ISSN-2815-5823
Huyền Nguyễn
Thứ bảy, 06h09 23/03/2024

Người Việt ngày càng hình thành thói quen giao dịch không dùng tiền mặt

(KDPT) - Một nghiên cứu của Visa cho thấy, 56% người dùng Việt được hỏi cho biết ít mang theo tiền mặt hơn so với năm trước. Điều này cho thấy việc người dân rất chủ động nắm bắt công nghệ tài chính mới để phục vụ đời sống.

Mới đây, trong Nghiên cứu về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện - Consumer Payment Attitudes (CPA) Study của Visa đã chỉ ra những hiểu biết mới nhất về bối cảnh thanh toán tại Việt Nam. Báo cáo cho thấy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang có một làn sóng tăng trưởng, mở ra tương lai tiềm năng của ngành hàng tiêu dùng bán lẻ.

Xu hướng giao dịch không dùng tiền mặt

Giao dịch tiền mặt vẫn rất phổ biến, tuy nhiên đã xuất hiện xu hướng chuyển đổi sang những phương thức thanh toán điện tử hiện đại và được người dùng Việt Nam ưa chuộng. Theo nghiên cứu, có 56% người dùng Việt tham gia khảo sát cho biết họ ít mang theo tiền mặt hơn so với những năm trước. Điều này cho thấy sự chủ động nắm bắt công nghệ tài chính mới của người tiêu dùng.

Đặc biệt, người dùng trẻ Gen X và Gen Y đang giữ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy đà tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt. 89% người tham gia khảo sát tiếp cận thành công những phương thức thanh toán kỹ thuật số vào đời sống hiện nay.

Visa cho biết, đà tăng trưởng của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là qua mã QR và ví điện tử, được thể hiện rõ ở các lĩnh vực như Thực phẩm & ăn uống (F&B), Bán lẻ và Cửa hàng tiện lợi.

Phương thức giao dịch qua mã QR và ví điện tử tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua.
Phương thức giao dịch qua mã QR và ví điện tử tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua.

Đồng thời, mua sắm tại cửa hàng cũng chứng kiến sự thay đổi lớn khi hàng loạt đơn vị bán lẻ hiện nay đã tích cực ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đem đến trải nghiệm mua sắm thú vị, mới mẻ cho người dùng, từ đó thúc đẩy doanh thu tăng trưởng.

Nhận thức rõ về vai trò quan trọng của đơn vị chấp nhận thanh toán số trong định hình tương lai ngành bán lẻ, Visa cam kết hỗ trợ doanh nghiệp thông qua bộ giải pháp đổi mới toàn diện.

Theo đó, các chương trình hỗ trợ nhà bán được Visa triển khai tích cực, cung cấp thông tin cụ thể về dữ liệu thực tiễn giúp nhà bán thuận lợi đưa ra quyết định trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ trang thiết bị tăng cường năng lực chấp nhận thanh toán số tại điểm bán. Từ đó góp phần tạo ra hệ sinh thái thanh toán an toàn, mở rộng tiếp cận những tệp khách hàng mới.

Visa ngày càng mở rộng cơ hội phát triển trong lĩnh vực thương mại số cho cộng đồng bán lẻ toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.

Hạn chế mang tiền mặt ra đường

Nghiên cứu của Visa còn chỉ ra các xu hướng thanh toán đang định hình nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đây là một bước tiến quan trọng hứa hẹn mang đến sự chuyển đổi đáng kể cho bối cảnh thanh toán - tài chính trong giai đoạn này.

Việc sử dụng ví điện tử để thanh toán góp phần thúc đẩy tăng trưởng tài chính số tại Việt Nam.
Việc sử dụng ví điện tử để thanh toán góp phần thúc đẩy tăng trưởng tài chính số tại Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam đã lọt vào top đầu các thị trường Đông Nam Á có lượng lớn người dùng mới sử dụng ví điện tử như một phương tiện thanh toán phổ biến, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tài chính số. Cụ thể, cứ 4 trên 5 người tiêu dùng Việt sử dụng ví điện tử thường xuyên, đa số là người dùng Gen Z và nhóm tiêu dùng hạng sang.

Gần đây, thanh toán theo thời gian thực (Real-time payment, RTP) đang có độ phủ sóng nhất định và dần có vị thế mới, minh chứng cho nội lực quốc gia trong việc đón nhận các công nghệ tài chiến hiện đại. Phương thức thanh toán này vừa thể hiện tính hiệu quả cao, lại nhanh chóng, tiện lợi, từng bước tạo đà cho tiến trình số hóa kinh tế tích cực hơn.

RTP cũng dần được ưa chuộng tại Việt Nam, ít nhất 2 trên 5 người tiêu dùng cho biết đã từng sử dụng giải pháp này. Tuy nhiên, ứng dụng RTP trong đời sống cần đa dạng hơn nữa, có thể kể đến giao dịch xuyên biên giới, chuyển tiền giữa các cá nhân P2P, thanh toán hóa đơn, thanh toán cho nhà bán hàng - đơn vị bán lẻ…

Người Việt ngày càng hình thành thói quen giao dịch không dùng tiền mặt - ảnh 3

Một giải pháp cũng đang phổ biến là mua trước trả sau (Buy Now Pay Later, BNPL), nhờ khả năng mang đến các phương án thanh toán linh hoạt. Visa có quan hệ đối tác chiến lược với các nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, trong đó Giải pháp Trả góp Visa (Visa Instalment Solutions) là một ví dụ cho các tác động mạnh mẽ nhất của những loại hình thanh toán số hiện nay trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, tài chính toàn diện.

Dù ít được sử dụng để nạp tiền vào ví điện tử, nhưng thẻ tín dụng lại là lựa chọn ưu tiên cho việc thanh toán BNPL tại Việt Nam. Kết hợp với ứng dụng dễ thao tác, mã giảm giá, chương trình điểm thưởng, khả năng theo dõi thanh toán dễ dàng đều là các động lực chính giúp gia tăng việc sử dụng dịch vụ BNPL.

Visa nhận định, xu hướng giao dịch không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã mang tới vô số tiềm năng tăng trưởng và đổi mới, mở ra cơ hội cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh các phương thức thanh toán được thay đổi từng ngày. Theo đó, Visa tiếp tục giữ vững vai trò dẫn dắt hành trình chuyển đổi số sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam để hướng tới tương lai giao dịch kỹ thuật số tiện lợi, an toàn.

Giám đốc Visa Việt Nam và Lào - bà Đặng Tuyết Dung chia sẻ: “Visa cam kết tiếp tục thúc đẩy tiến trình đổi mới, sáng tạo, nâng cao trải nghiệm thanh toán số của người tiêu dùng Việt. Hiểu biết từ Nghiên cứu về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện, một lần nữa khẳng định xu hướng phát triển nhanh chóng của giao dịch không tiếp xúc, tương đồng với mức tăng 53% các giao dịch không tiếp xúc được tiến hành thông qua thẻ Visa".

Có thể thấy, hoạt động kinh tế và kết nối trong khu vực ngày càng gia tăng. Minh chứng là tổng giá trị giao dịch qua thẻ Visa được phát hành tại Việt Nam đã tăng 19%, cùng sự tăng trưởng của giá trị giao dịch xuyên biên giới./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024