Muôn nỗi nhọc nhằn của môi giới cho thuê bất động sản
Trăm kiểu “bùng" tiền của chủ nhà
Đã quen với việc bạn bè, người thân nghĩ mình “làm chơi ăn thật”, anh Đạt - một môi giới chuyên phân khúc cho thuê ngán ngẩm cho biết, nghề nào cũng có những vất vả riêng, lúc mình nhịn ăn cả ngày, ốm cũng không dám nghỉ, rồi phải bỏ hết các mối quan hệ bạn bè để tập trung kiếm tiền thì không ai biết. Đó là còn chưa kể kiếm được khách đã khó, tư vấn được khách "chốt deal" lại càng khó hơn. Nhưng chốt được rồi, anh Đạt cũng như nhiều môi giới khác còn chật vật để lấy tiền hoa hồng của mình.
Là tay ngang làm môi giới, anh Đạt bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, không kinh nghiệm, không có khách hàng, không có ai giúp đỡ, một mình phải tự làm tất cả nên xuất phát điểm của anh khá xa so với các môi giới đồng nghiệp. Mới bước chân vào nghề, anh Đạt đã lựa chọn mảng bất động sản cho thuê và địa bàn làm việc chủ yếu tại một dự án tại quận Nam Từ Liêm. Ban đầu, anh nghĩ làm mảng bất động sản cho thuê tuy tiền hoa hồng không được nhiều như mảng mua bán nhưng dễ chốt khách hơn và chi phí quảng cáo cũng nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, “đời không như là mơ”, dù rất chăm chỉ đăng bài trên trang cá nhân, các nhóm mạng xã hội và các trang thông tin rao vặt cho thuê nhà nhưng cũng mất gần hai tháng anh mới chốt được vị khách đầu tiên. Số tiền hoa hồng được 7 triệu đồng (một tháng tiền nhà) nhưng chủ nhà chỉ trả một nửa và hứa hẹn số hoa hồng còn lại sẽ trả khi khách thanh toán tiền nhà 3 tháng tiếp theo. Thế nhưng, anh không thể nhận nốt số tiền hoa hồng còn lại khi khách thuê mâu thuẫn với chủ nhà nên đã chuyển đi khi mới hết 3 tháng. Chủ nhà lấy đủ lý do và không thanh toán cho anh số tiền hoa hồng còn lại.
Anh Đạt buồn bã nói: “Tìm được khách đã khó, chốt khách còn khó hơn. Tuy nhiên, khi chốt được khách rồi, lấy được tiền hoa hồng không lại là chuyện “hên xui” bởi may thì gặp chủ nhà sòng phẳng, khách ký hợp đồng và thanh toán xong là họ trả mình tiền hoa hồng. Nhưng đôi khi đen, gặp chủ nhà “củ chuối”, họ viện đủ lý do để trì hoãn việc thanh toán. Có người thì chỉ thanh toán một phần với lý do khách phải thanh toán đủ tiền nhà 1 năm theo hợp đồng thì họ mới trả đủ 1 tháng tiền nhà”.
Mới đây, bạn anh Đạt là anh Sơn cũng vừa bị chủ nhà “qua mặt” ký hợp đồng trực tiếp với khách thuê vì không muốn trả tiền môi giới. Anh Sơn kể, chủ nhà căn hộ chung cư ở phường Tây Mỗ - Nam Từ Liêm cho thuê 10 triệu đồng/tháng và có nhờ bên sàn hỗ trợ. Hai bên thống nhất sau khi khách hàng thanh toán 6 tháng và cọc 1 tháng tiền nhà, bên chủ nhà sẽ thanh toán đủ hoa hồng cho môi giới là 1 tháng tiền nhà.
Tuy nhiên, khi anh Sơn dẫn khách đến xem nhà, khách chốt luôn vì đang cần nhà ở gấp. Khi liên hệ với chủ nhà để báo khách đã chốt, chủ nhà nói đang không ở Hà Nội nên bảo khách cứ chuyển khoản tiền đặt cọc và có thể dọn vào ở luôn, 2-3 ngày nữa chủ nhà về sẽ ký hợp đồng. Chị khách đồng ý chuyển khoản và hôm sau dọn đồ vào ở.
