ISSN-2815-5823

Nhà ở xã hội cần phù hợp với xu hướng bất động sản của từng địa phương

(KDPT) - Thời gian qua, vấn đề về nhà ở xã hội vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu của các địa phương nhưng lại chưa thể giải quyết được những vướng mắc đang diễn ra.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ và các địa phương tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất một số giải pháp để với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy và tăng nguồn cung nhà ở xã hội trong tương lai. Theo ông Lê Hoàng Châu, tại các đô thị lớn nhu cầu về nhà ở xã hội vẫn đang tăng cao.

Đầu tiên phải kể đến là những thành phố trực thuộc Trung ương cũng như những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp hóa cao, tuy nhiên chính sách về nhà ở xã hội chưa hợp lý nên cần phải nghiên cứu kĩ để điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của người dân tại từng địa phương, tránh để tình trạng “ế” đã xảy ra ở một số địa phương, còn nơi cần thì lại thiếu trầm trọng.

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động TP.HCM cho thấy, hiện nay có đến khoảng 60% công nhân, lao động nhập cư có nhu cầu thuê nhà trọ với mức giá khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng, như vậy là chiếm khoảng 20% thu nhập của họ hàng tháng. Bên cạnh đó, người lao động chỉ có dự định làm việc khoảng 10-15 năm rồi về quê. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội vẫn đang thiếu trầm trọng thì đã có khoảng 60.470 cá nhân, hộ gia đình đã đầu tư xây dựng các khu nhà trọ, cung cấp cho thị trường khoảng 560.219 phòng, như vậy đã góp phần giải quyết nhu cầu thuê trọ cho khoảng 1,4 triệu người lao động trên thị trường.

Theo các con số này Hiệp hội đánh giá điều quan trọng lúc này ulaf cần phải bổ sung chính sách "Nhà nước hỗ trợ về nhà ở" đối với các "chủ nhà trọ" để xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà ở và xem xét để giảm bớt mức “thuế khoán”. Bên cạnh đó, cần phải bổ sung một số ưu đãi cho các doanh nghiệp nhằm khuyến khích họ thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

Hiện nay có đến khoảng 60% công nhân, lao động nhập cư có nhu cầu thuê nhà trọ với mức giá khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng
Hiện nay có đến khoảng 60% công nhân, lao động nhập cư có nhu cầu thuê nhà trọ với mức giá khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng

Một vấn đề nữa khiến cho việc phát triển nhà ở xã hội gặp tắc nghẽn là quy trình, thủ tục vẫn khá lằng nhằng nên không thể triển khai theo đúng tiến độ. Nếu như quy trình, thủ tục xây dựng dự án nhà ở thương mại chỉ là khó thì đối với dự án nhà ở xã hội lại là rất khó. Chính điều này đã khiến cho giai đoạn 2016-2020 kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên cả nước chỉ đạt khoảng 41%.

Trong giai đoạn 2021-2023, cả nước cũng chỉ hoàn thành được 72 dự án nhà ở xã hội với 38.128 căn hộ, như vậy so với kế hoạch đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 9% kế hoạch so với chỉ tiêu 446.000 căn ban đầu. Trên thực tế, cũng chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng với tổng cộng 623 căn hộ (chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020), 7 dự án nhà ở xã hội được khởi công nhưng lại có 4.996 căn hộ nhưng bị "vướng mắc về pháp lý" nên không thể triển khai thi công ngay.

Hiệp hội đã kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội, khơi thông nguồn cung như sau:

Thứ nhất, cần phải tháo gỡ những thủ tục về việc “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với mọi dự án nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại trên cả nước. Hiệp hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Thứ hai, trên cơ sở sửa đổi bổ sung điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và khoản 3 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP (nêu trên), Hiệp hội đề xuất Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng (Sở Quy hoạch Kiến trúc) để các địa phương được thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với những dự án NƠXH (và cả dự án nhà ở thương mại) đã có “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội quy định “Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải được phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh theo quy định của pháp luật trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và triển khai các bước tiếp theo của dự án”, trước đó Hiệp hội đã có đề nghị để bổ sung vào khoản 3 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP và điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Thứ ba, đối với quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội cũng đề xuất mỗi địa phương phải triển khai đấu thầu công khai để chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đấu thầu 2023, tận dụng tối đa nguồn đất công tránh gây lãng phí.

Một vấn đề nữa khiến cho việc phát triển nhà ở xã hội gặp tắc nghẽn là quy trình, thủ tục vẫn khá lằng nhằng
Một vấn đề nữa khiến cho việc phát triển nhà ở xã hội gặp tắc nghẽn là quy trình, thủ tục vẫn khá lằng nhằng

Thứ tư, đối với nguồn vốn tín dụng ưu đãi được dùng để thực hiện chính sách nhà ở axax hội cũng được Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phân bổ nguồn vốn chi cho ngân sách Nhà nước trung hạn chuyên để thực hiện chính sách đối với nhà ở xã hội, bố trí tái cấp vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội hoặc sẽ “cấp bù lãi suất” đối với 4 ngân hàng thương mại của Nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank. Nguyên nhân là trong giai đoạn 2015-2020, khi chưa thể bố trí được nguồn vốn chi trung hạn để thực hiện các chính sách nhà ở xã hội thì các chủ đầu tư dự án, người mua, người thuê đa phần không được hưởng những chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014.

Thứ năm, Hiệp hội cũng đã đề nghị bổ sung hoặc tăng thêm các chính sách ưu đãi với những chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội để thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển loại hình này.

Thứ sáu, xử lý những bất cập, vướng mắc đối với nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành một phần quỹ đất (quỹ đất 20%) của dự án để phát triển nhà ở xã hội, theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định các dự án có diện tích từ 10 ha trở lên thì nhà ở xã hội phải xây dựng trong dự án, dự án dưới 10 ha thì chủ đầu tư được phép xây nhà ở xã hội trong quỹ đất của dự án hoặc hoán đổi theo giá trị tương đương hoặc thanh toán bằng tiền mặt.

Thứ bảy, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, đánh giá để đề xuất Chính phủ và cấp có thẩm quyền cân nhắc bổ sung thêm đối tượng là chủ nhà trọ cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở khi tự xây dựng hoặc cải tạo lại nhà ở. Vấn đề này có thể đánh giá dựa trên điều kiện của từng địa phương vì đây là những đối tượng góp phần giải quyết chỗ ở cho những công nhân, lao động, người thu nhập thấp.

Thứ tám, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách tín dụng phù hợp với hoạt động sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại khu vực nông thôn. Đây là điều kiện cần thiết để thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ và hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện thành công chỉ tiêu xây dựng, phát triển nhà ở xã hội tại địa phương./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/12/2024