ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ ba, 11h04 24/09/2024

Ngành công nghiệp bán dẫn mang lại cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp

(KDPT) - Ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để bứt phá trong thời gian tới.

Ngành công nghiệp bán dẫn cần được ưu tiên, chú trọng

Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5 năm 2024 với mục tiêu thảo luận để xây dựng các chính sách ưu tiên phát triển ngành vi mạch bán dẫn diễn ra mới đây, Phó Giám đốc ITPC Đào Minh Chánh cho biết, TP.HCM là một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo của Việt Nam. Thành phố định hướng tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.

Ngành vi mạch bán dẫn là một lĩnh vực công nghệ cao tập trung sản xuất và phát triển các loại vi mạch và thiết bị bán dẫn. Ngành vi mạch bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất để phát triển các sản phẩm kỹ thuật số như máy tính, điện thoại di động, thiết bị IoT và nhiều ứng dụng khác…

Doanh nghiệp cần chú trọng vào đội ngũ nhân lực để phát triển lĩnh vực bán dẫn. (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp cần chú trọng vào đội ngũ nhân lực để phát triển lĩnh vực bán dẫn. (Ảnh minh họa)

Đồng thời, ngành vi mạch còn là cơ sở kỹ thuật cho các lĩnh vực khác như truyền thông, y tế và năng lượng, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng điện tử trong các nước phát triển. Trên thế giới, ngành vi mạch bán dẫn đang bùng nổ, đặc biệt tại các quốc gia tiên tiến về công nghệ như Mỹ, Nhật Bản và Singapore.

Tại Việt Nam, vi mạch bán dẫn được lựa chọn là nhóm ngành chủ lực quốc gia, các sản phẩm về điện tử, tin học (đầu cuối của vi mạch) đóng góp khoảng 20% GDP.

Theo ông Chánh, đây là ngành cực kỳ tiềm năng, mang lại thu nhập cao cho người gắn bó. Với các bạn trẻ, càng có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, thì mức lương sẽ tăng trưởng theo thời gian. Thực tế, có những người có thu nhập khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm. Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành vi mạch bán dẫn bởi người Việt có gen về khoa học, công nghệ và kỹ thuật, sự chuyên cần và tỉ mỉ…

Số liệu từ các cơ quan quốc tế cho thấy, đến năm 2030, thế giới cần khoảng 900.000 kỹ sư bán dẫn mới, trung bình mỗi lao động ngành bán dẫn tạo ra 275.000 USD (gần 7 tỷ đồng) doanh thu…

Công nghệ MEMS mang đến nhiều lợi ích cho các ngành công nghiệp

Đại diện Công ty Siargo, một nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, cũng đã giới thiệu về công nghệ vi cơ điện tử (MEMS) tiên tiến, góp phần đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cao.

MEMS (Micro-Electro-Mechanical Systems) là một công nghệ kết hợp linh kiện điện tử và cơ khí trên một con chip siêu nhỏ, tạo nên những "cỗ máy tí hon" có thể cảm nhận, xử lý thông tin và thực hiện tác động vật lý với độ chính xác cao. MEMS mang đến nhiều lợi ích cho các ngành công nghiệp, từ kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất phục vụ, đến thúc đẩy sản xuất bền vững, giảm thiểu chất thải, tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường.

Ngành công nghiệp bán dẫn mang lại cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp - ảnh 2

Các sản phẩm cảm biến ứng dụng công nghệ MEMS của Siargo đa dạng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, ô tô, tự động hóa, y tế, dân dụng (thiết bị đo lưu lượng khí, đồng hồ nước…) và cả trong lĩnh vực bán dẫn. Tập đoàn Siargo đã được kiểm định chất lượng và đạt các chứng nhận ISO 9001/ ISO 13585/ ISO 14001/ ISO 45001 trong lĩnh vực hoạt động công nghệ cao.

Các sản phẩm ứng dụng công nghệ MEMs được sử dụng để kiểm soát, đo lường một cách chính xác, kịp thời các chỉ số về áp suất, lưu lượng, độ ẩm, nhiệt độ… qua đó giúp kiểm soát một cách hiệu quả và tăng cường chất lượng sản phẩm, năng suất trong các hệ thống sản xuất phục vụ xu hướng Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh mà Chính phủ Việt Nam đang định hướng phát triển.

Hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, phát triển lĩnh vực bán dẫn

Ngày 21/9/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo chiến lược, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo lộ trình 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2024-2030): Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 01 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực; Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10-15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10-15%.

Giai đoạn 2 (2030-2040) Phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 02 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15-20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15-20%.

Giai đoạn 3 (2040-2050): Hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 03 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20-25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20-25%; Hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 29/09/2024