Trước khi khách dọn vào, anh Sơn và khách thuê đã cùng quay lại video về tình trạng nhà rồi gửi cho chủ nhà làm căn cứ, sau này tránh mâu thuẫn liên quan đến đồ đạc bị mất hay hỏng hóc. Thế nhưng, đến khoảng 21h đêm hôm sau, chủ nhà bất ngờ đến gặp khách thuê nhà và đề nghị hai bên ký hợp đồng mà không thông qua anh Sơn. Chị khách khá bất ngờ vì không hề biết chủ nhà là ai nên đã gọi cho anh Sơn đến. Sau khi anh Sơn đến, chủ nhà vì không muốn trả tiền hoa hồng cho bên môi giới nên đã đuổi khách ra khỏi nhà. Sự việc khiến tranh cãi ầm ĩ.
“Thực tế có không ít chủ nhà vì tiếc mấy triệu đồng tiền hoa hồng mà đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để qua mặt môi giới. Nếu không có môi giới tìm khách cho họ, họ sẽ phải tự tìm khách, việc này không phải dễ. Có khi họ phải mất hàng tháng trời mới tìm được người thuê”, anh Sơn chia sẻ.
Tìm điểm sáng để tiếp tục theo đuổi nghề
Đã trải qua đủ "mùi vị" của nghề, chị Ly - một môi giới bán và cho thuê phân khúc căn hộ chung cư đã hơn 5 năm chia sẻ, sau 5 năm hoạt động trong nghề, ngay cả khi khó khăn vì dịch bệnh hay thị trường thì chị Ly vẫn “sống khỏe”, vì nhu cầu thuê nhà lúc nào cũng có.
“Làm môi giới bất động sản không chỉ là một nghề đem lại thu nhập tương đối khá, thậm chí là cao và tiếp xúc được với những người thành công hơn mình. Ngoài ra, nghề môi giới bất động sản còn giúp nhiều người tìm được nơi an cư để lạc nghiệp. Điều đó làm tôi thấy hạnh phúc và yêu nghề này”, chị Ly lạc quan chia sẻ.
Chị Ly trải lòng, nhiều người thường hay có thái độ kỳ thị, khinh thường những người làm nghề môi giới bất động sản. Họ cho rằng, môi giới không làm gì cả nhưng họ lại phải trả 1 tháng tiền nhà (nhà cho thuê) hay 1-2% giá trị bất động sản, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng (nếu mua bán). Tuy nhiên, họ không hiểu, để biết được thông tin chủ nhà muốn cho thuê hay muốn bán, môi giới cũng cần phải bỏ thời gian và công sức tìm hiểu. Hơn thế, việc tìm được khách muốn thuê hay mua là một quá trình vô cùng khó khăn và thậm chí tốn kém tiền bạc. Số tiền hoa hồng này sau khi trừ chi phí quảng cáo, duy trì văn phòng, xăng xe, điện thoại… cũng không còn lại bao nhiêu.
“Hầu hết môi giới bất động sản không có lương cứng hoặc chỉ được phụ cấp khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Thực chất là tiền hỗ trợ chi phí quảng cáo. Vì vậy, thu nhập của chúng tôi chính là khoản tiền hoa hồng mà chủ nhà trả cho. Chúng tôi bỏ công sức đi tìm nguồn hàng, tìm khách thuê/mua và kết nối hai bên. Thậm chí phải thay mặt hai bên làm các thủ tục pháp lý với cơ quan Nhà nước, với ngân hàng nhằm giúp quá trình thuê/mua bán diễn ra thuận lợi và nhanh hơn. Do đó, khoản tiền hoa hồng này, chúng tôi xứng đáng được hưởng” chị Ly nói./.
- Chuyên gia: Cần “nâng chất” cho lực lượng môi giới bất động sản để phù hợp với chu kỳ mới
- Dù đông khách hỏi, môi giới bất động sản tỉnh vẫn rơi vào tình trạng “mòn mỏi” đợi khách
- “Cuộc chiến sinh tồn” của lực lượng môi giới bất động sản