá, mới chỉ nhìn thôi đã thấy độ tươi ngon mà dưới xuôi hầu như không có. Không cần dựng sạp, người bán hàng chỉ kê một chiếc bàn nhựa để bày, hoặc đặt món hàng của mình vào những mảnh nilon được trải sẵn hay những rổ rá, xô chậu…

Măng là thứ đặc sản của núi rừng nên người dân chỉ cần tháo bao tải hoặc dỡ chiếc gùi ra đổ xuống đất thế là đứng bán. Ngoài rau xanh, măng tươi thì bánh chưng cũng được các bà, các mế bày bán khắp chợ. Bánh chưng ở đây không gói vuông như dưới xuôi, nó chỉ dài bằng 2/3 chiếc bánh tày ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn hay các vùng miền núi phía Bắc. Ở mỗi đầu người ta bẻ lá theo góc chéo nên bánh có độ vát nhìn thật xinh xắn và chắc chắn. Đồng bào người Tày ở Bắc Hà làm bánh chưng đen theo cách rất độc đáo, gạo trộn từ than của cây núc nác, cùng một số loại gia vị đặc trưng của vùng núi nên ăn rất mát, không bị nóng cổ. Loại bánh chưng này trước kia chỉ xuất hiện vào dịp Tết, nhưng nay đã khá phổ biến và trở thành món đặc sản cho du khách.

Phiên chợ đầu năm mới ở Bắc Hà được cho là phiên chợ vùng cao lớn nhất Lào Cai, đây còn được xem là một trong 10 chợ phiên nổi tiếng của Đông Nam Á, bởi vẫn giữ vẻ đẹp nguyên sơ mang đậm nét bản sắc văn hoá cùng đồng bào vùng cao Tây Bắc. Chợ Bắc Hà chỉ họp mỗi tuần một phiên vào ngày Chủ nhật. Đây không đơn giản chỉ là nơi mua và bán mà còn tập trung những nét tinh túy, đặc sắc của cuộc sống đồng bào Mông, Tày, Nùng. Chợ phiên đã trở thành nét đẹp đại diện cho vùng đất giữa mây trời. Khu ẩm thực với khoảng hai chục hàng ăn nằm sâu trong chợ. Mỗi gian hàng đều rộng và được bày bán nhiều loại đồ ăn. Nhà nào cũng có một chảo thắng cố đặt sẵn trên bếp, khói bốc nghi ngút. Món này luôn thu hút không chỉ người bản xứ mà du khách cũng thấy khoái khẩu. Thắng cố là món ăn được nấu khá đơn giản, với 12 thứ gia vị truyền thống bao gồm: thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng và nhiều loại gia vị đặc biệt của vùng cao. Trong đó cây thắng cố là loại gia vị cuối cùng. Thịt và nội tạng của con vật được rửa sạch và luộc chín lên, ướp trước với các loại gia vị, sau đó thả vào trong nồi nước có xương ngựa, nội tạng, tiết và cùng với loại gia vị kể trên đã được đun sôi lên, rồi cứ thế ninh nhừ hàng tiếng đồng hồ để cho thấm đẫm gia vị. Khi ăn có thể thêm vào chút ớt, tiêu hoặc muối. Nghe nói, Bắc Hà là cái nôi thắng cố ra đời cách đây được gần 200 năm khi người Mông, Tày, Nùng về đây cư trú. Do đó, thắng cố ở đây có phong vị nguyên bản không đâu sánh bằng. Bên cạnh đó, một bàn thịt với đầy đủ các loại, cả gà lẫn lợn để ai muốn ăn gì thì ăn. Nhìn chảo thắng cố rất hấp dẫn nhưng không đủ can đảm nên tôi chọn món phở chua đã nghe danh từ lâu.

Phở chua là món ăn truyền thống rất nổi tiếng của người Bắc Hà. Nguyên liệu chính tạo nên sự khác biệt của món ăn này chính là bánh phở, khác với bánh phở thông thường, loại bánh này màu hồng đỏ, bánh được tráng từ loại gạo đỏ đặc biệt của địa phương, trồng ở xã Lùng Phình. Loại gạo đỏ này nấu cơm rất cứng, nhưng khi làm bánh phở lại mềm và thơm. Ngoài bánh phở, nước chua là khâu rất quan trọng để tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn này. Mùa rau cải, người ta chọn loại cải bẹ, đem rửa sạch rồi phơi cho héo, sau đó thái nhỏ, muối chua để làm nguyên liệu chế biến nước dùng cho món phở chua. Bánh phở được thái nhỏ, sau đó bỏ vào bát, chan nước dùng dưa chua, cùng với một số loại gia vị gồm dưa cải, lạc, rau sống, đậu xị và thêm chút gia vị rồi trộn đều, một chút tương ớt là thành một bát phở chua chuẩn vị Bắc Hà. Khi ăn, ta cảm nhận thấy mùi thơm của đậu xị, chút bùi của lạc rang với béo ngậy của bánh phở quyện với vị chua của dưa cải, chút cay của tương ớt khiến ta không có cảm giác bị ngấy, hương vị thơm ngon hấp dẫn khiến tôi vẫn muốn thưởng thức thêm nhiều lần nữa.

