Ngành ngân hàng triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Kim Anh cho biết, thực tiễn phát triển kinh tế ở không ít quốc gia cho thấy, mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống với mục tiêu tăng trưởng nhanh đã dần bộc lộ những khiếm khuyết của nó khi vấn đề nghèo đói không phải luôn được cải thiện, bất chấp nền kinh tế có tăng trưởng. Bất bình đẳng về thu nhập ngày càng gia tăng có thể dẫn tới một bộ phận người dân bị đặt ra ngoài lề của sự phát triển chung và là nhân tố dẫn tới bất ổn về chính trị, xã hội. Bởi vậy, mô hình tăng trưởng bao trùm hướng tới sự bền vững trong dài hạn, trong đó đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nhằm mục tiêu cuối cùng là phát triển con người đã trở thành mục tiêu chung của các quốc gia và khu vực.
Thực thi tài chính toàn diện cũng chính là phát triển lĩnh vực tài chính hướng tới phát triển bao trùm. Tính đến nay, trên thế giới đã có hơn 60 quốc gia xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đóng góp lớn vào việc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Tài chính toàn diện (financial inclusion) hay còn gọi là tài chính bao trùm, được hiểu khái quát là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện và phù hợp với nhu cầu, nhằm thông qua đó góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011 – 2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững… đã cho thấy một trong những mục tiêu tiên quyết của Chính phủ Việt Nam là nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhấn mạnh đến tạo cơ hội bình đẳng cho người dân trong tiếp cận các nguồn lực phát triển và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản.
Chính phủ cũng đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách cụ thể hướng đến đối tượng của tài chính toàn diện như: Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a/2008/NĐ-CP); Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg); Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP); Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 (theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 6/12/2011); Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế (theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016). Ngoài ra, nhiều chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên, hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở những vùng khó khăn, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một dấu mốc quan trọng đối với ngành Ngân hàng Việt Nam và mang tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Việc ban hành và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được xem là một bước tiến quan trọng, không chỉ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua, mà còn hướng tới mục tiêu toàn diện hơn, mở rộng hơn cho toàn nền kinh tế. Theo đó, trên cơ sở phối hợp đồng bộ và hiệu quả nhiều nhóm giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực nhà nước và tư nhân. Trong tương lai, mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam đều sẽ “được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho sự phát triển lành mạnh, hiệu quả, an toàn và bền vững của ngành Ngân hàng.
Ngày 24/7/2020 vừa qua, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Kế hoạch hành động là căn cứ để các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của đơn vị. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chiến lược trong mỗi giai đoạn, đề xuất xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đảm bảo đúng yêu cầu và lộ trình đề ra.
Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các đơn vị cần lồng ghép nội dung của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược một cách phù hợp, hiệu quả vào Chiến lược, kế hoạch phát triển của đơn vị mình. Đặc biệt, thường xuyên tự rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, xác định khả năng đạt được nhiệm vụ được giao để có giải pháp phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.
PHƯƠNG THÚY