Khi đã mua đủ rau, măng, thịt lợn bản và làm ấm bụng bằng bát phở chua rồi về khách sạn cất đồ, vẫn còn luyến tiếc bởi không khí náo nhiệt của phiên chợ vùng cao nên tôi quay ra chợ lần thứ ba. Lúc này trên khu đất cao nhất và cũng được xây dựng khang trang hơn là nơi dành cho các đồ trang sức, khăn quàng, váy, mũ bằng thổ cẩm dành cho chị em với màu sắc rực rỡ làm nổi bật cả góc chợ. Từ bên ngoài lối vào, rất nhiều sạp lớn nhỏ bán túi, ví, khăn thêu tay và các con vật bằng vải thật sặc sỡ, tinh tế. Những chiếc vòng cổ bằng bạc, vòng tay rồi vòng tai với nhiều kiểu dáng, kích cỡ vô cùng phong phú và bắt mắt. Rồi những chiếc địu, mặt hàng được bàn tay của phụ nữ dân tộc thêu và trang trí mất cả tháng đến cả năm trời mới thành sản phẩm cũng rất cầu kỳ bắt mắt. Tùy vào kích cỡ và độ khó nên giá cũng khá đắt. Những miếng vải thổ cẩm với hoa văn cầu kỳ, tinh tế nay đã được gia công lại chút xíu theo đường hoa văn và kích cỡ để làm thành những miếng khăn trải bàn, rèm, đã tạo nên sự khác biệt, tinh tế, sang trọng và độc đáo.

Mải ngắm những bộ váy dân tộc rực rỡ sắc màu của những cô gái bản địa mãi mà không chán mắt, rồi đến một hàng thấy có cô gái đang thử váy, không phải người vùng cao mà là người dưới xuôi lên, vậy mà khi vận bộ váy vào nhìn cũng rất ấn tượng, đẹp chả khác gì cô gái dân tộc thực thụ. Nhưng điều khiến tôi thích thú hơn khi thấy một nhóm chừng 5 bạn gái thử bộ váy dân tộc nhưng nói tiếng miền Nam đang thích thú chụp hình, nhìn cũng xinh đẹp như gái bản. Ngoài quần áo vải vóc, chợ còn có khu bán gia súc, gia cầm. Chợ trâu luôn là nơi sôi nổi sầm uất nhất nhì chợ Bắc Hà. Giá trâu dao động tùy vào mục đích sử dụng, mua về để cày cấy hay lấy thịt. Quá trình tuyển trâu diễn ra khá ngặt nghèo và hầu như chỉ có sự tham gia của các đấng mày râu. Nhiều người lặn lội dắt trâu lên chợ rồi lại thất thểu đưa về chỉ vì cả buổi không lọt vào mắt xanh của người mua nào. Bên dưới chợ trâu là khu bán “khuyển” của dân tộc Mông, Dao. Ở đây người ta bán những chú cún con đến chú chó to tinh khôn với nhiều màu sắc, giống loài như chó lông xù, lông dài, cộc đuôi. Giá mỗi con từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Nhiều người lặn lội từ dưới xuôi lên chợ để chọn cho mình những chú khuyển ưng ý đóng mác Bắc Hà, nổi tiếng là trung thành. Bên cạnh chợ chó là khu bán gia cầm nuôi thả, chạy bộ trong bản với gà, vịt, chim các loài.

Đi hết một vòng chợ, những thứ muốn đã mua đủ. Về rồi nhưng tôi vẫn nán lại dưới sảnh khách sạn như để cảm nhận thấu đáo những nét mặt háo hức, phấn khởi của mọi người. Hàng hóa, cây cảnh và cả những cành đào đỏ tươi thắm, mập mạp khác biệt hắn với dưới xuôi còn sót lại được chất đầy lên các xe và cả nóc xe trên một dải phố dài… như thể mọi người muốn mang cả mùa xuân Bắc Hà về xuôi. Một phiên chợ đầu xuân đem lại cho ta nhiều cảm xúc, nhưng có lẽ đó chỉ là những trải nghiệm đầu tiên. Ta hẹn gặp lại Bắc Hà ở Bản Phố để tận mắt nhìn người H Mông thêu, dệt thổ cẩm và thưởng thức rượu ngô vừa nấu ra tại lò. Ta hẹn ở Bản Liền để ngắm những thửa ruộng bậc thang, những cây cọ và những biển mây tuyệt đẹp. Rồi ta đến Tà Chải để chiêm ngưỡng những điệu xòe độc đáo của đồng bào dân tộc Tày. Ta đến Na Hối để chiêm ngưỡng thôn làng mộc mạc đẹp như bức tranh sơn dầu và đến Tả Van để ngắm hoa mận bung nở mỗi dịp xuân về…